backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn đã hiểu rõ về đau đầu do thay đổi nội tiết ở phụ nữ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Bạn đã hiểu rõ về đau đầu do thay đổi nội tiết ở phụ nữ?

    Đau đầu do thay đổi nội tiết là một tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, bạn có rất nhiều lựa chọn để điều trị dứt điểm cơn đau đầu. 

    Đau đầu (nhức đầu) có thể được gây ra bởi nhiều yếu tố, bao gồm di truyền và chế độ ăn uống. Ở phụ nữ, thay đổi nội tiết tố là một yếu tố đóng góp chính trong đau đầu mãn tính và đau nửa đầu migraine.

    Nồng độ hormone thường thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh. Nó cũng bị ảnh hưởng bởi các thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone. Các bác sĩ thường chỉ định thuốc hoặc các phương pháp điều trị để giúp giảm đau đầu.

    Phụ nữ bị đau đầu do thay đổi nội tiết thường dùng các phương pháp giảm đau khi mang thai hoặc đến tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, rất nhiều người lại bỏ qua tình trạng này và không tìm hiểu để điều trị bệnh dứt điểm. Vậy đau đầu do thay đổi nội tiết có nguy hiểm không? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về bài viết sau đây.

    Nguyên nhân gây đau đầu do thay đổi nội tiết

    Đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu migraine, có liên quan đến nội tiết tố nữ estrogen. Estrogen kiểm soát các hóa chất trong não ảnh hưởng đến cảm giác đau. Việc giảm nồng độ estrogen có thể gây ra đau đầu. Mức độ hormone thay đổi vì nhiều lý do, bao gồm:

    • Chu kỳ kinh nguyệt: estrogen và progesterone giảm xuống mức thấp nhất ngay trước kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra đau đầu.
    • Mang thai: Nồng độ estrogen tăng trong thai kỳ. Đối với nhiều phụ nữ, tình trạng đau đầu do nội tiết tố sẽ hết khi mang thai. Tuy nhiên, một số người sẽ bị đau nửa đầu trong thời kỳ đầu mang thai và sẽ tìm các phương pháp giảm đau sau tam cá nguyệt đầu. Sau khi sinh con, nồng độ estrogen sẽ giảm nhanh chóng.
    • Tiền mãn kinh và mãn kinh: Nồng độ hormone dao động trong thời kỳ tiền mãn kinh khiến một số phụ nữ bị đau đầu nhiều hơn. Khoảng 2/3 phụ nữ bị chứng đau nửa đầu cho biết các triệu chứng được cải thiện khi đến tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, với một số người, chứng đau nửa đầu thực sự trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này có thể là do việc sử dụng các liệu pháp thay thế hormone.
    • Thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone: Thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormone có thể khiến nồng độ hormone tăng và giảm. Phụ nữ bị chứng đau nửa đầu có thể là do thay đổi nội tiết tố khi dùng thuốc tránh thai. Họ thường bị đau nửa đầu trong tuần cuối cùng của chu kỳ, khi thuốc không có nội tiết tố.

    Nguy cơ mắc phải

    Di truyền có vai trò trong việc gây ra chứng đau nửa đầu mạn tính. Ngoài nội tiết tố, các yếu tố khác cũng góp phần gây ra chứng đau nửa đầu như:

    • Bỏ bữa
    • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
    • Ánh sáng, âm thanh hoặc mùi nặng
    • Thời tiết thay đổi khắc nghiệt
    • Đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu vang đỏ
    • Dùng quá nhiều caffeine hoặc thiếu caffeine
    • Căng thẳng
    • Thực phẩm chế biến sẵn
    • Bột ngọt (MSG), chất tăng hương vị
    • Pho mát chín
    • Sản phẩm làm từ đậu nành
    • Chất ngọt nhân tạo

    Triệu chứng đau đầu do thay đổi nội tiết

    Đặc điểm chính của đau đầu do thay đổi nội tiết tố là đau đầu hoặc đau nửa đầu. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ gặp các triệu chứng khác có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán họ bị đau đầu do nội tiết tố.

    Chứng đau nửa đầu trong kỳ kinh hoặc do nội tiết tố tương tự như chứng đau nửa đầu thông thường. Chứng đau nửa đầu là một cơn đau nhói bắt đầu ở một bên đầu. Nó cũng có thể liên quan đến sự nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn hoặc nôn.

    Các triệu chứng khác của đau đầu do thay đổi nội tiết bao gồm:

    • Ăn mất ngon
    • Mệt mỏi
    • Mụn trứng cá
    • Đau khớp
    • Nước tiểu giảm
    • Thiếu sự phối hợp
    • Táo bón
    • Thèm rượu, muối hoặc chocolate

    Điều trị đau đầu do thay đổi nội tiết

    Biện pháp tại nhà

    Càng bắt đầu điều trị cơn đau đầu càng sớm thì cơ hội giảm đau của bạn càng lớn. Một số biện pháp tại nhà sẽ giúp giảm cơn đau đầu như:

    • Uống nhiều nước
    • Nằm nghỉ trong một căn phòng yên tĩnh, không có ánh sáng
    • Chườm một túi nước đá hoặc vải lạnh lên đầu
    • Massage vùng mà bạn cảm thấy đau
    • Thực hiện thở sâu hoặc các bài tập thư giãn khác.

    Phản hồi sinh học có thể giúp bạn biết cách thư giãn một số cơ nhất định để giảm tần suất đau đầu hoặc đau. Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn bổ sung magiê để giúp giảm cường độ đau đầu. Giảm căng thẳng trong cuộc sống cũng có thể giúp ngăn ngừa đau đầu hoặc đau nửa đầu. Các phương pháp điều trị bổ sung bao gồm châm cứu và xoa bóp.

    Thuốc

    Một số loại thuốc tập trung vào điều trị cấp tính. Những loại thuốc này được dùng khi cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu đã bắt đầu, bao gồm:

    Thuốc chống viêm không steroid không kê đơn (NSAIDs), chẳng hạn như ibuprofen

    triptans, là thuốc đặc trị đau nửa đầu có thể làm giảm cường độ của cơn đau nửa đầu.

    Đối với những phụ nữ thường xuyên bị đau đầu do thay đổi nội tiết tố, liệu pháp phòng ngừa và thuốc có thể được sử dụng. Những loại thuốc này có thể được sử dụng hàng ngày hoặc trước thời gian bị đau đầu trong chu kỳ kinh. Những loại thuốc này bao gồm:

    • Thuốc chẹn beta
    • Thuốc chống co giật
    • Thuốc chẹn canxi
    • Thuốc chống trầm cảm

    Liệu pháp hormone

    Nếu thuốc phòng ngừa không thành công, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn liệu pháp hormone. Bạng có thể dùng estrogen dạng viên hoặc dạng gói.

    Thuốc tránh thai thường được sử dụng để làm giảm nội tiết tố cũng như giảm đau đầu do thay đổi nội tiết. Nếu bạn dùng bất kỳ hình thức tránh thai nội tiết tố nào và bị đau đầu, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng thuốc. Tùy thuộc vào vấn đề, bác sĩ có thể chuyển sang một loại thuốc có liều estrogen thấp hơn để giảm các triệu chứng của bạn.

    Đối với một số phụ nữ, các bác sĩ khuyên nên bắt đầu sớm vỉ tránh thai tiếp theo, nghĩa là bỏ qua các viên thuốc giả dược không có hormone trong tuần cuối cùng. Các bác sĩ thường yêu cầu điều này trong 3–6 tháng một lần, điều này có thể làm giảm tần suất các cơn đau đầu.

    Điều trị đau đầu do thay đổi nội tiết trong các trường hợp đặc biệt

    Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú

    Nếu bạn đang có kế hoạch mang thai, đang mang thai hoặc cho con bú, hãy thảo luận về tất cả các loại thuốc của bạn với bác sĩ. Một số loại thuốc đau đầu có thể gây hại cho sự phát triển của bé. Bác sĩ có thể thay thế thuốc cho bạn.

    Trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh

    Nếu bạn dùng thuốc thay thế hormone và bị đau đầu, hãy hỏi bác sĩ để điều chỉnh liều dùng. Một miếng dán estrogen có thể cung cấp một liều estrogen thấp, ổn định, có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu.

    Phòng ngừa đau đầu do thay đổi nội tiết

    Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc phòng ngừa. Bạn sẽ bắt đầu dùng một vài ngày trước thời kỳ của bạn và kéo dài đến hai tuần. Trong một số trường hợp, bạn phải sử dụng thuốc hàng ngày.

    Bạn hãy viết nhật ký đau đầu để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, chế độ ăn uống, ngủ và thói quen tập thể dục của bạn. Điều này sẽ giúp xác định các yếu tố kích hoạt có thể.

    Nếu bạn uống thuốc tránh thai, hãy hỏi bác sĩ nếu bạn có thể:

    • Chuyển sang một chế độ khác mà có ít ngày hơn hoặc không có ngày giả dược
    • Uống thuốc với liều estrogen thấp hơn
    • Uống thuốc estrogen liều thấp thay cho những ngày dùng giả dược
    • Đeo miếng dán estrogen vào những ngày dùng viên thuốc giả dược
    • Chuyển sang thuốc tránh thai chỉ có progestin

    Nếu bạn hiện không dùng thuốc tránh thai, hãy cân nhắc hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc để giảm đau đầu do thay đổi nội tiết tố.

    Biến chứng và triệu chứng khẩn cấp của đau đầu do thay đổi nội tiết

    Những người bị chứng đau nửa đầu nói chung có nhiều khả năng có các triệu chứng sau:

    • Phiền muộn
    • Lo âu
    • Rối loạn giấc ngủ

    Phụ nữ thường xuyên bị đau đầu do nội tiết tố hoặc đau nửa đầu do kinh nguyệt cũng dễ bị các biến chứng này.

    Thuốc tránh thai và estrogen an toàn cho nhiều phụ nữ, nhưng họ cũng có nguy cơ cao hơn bị đột quỵ và đông máu. Phụ nữ bị huyết áp cao hoặc tiền sử gia đình đột quỵ đặc biệt có nguy cơ cao mắc các biến chứng này.

    Đi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn bị đau đầu đột ngột, dữ dội và các triệu chứng như:

    • Chóng mặt
    • Cứng cổ
    • Phát ban
    • Khó thở
    • Mất thị lực
    • Bất kỳ triệu chứng khác.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo