backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Triệu chứng chóng mặt đáng báo động hơn bạn nghĩ?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    Triệu chứng chóng mặt đáng báo động hơn bạn nghĩ?

    Hầu hết mọi người đều đã từng trải qua cảm giác chóng mặt ít nhất một lần trong đời. Triệu chứng chóng mặt khá quen thuộc nên nhiều người dù bị đau đầu nặng hoặc thường xuyên vẫn chủ quan và bỏ qua tình trạng này. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà có thể bạn không biết.

    Vậy triệu chứng chóng mặt nói gì về sức khỏe của bạn? Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

    Triệu chứng chóng mặt ảnh hưởng thế nào đến bạn?

    Chóng mặt làm bạn cảm giác như bản thân đang quay hoặc mọi thứ đang quay xung quanh mình. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy nặng đầu và bị choáng đột ngột.

    Chóng mặt có thể trở nên nghiêm trọng hơn, khiến bạn đứng không vững, ngất xỉu và té ngã. Không những thế, trong một số trường hợp, việc bị chóng mặt thường xuyên khiến bạn cảm thấy lắc lư và không ổn định, gây ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và hoạt động hằng ngày của bạn.

    Thông thường, triệu chứng chóng mặt sẽ đi kèm với các dấu hiệu khác như:

    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Tiêu chảy
    • Nhức đầu hoặc đau nửa đầu
    • Đau ngực hoặc khó thở
    • Sốt
    • Ù tai
    • Hoa mắt, mờ mắt
    • Tê buốt
    • Đau nhức tay chân hoặc toàn thân
    • Nói líu nhíu
    • Ngứa ran xung quanh miệng

    Khi nào triệu chứng chóng mặt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng?

    Cơn chóng mặt của bạn có thể thoáng qua và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu bị chóng mặt nặng kéo dài kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

    • Đau đầu ngột ngột và dữ dội
    • Tức ngực, khó thở
    • Tê hoặc liệt tay, chân
    • Ngất xỉu
    • Nhìn đôi (song thị)
    • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
    • Lú lẫn hoặc nói lắp bắp
    • Nôn liên tục
    • Vấp ngã hoặc đi lại khó khăn
    • Co giật
    • Có sự thay đổi đột ngột về thính lực
    • Tê hoặc yếu cơ mặt

    Khi nào triệu chứng chóng mặt cảnh báo bệnh nặng

    Triệu chứng chóng mặt có thể cảnh báo bệnh gì?

    Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra chóng mặt và đột quỵ là một trong số đó. Thường thì một người đột quỵ hoặc có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ có những triệu chứng khác ngoài chóng mặt. Tình trạng chóng mặt xuất hiện đơn lẻ, không đi kèm với các triệu chứng khác thường không phải là dấu hiệu của đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua.

    Nếu chóng mặt có kèm theo các triệu chứng khác thì bạn nên đi khám bác sĩ. Chóng mặt nặng có thể do sự thay đổi đột ngột trong hoạt động của hệ tim mạch hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng. Khi chóng mặt ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, sự phối hợp hoạt động và đi lại, bạn nên đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và chữa trị càng sớm càng tốt.

    Triệu chứng chóng mặt có thể là dấu hiệu của một số tình trạng và bệnh nặng như:

    • Mất nước: Tình trạng mất nước hoặc lượng dịch trong cơ thể không đủ, đổ mồ hôi quá nhiều, nôn mửa, tiêu chảy hoặc một vấn đề trao đổi chất có thể gây chóng mặt.
    • Trụy tim mạch: Loạn nhịp tim có thể khiến quá trình cung cấp máu lên não bị gián đoạn, dẫn đến chóng mặt hoặc thậm chí gây khởi phát một cơn đột quỵ.
    • Cao huyết áp: Tình trạng này ảnh hưởng đến các mạch máu trong cơ thể. Khi tác động đến các mạch máu ở não, cao huyết áp gây choáng váng, nghiêm trọng hơn là tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não.
    • Huyết áp thấp: Ngược với cao huyết áp, huyết áp thấp khiến sự cung cấp máu đến não ít đi, từ đó có thể gây chóng mặt và nặng hơn nữa là đột quỵ. Nguyên nhân của huyết áp thấp có thể là do mất nước.
    • Bệnh ở tai: Tai là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng và phối hợp của cơ thể. Các bệnh lý ở tai có thể gây mất nhận thức cân bằng và khiến bạn dễ bị choáng váng, mất thăng bằng.
    • Nhiễm trùng: Bệnh nhiễm trùng ngoài cơ thể, dẫn đến đau yếu và chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, mất nước và hạ huyết áp.
    • Đau nửa đầu migraine: Tình trạng đau nửa đầu này thường kèm theo triệu chứng chóng mặt ở trước, trong hoặc sau những cơn đau.

    Triệu chứng chóng mặt cảnh báo bệnh nặng

    • Mệt mỏi: Việc mệt mỏi hoặc căng thẳng quá mức có thể gây chóng mặt, choáng váng nhưng ít ảnh hưởng lâu dài.
    • Cơn thiếu máu não thoáng qua: Tình trạng giảm cung cấp máu đến phần sau của não trong các cơn thiếu máu não thoáng qua có thể gây triệu chứng chóng mặt. Bên cạnh chóng mặt, tình trạng này còn gây rối loạn thị giác, suy nhược, lú lẫn, nhức đầu, mất thính giác, rối loạn giọng nói, tiếng ồn bất thường trong tai và tê quanh miệng.
    • Đột quỵ: Tương tự cơn thiếu máu não thoáng qua, bất cứ loại đột quỵ nào cũng có thể gây nên triệu chứng chóng mặt, đặc biệt là đột quỵ thân não.
    • Nhồi máu cơ tim: Tình trạng nhồi máu cơ tim gây thiếu máu cung cấp cho các mạch máu ở tim, từ đó làm chậm hoặc gián đoạn nguồn cung cấp máu đến não, gây ra cảm giác chóng mặt.
    • Viêm màng não: Nhiễm trùng màng não gây đau đầu và chóng mặt. Trong khi đó, viêm não nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các mô não và thường kèm theo sốt.
    • Rối loạn thần kinh: Những người bị bệnh thần kinh không thể cảm nhận được chân mình trên mặt đất, vì vậy họ sẽ cảm thấy chóng mặt khi nhắm mắt.
    • U não: U não tạo nhiều áp lực lên não và từ đó có thể gây ra triệu chứng chóng mặt, đặc biệt nếu có liên quan đến cuống não.

    Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, viêm màng não hoặc đột quỵ. Tốt nhất là bạn nên đến khám bác sĩ khi có triệu chứng chóng mặt để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 16/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo