backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư dạ dày

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Trường · Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/01/2024

Ung thư dạ dày

So với các loại ung thư khác, bệnh ung thư dạ dày hiếm gặp hơn. Tuy nhiên, tình trạng thường không bộc lộ triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nên rất khó phát hiện sớm. Thông thường, bệnh được chẩn đoán khi các khối u đã di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Vậy, ung thư dạ dày có chữa được không, sống được bao lâu và làm sao để sớm phát hiện bệnh? Mời bạn cùng tham khảo bài viết sau.

Tìm hiểu chung

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh gì?

dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày là tình trạng phát triển khối u ác tính trong dạ dày. Dạ dày nằm ở phần giữa phía trên của bụng, ngay dưới xương sườn. Dạ dày giúp phân hủy và tiêu hóa thức ăn. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong dạ dày phát triển quá mức dẫn đến hình thành các khối u ác tính. Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp và rất dễ di căn đến các bộ phận khác. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Các giai đoạn ung thư dạ dày

Các giai đoạn ung thư dạ dày

Giai đoạn 0

Giai đoạn 0 hay ung thư dạ dày giai đoạn đầu là khi các tế bào ung thư còn nhỏ và chỉ nằm ở lớp bề mặt bên trong dạ dày.

Giai đoạn 1

Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư đã xâm lấn vào lớp bên trong của dạ dày. Giai đoạn này vẫn chưa có gì nguy hiểm và bệnh chưa lây qua các cơ quan khác.

Giai đoạn 2

Ở bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 2, các tế bào ung thư đã xâm lấn qua lớp niêm mạc. Giai đoạn này còn gọi là ung thư dưới cơ.

Giai đoạn 3

giai đoạn 3 của ung thư dạ dày, các tế bào ung thư đã bắt đầu lan ra hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa.

Giai đoạn 4

Đây còn được gọi là ung thư dạ dày giai đoạn cuối, khi các tế bào ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Khi ung thư lây lan, nó được gọi là ung thư di căn. Khi ung thư dạ dày di căn, nó thường di căn đến các hạch bạch huyết hoặc gan. Nó cũng có thể đi đến lớp niêm mạc xung quanh các cơ quan trong bụng, được gọi là phúc mạc. Khi người bệnh được chẩn đoán giai đoạn này, cơ hội sống sót là rất ít.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh ung thư dạ dày là gì?

Chướng bụng đầy hơi 4

Ung thư dạ dày không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi chúng xảy ra, các triệu chứng có thể bao gồm khó tiêu và đau ở phần trên của bụng. Các triệu chứng có thể không xảy ra cho đến khi ung thư tiến triển.

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bao gồm:

  • Khó nuốt
  • Đau bụng
  • Cảm thấy đầy hơi sau khi ăn
  • Cảm thấy no dù chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn
  • Không cảm thấy đói dù chưa ăn gì
  • Ợ nóng
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Sụt cân mà không cần cố gắng
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Phân có màu đen.

Các giai đoạn sau của ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng như cảm thấy rất mệt mỏi, sụt cân mà không cố gắng, nôn ra máu và đi tiêu phân đen.

Ung thư dạ dày lan sang các bộ phận khác của cơ thể được gọi là ung thư dạ dày di căn. Triệu chứng cụ thể tùy vào nơi ung thư di căn đến. Ví dụ, khi ung thư lan đến các hạch bạch huyết, nó có thể gây ra các khối u mà bạn có thể sờ thấy qua da. Ung thư lan đến gan có thể gây vàng da và vàng mắt. Nếu ung thư lây lan trong bụng, nó có thể khiến chất lỏng tràn vào bụng và bụng sưng lên.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở dạ dày vừa nêu trên, các triệu chứng kéo dài và không thuyên giảm. Cơ địa và tình trạng bệnh lý ở mỗi người có thể khác nhau. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3 thói quen cực xấu khiến bạn có thể mắc ung thư dạ dày

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày là gì?

vi khuẩn

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày vẫn chưa được xác định rõ. Các chuyên gia tin rằng hầu hết bệnh ung thư dạ dày đều bắt đầu khi có vấn đề gì đó làm tổn thương lớp niêm mạc bên trong dạ dày. Ví dụ như bị nhiễm trùng dạ dày, trào ngược axit kéo dài và ăn nhiều thức ăn mặn. Nhiều người có thể hoang mang không biết ung thư dạ dày có lây không? Câu trả lời là KHÔNG. Ung thư dạ dày sẽ không lây khi có tiếp xúc gần gũi như chạm, hôn, dùng chung bữa ăn hoặc hít thở cùng một bầu không khí với người bệnh.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày bao gồm:

  • Các vấn đề liên quan đến axit dạ dày trào ngược vào thực quản, được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Chế độ ăn nhiều đồ mặn và thịt hun khói
  • Chế độ ăn ít trái cây và rau quả
  • Nhiễm trùng dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (gọi tắt là H.pylori) gây ra
  • Sưng và kích thích bên trong dạ dày, được gọi là viêm dạ dày
  • Hút thuốc lá
  • Sự phát triển của các tế bào không phải là ung thư trong dạ dày, được gọi là polyp dạ dày
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày
  • Tiền sử gia đình mắc các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày và các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như ung thư dạ dày lan tỏa di truyền, hội chứng Lynch, hội chứng polyp vị thành niên, hội chứng Peutz-Jeghers và bệnh polyp tuyến gia đình.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày?

Những phương pháp dùng để chẩn đoán ung thư dạ dày bao gồm:

  • Nội soi và sinh thiết dạ dày
  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC)
  • Siêu âm dạ dày
  • Chụp CT dạ dày hoặc chụp X-quang.
  • Bệnh ung thư dạ dày có chữa được không?

    bệnh ung thư dạ dày

    Điều trị ung thư dạ dày có nhiều khả năng chữa khỏi nhất nếu ung thư chỉ ở dạ dày. Hầu hết bệnh ung thư dạ dày được phát hiện khi đã tiến triển và khó có khả năng chữa khỏi. Ung thư dạ dày phát triển qua thành dạ dày hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể sẽ khó chữa khỏi hơn.

    Phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày phụ thuộc vào mức độ lan rộng của khối u. Cách chữa khỏi ung thư dạ dày triệt để duy nhất hiện nay là phẫu thuật cắt bỏ dạ dày.

    Trong giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ loại bỏ tế bào ung thư bằng cách cắt đi một phần dạ dày hoặc loại bỏ toàn bộ dạ dày cùng tuyến bạch huyết gần đó. Nếu ở giai đoạn muộn, bạn có thể được hóa trị hoặc xạ trị kết hợp với phẫu thuật. Phương pháp này cũng dùng cho những người không thể thực hiện phẫu thuật.

    Tuy nhiên, cách làm này chỉ cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống chứ không chữa trị được ung thư.

    Tiên lượng

    Người bị ung thư dạ dày sống được bao lâu?

    Nhìn chung, tỷ lệ sống sau 5 năm kể từ lúc được chẩn đoán ung thư dạ dày của người bệnh rơi vào khoảng 31,5%. Tuy nhiên, bạn không phải quá lo lắng vì con số này có thể cải thiện nếu bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, đồng thời người bệnh đáp ứng tốt với liệu trình điều trị.

    Những điều có thể ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh ung thư dạ dày bao gồm:

    • Loại ung thư
    • Giai đoạn ung thư được chẩn đoán
    • Ung thư nằm ở đâu trong dạ dày
    • Sức khỏe tổng thể của bạn
    • Ung thư có được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật hay không
    • Ung thư có đáp ứng tốt với điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị hay không.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày?

    bệnh ung thư dạ dày nên ăn gì? Nên ăn nhiều rau củ quả

    Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày bao gồm:

    • Ăn nhiều trái cây và rau quả
    • Hạn chế ăn thức ăn mặn và thực phẩm xông khói
    • Bỏ hút thuốc lá
    • Không được uống rượu và chất có cồn
    • Nội soi dạ dày và thăm khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

    Ung thư dạ dày nên ăn gì?

    Đối với người bị bệnh ung thư dạ dày, việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn là rất cần thiết. Bạn nên bổ sung các thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, protein cao, vitamin đa dạng như cá, thịt nạc, sữa, các loại nấm.

    Bạn cũng cần ăn nhiều rau củ quả tươi để giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng cần ăn những món ăn nhẹ như cháo, súp, bánh quy… và những thực phẩm giàu chất sắt và vitamin D.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Trường

    Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 23/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo