
Dấu hiệu di căn hạch bạch huyết
Ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể lây lan sang:
- Các hạch bạch huyết trong ổ bụng
- Các hạch bạch huyết ở xa hơn như hạch thượng đòn (hạch Troisier), hạch nách trái (hạch Irish), hạch rốn (hạch Sister Mary Joseph),…
Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác cứng hoặc sưng hạch bạch huyết. Các dấu hiệu khác sẽ thay đổi tùy thuộc vào hạch bạch huyết bị ảnh hưởng nằm ở vị trí nào. Chẳng hạn như: hạch bạch huyết ở ngực gây khó nuốt; hạch bạch huyết ở bụng khiến bệnh nhân có thể bị đau bụng trên dữ dội, cơn đau có thể di chuyển ra sau lưng. Tuy nhiên, di căn hạch trong ung thư dạ dày thường ít gây ra triệu chứng do hạch nhỏ.
Di căn đến phúc mạc
Khi ung thư dạ dày giai đoạn cuối di căn đến phúc mạc, bệnh nhân có thể bị cổ trướng. Bụng to khiến quần áo chật hơn, không thoải mái khi ngồi hoặc khi di chuyển, nhiều hơn sẽ gây khó thở, ăn uống kém do mau no (dạ dày bị chèn ép). Trường hợp xấu hơn sẽ gây tắc ruột.
Ngoài ra, tình trạng cổ trướng có thể kéo theo hàng loạt các triệu chứng khác như:
- Ăn không ngon
- Đầy hơi, khó tiêu
- Mệt mỏi
- Táo bón
- Hụt hơi.
Di căn đến buồng trứng (còn gọi là hội chứng Krukenberg)
Ung thư dạ dày hiếm khi di căn đến buồng trứng. Di căn buồng trứng do ung thư dạ dày còn được gọi là khối u Krukenberg và chiếm 1–2% trong tất cả các trường hợp ung thư buồng trứng.
Các khối u Krukenberg khá phổ biến ở những bệnh nhân trẻ tuổi và đang trong thời kỳ tiền mãn kinh. Tiên lượng cho những trường hợp di căn này là rất kém. Khi ung thư dạ dày chỉ di căn đến buồng trứng, việc phẫu thuật cắt bỏ khối u di căn là phương pháp duy nhất giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Di căn đến túi cùng Douglas
Ngoài khả năng di căn xa trong khoang bụng đến phúc mạc, buồng trứng (khối u Krukenberg), ung thư dạ dày còn có thể di căn đến túi cùng Douglas tạo nên mảng Blumer. Tùy theo vị trí và kích thước di căn của khối u sẽ gây ra những tổn thương và triệu chứng khác nhau.
Các phương pháp chữa ung thư dạ dày giai đoạn cuối
Cách điều trị ung thư dạ dày giai đoạn IV phụ thuộc vào mức độ di căn của khối u và các cơ quan bị ảnh hưởng, cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Cụ thể bao gồm:
Hóa trị liệu
Đây là lựa chọn phổ biến nhất trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Hóa trị giúp làm chậm sự phát triển của ung thư, giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, với hi vọng có thể giúp kéo dài thời gian sống còn. Bác sĩ sử dụng các loại thuốc đưa vào đường tĩnh mạch hoặc dưới dạng viên uống. Thuốc sẽ đi theo dòng máu vào trong khắp cơ thể và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Có thể đơn hóa trị hoặc đa hóa trị. Hóa trị đôi khi được kết hợp cùng với liệu pháp nhắm mục tiêu (thuốc sinh học).
Liệu pháp nhắm mục tiêu
Hiện có một số loại thuốc nhắm mục tiêu được chỉ định trong ung thư dạ dày như sau:
- Yếu tố có đích là EGFR: Khoảng 25% trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn muộn. Trastuzumab được chỉ định trong ung thư dạ dày giai đoạn di căn xa hoặc tiến triển không thể phẫu thuật được, tái phát và với điều kiện phải có HER2 dương tính.
- Yếu tố có đích là VEGF: Ức chế mạch máu nuôi khối u. Ramucirumab được sử dụng đơn trị hoặc kết hợp với hóa trị trong điều trị bước 2 ung thư dạ dày di căn xa, tiến triển không phẫu thuật được hoặc thất bại với phác đồ hóa trị trước đó.
Liệu pháp nhắm mục tiêu có thể được đưa ra kết hợp với các loại thuốc hóa trị.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư. Ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn này, đây là phương pháp được xem xét khi hóa trị không hiệu quả.
Pembrolizumab được chỉ định trong trường hợp thất bại với các phác đồ trước đó.
Xạ trị
Đây là một trong các cách chữa ung thư dạ dày giai đoạn cuối giúp làm giảm nhẹ triệu chứng. Xạ trị có thể hỗ trợ cầm máu, giảm đau, cải thiện tình trạng khó nuốt hoặc tắc nghẽn do khối u đang chặn trong dạ dày gây ra. Xạ trị được sử dụng một mình hoặc kết hợp với hóa trị.
Tuy nhiên trên thực tế, xạ trị ít được chỉ định trong ung thư dạ dày.
Phẫu thuật để kiểm soát các triệu chứng
Phẫu thuật lúc này không thể loại bỏ hết khối u mà khắc phục triệu chứng là chính. Nó giúp cầm máu, loại bỏ tắc nghẽn trong dạ dày, cải thiện khả năng nuốt cho bệnh nhân. Các loại phẫu thuật có thể được chỉ định là:
- Cắt gần toàn bộ hoặc toàn bộ dạ dày có chứa khối u nếu bệnh nhân đủ sức khỏe.
- Đặt stent nếu khối u chặn phần tâm vị (vị trí nối tiếp giữa thực quản và dạ dày), giúp vị trí này luôn mở để dễ nuốt hơn.
- Mở ống thông dạ dày ra da nhằm cung cấp chất dinh dưỡng trong trường hợp những biện pháp khác không thể giải phóng tắc nghẽn do khối u dạ dày gây ra.
- Nối vị – tràng (nối tắt dạ dày với đại tràng)
Một số thắc mắc thường gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn này?
- Ung thư dạ dày giai đoạn cuối có chữa được không: Ung thư giai đoạn cuối thì xem như không thể điều trị khỏi. Mọi phương pháp điều trị đều nhằm làm giảm triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và cố gắng kéo dài đời sống cho bệnh nhân.
- Ung thư dạ dày giai đoạn cuối sống được bao lâu: Ở giai đoạn này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư dạ dày giai đoạn di căn xa là 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào hiệu quả của phác đồ điều trị và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!