backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tự nhiên bị đau khớp gối: nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh · Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 18/07/2023

    Tự nhiên bị đau khớp gối: nguyên nhân và cách điều trị

    Khớp đầu gối là một trong những khớp dễ bị chấn thương nhất trên cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân xảy ra khiến cho bạn tự nhiên bị đau khớp gối mà nếu không điều trị đúng cách có thể làm khớp gối mất chức năng. Vậy đâu là những nguyên nhân có thể khiến bạn tự nhiên bị đau đầu gối?

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân đau khớp gối qua bài viết sau đây.

    Tự nhiên bị đau khớp gối vì những nguyên nhân nào?

    Tự nhiên đau đầu gối hay đau khớp gối là tình trạng xảy ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Một số vấn đề khiến bạn tự nhiên bị đau đầu gối thường thấy là tổn thương dây chằng, rách sun chêm, viêm gân hay thoái hóa khớp. Nếu bạn có một chấn thương cũ ở đầu gối và không được điều trị hoàn toàn, bạn có thể bị đau khớp gối bất cứ lúc nào.

    Các nguyên nhân khác cũng làm bạn tự nhiên bị đau khớp gối bao gồm:

    1. Viêm bao hoạt dịch

    Bao hoạt dịch là một túi nhỏ có chứa dịch nằm ở dưới da và trên khớp đầu gối, giúp giảm bớt ma sát khi khớp di chuyển. Các hoạt động đầu gối quá mức, té ngã hay đứng lên ngồi xuống nhiều lần liên tục sẽ tác động đến bao hoạt dịch trên khớp gối khiến chúng viêm, sưng đỏ và dẫn đến việc bị đau khớp gối. Tình trạng này được gọi là viêm bao hoạt dịch.

    2. Tự nhiên đau khớp gối do trật khớp xương bánh chè

    Trường hợp xương bánh chè bị trật khỏi vị trí tự nhiên sẽ gây ra sưng, đau 1 bên đầu gối hoặc cả 2 bên. Thường xảy ra khi người ta đột ngột thay đổi hướng hoặc xoắn đầu gối hoặc khi dùng lực tác động lên đầu gối (ví dụ như thể dục dụng cụ hoặc bóng chày khi vung gậy).

    3. Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial band – ITB)

    Dải chậu chày là một dải gân xơ kéo dài từ hông đến phần ngoài đầu gối. Khi làm việc quá sức, dải chậu chày có thể bị viêm theo thời gian. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy đau bên ở mặt ngoài đầu gối, thường gặp ở các vận động viên chạy bộ, nhất là khi đang xuống dốc.

    4. Bị đau khớp gối do rách sụn chêm

    Đôi khi những chấn thương ở đầu gối khiến cho sụn bị rách, tạo ra những góc cạnh bị kẹt trong khớp, khiến khớp gối bị đau và sưng. Nhiều người còn cảm thấy như có kiến bò bên trong khớp khi đang hoạt động.

    5. Viêm lồi củ trước xương chày

    Đây là tình trạng xảy ra khi xương và các phần khác ở đầu gối đang thay đổi trong quá trình cơ thể phát triển. Bệnh thường gây sưng, đau dưới đầu gối, ở vị trí gân nối từ xương bánh chè với phần trước cẳng chân.

    bị đau khớp gối

    Tập thể dục quá sức và kích thích vào mỏm củ xương chày (nằm bên dưới đầu gối) thường khiến khu vực này bị tổn thương, dẫn đến tự nhiên bị đau khớp gối. Tuy nhiên, cơn đau này thường đến và đi theo thời gian, thường xuất hiện ở tuổi dậy thì.

    6. Viêm xương khớp

    Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến những người trên 50 tuổi bị đau khớp gối. Các sụn ở đầu gối bị mòn đi, khiến hai đầu xương cọ xát vào nhau. Tình trạng này sẽ làm cho khớp gối bị sưng hoặc đau khi vận động. Ngoài ra, bạn cũng bị cứng khớp gối vào buổi sáng, mất dần khả năng vận động.

    Trong viêm khớp gối, bạn còn có thể cảm thấy nóng ran và tiếng kêu lục cục khi sử dụng khớp gối.

    7. Viêm gân bánh chè

    Đúng như tên gọi, tình trạng này phản ánh quá trình viêm xảy ra ở gân liên kết giữa xương bánh chè với xương cẳng chân. Nguyên nhân phổ biến gây ra viêm gân xương bánh chè là tập thể dục quá mức, nhất là các bài tập nhảy lên nhảy xuống liên tục.

    8. Hội chứng đau bánh chè – đùi

    Mất cân bằng cơ, căng cơ và những vấn đề về mô liên kết ở chân thường gây ra hội chứng này. Bạn sẽ tự dưng bị đau khớp gối và thỉnh thoảng bị trật khớp do đầu gối không chịu nổi trọng lượng cơ thể, không phải do chấn thương gây ra. Hội chứng này xuất hiện phổ biến ở nữ giới hơn là nam giới.

    9. Gút khiến bạn bị đau khớp gối

    Tình trạng này xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong máu. Chúng lắng đọng ở các khớp, trong đó có thể có khớp gối, gây ra đau dữ dội. Cơn đau này kéo dài trong nhiều tuần.

    Tuy nhiên, gút chủ yếu xảy ra sớm ở các khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân.

    Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ điều trị?

    Điều quan trọng nhất khi điều trị đau khớp gối là phải giải quyết được nguyên nhân chính gây ra vấn đề này. Vì vậy, hãy thăm khám nếu tự nhiên đầu gối bị đau mà không biết nguyên nhân do đâu.

    Bên cạnh đó, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu như:

    • Bị đau khớp gối khiến bạn không thể đi lại thoải mái
    • Chấn thương gây biến dạng quanh khớp
    • Đau khớp gối xảy ra vào ban đêm hoặc trong lúc nghỉ ngơi
    • Đau khớp gối kéo dài một vài ngày
    • Đầu gối bị cứng, khó cong đầu gối
    • Sưng khớp hoặc vùng bắp chân
    • Có dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm sốt, đỏ, nóng tại chỗ đau
    • Bất kỳ các triệu chứng bất thường nào khác

    Dù tự nhiên đau đầu gối phải hay trái thì để chẩn đoán, bác sĩ cũng cần tìm hiểu về tình trạng sức khỏe trước đây và thăm khám lâm sàng về vị trí đau (phía trước hay sau đầu gối), mức độ đau (đau nhức, đau dữ dội hay cảm thấy nóng rát), thời gian xuất hiện (đau tăng lên dần dần hoặc đau đột ngột), đồng thời hỏi về các chấn thương gần đây (nếu có).

    Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phải thực hiện kiểm tra khớp gối hay xét nghiệm hình ảnh để tìm nguyên nhân chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ xây dựng kế hoạch điều trị hiệu quả.

    Bị đau khớp gối phải điều trị như thế nào?

    bị đau khớp gối nên đi khám

    Nếu tự nhiên đau đầu gối, bạn có thể chăm sóc tại nhà trước bằng cách hạn chế để đầu gối chịu trọng lượng càng nhiều càng tốt, chườm đá trong 20 phút/lần sau mỗi 2 – 3 giờ, đặt đầu gối lên cao hơn so với tim để giảm sưng…

    Để điều trị đau khớp gối, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một hoặc một vài loại thuốc khác nhau để giảm cơn đau đầu gối, tùy theo nguyên nhân là gì. Chúng bao gồm thuốc giảm đau từ nhẹ đến nặng (paracetamol, ibuprofen, NSAIDs, opioid), tiêm steroid,… Dù hiếm gặp nhưng có đôi khi bệnh nhân cần phải phẫu thuật thay khớp gối nếu khớp này đã hư hỏng.

    Đa số bệnh nhân có vấn đề về xương khớp thường ngại sử dụng thuốc dài ngày vì có khả năng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn. Khi đó, họ tìm đến các liệu pháp điều trị thay thế như vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, y học cổ truyền như châm cứu và xóa bóp, trị liệu thần kinh cột sống… kết hợp cùng với chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. 

    Tuy nhiên, người bị đau khớp gối hay có vấn đề về xương khớp thì không nên tự ý tập các bài tập mà không có sự hướng dẫn từ các chuyên gia trị liệu vì tình trạng sức khỏe ở mỗi người sẽ khác nhau. 

    Phòng ngừa cơn đau khớp gối tái phát

    Tự nhiên bị đau khớp gối chủ yếu do vận động chưa hợp lý khiến đầu gối bị tổn thương. Để phòng ngừa, bạn có thể thực hiện những biện pháp dưới đây:

    • Mang giày vừa vặn khi vận động nhiều; cần thiết thì nên dùng bao gối và miếng lót chân để bảo vệ hai vùng này.
    • Với người tập thể dục thể thao, hãy khởi động kỹ trước khi tập luyện, thực hiện các động tác đúng kỹ thuật.
    • Tham gia những bài tập giúp cơ khớp linh hoạt, dẻo dai như bài kéo giãn, yoga,…
    • Nếu thấy tự nhiên đau đầu gối phải hoặc trái thì cần ngừng vận động mạnh, tìm kiếm nguyên nhân để khắc phục.
    • Không đá chân mạnh, ngồi ghế thấp, ngồi xổm.

    Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những nguyên nhân khiến bạn bị đau khớp gối. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn được phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

    Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 18/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo