Đái tháo đường hay tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm mà ai cũng có nguy cơ mắc phải. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bạn có cơ hội phòng tránh những biến chứng khôn lường. Nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh tiểu đường nhưng chưa tiện đi khám, bạn có thể áp dụng cách thử tiểu đường tại nhà mà Hello Bacsi gợi ý sau đây.
Để biết chính xác mình có mắc bệnh tiểu đường hay không thì cách tốt nhất là phải đến bệnh viện kiểm tra tiểu đường. Nhưng nếu tình huống chưa cho phép bạn làm điều này ngay thì bạn vẫn có thể tự đo đường huyết trước và thực hiện cách kiểm tra có bị tiểu đường hay không. Ngoài ra, test tiểu đường tại nhà còn hữu ích trong việc theo dõi kết quả điều trị cho những người đã mắc bệnh.
Cách thử tiểu đường tại nhà phù hợp với đối tượng nào?
Bạn nên áp dụng cách thử tiểu đường tại nhà nếu thấy bản thân đang có những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh như:
- Mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, triglycerid máu cao
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường
- Ít vận động
- Phụ nữ có thai hoặc đang gặp phải hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Thừa cân, béo phì
- Có thói quen ăn nhiều chất đường bột
- Hút thuốc lá
- Căng thẳng thần kinh kéo dài
Đặc biệt những đối tượng có triệu chứng sau đây nhưng chưa thể đi khám ngay nên thử tiến hành cách xét nghiệm tiểu đường tại nhà càng sớm càng tốt:
- Cảm thấy khát nước
- Mệt mỏi thường xuyên
- Luôn thấy đói, thậm chí cả sau khi ăn
- Tầm nhìn mờ
- Tiểu tiện thường xuyên hơn bình thường
Những biểu hiện vừa liệt kê thường là dấu hiệu sớm cảnh báo tiểu đường type 1 hoặc đái tháo đường thai kỳ. Riêng đái tháo đường type 2 sẽ diễn tiến âm thầm, nên khi có những triệu chứng này thì bạn đã mắc bệnh trong thời gian khá dài.
Thực hiện cách thử tiểu đường tại nhà sẽ giúp bạn dễ dàng quản lý bệnh và ngăn biến chứng xảy ra. Việc này cũng góp phần chẩn đoán tiền tiểu đường nhằm sớm ngăn bệnh tiến triển thành tiểu đường type 2.
Hướng dẫn cách thử tiểu đường tại nhà
Có 2 cách thử tiểu đường tại nhà bao gồm sử dụng máy đo đường huyết và kiểm tra HbA1C. Đây cũng là cách thử tiểu đường thai kỳ tại nhà.
Để thu được kết quả khách quan nhất, bạn nên đo luân phiên ở các đầu ngón tay chứ không tập trung vào một ngón. Đồng thời, phải tạo thói quen đo định kỳ nhiều ngày. Thêm nữa, việc thử đường huyết tại nhà không đúng thao tác hoặc tái sử dụng que thử, kim lấy máu cũng sẽ làm kết quả bị sai.
1. Cách test tiểu đường tại nhà bằng máy đo đường huyết
Bạn dùng máy đo đường huyết (máy test tiểu đường tại nhà) và lấy máu ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Cách đo đường huyết tại nhà này sẽ được tiến hành như sau:
- Rửa tay bằng xà phòng 20 giây, sau đó rửa sạch lại với nước và lau khô (hoặc có thể dùng bông gòn thấm cồn chà xát lên ngón tay)
- Đặt que thử vào máy đo theo hướng dẫn
- Lắp kim lấy máu vào ống
- Châm kim vào đầu ngón tay, bóp nhẹ đầu ngón tay để đẩy máu ra
- Nhỏ giọt máu vào đầu que thử để kiểm tra kết quả
Nếu chỉ số đường huyết hiển thị là từ 200mg/dL trở lên, nghĩa bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đặc biệt là kết quả này lặp lại ở nhiều lần test khác nhau.
2. Cách thử tiểu đường tại nhà thông qua xét nghiệm HbA1C
Xét nghiệm HbA1C giờ đây đã có thể thực hiện ở nhà bằng thiết bị đo phù hợp. Loại này hiện có bán ở các cửa hàng vật tư y tế hoặc trên những trang thương mại điện tử uy tín.
Cách thử tiểu đường tại nhà qua chỉ số HbA1c cũng tương tự như sử dụng máy đo đường huyết. Điểm khác là sau khi lấy máu, một vài thiết bị sẽ yêu cầu bạn phải trộn mẫu với dung dịch đệm (có kèm theo máy) rồi mới cho hỗn hợp này vào que thử và đọc kết quả. Tùy vào thiết bị bạn sử dụng mà cách đọc kết quả cũng khác nhau. Có loại sẽ hiển thị trên màn hình như máy đo đường huyết, loại khác thì phải so sánh màu sắc hỗn hợp máu và dung dịch đệm rồi tra trong bảng kết quả.
Nếu kết quả kiểm tra HbA1C từ 6.5% trở lên nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, nếu trong khoảng từ 5.7 – 6.4% sẽ là tiền tiểu đường.
Thử đường huyết tại nhà có thay thế xét nghiệm tại bệnh viện không?
Test nhanh tiểu đường có chính xác không? Mặc dù có nhiều cách thử tiểu đường và tiểu đường thai kỳ tại nhà nhưng nó không thể thay thế cho các xét nghiệm tại bệnh viện. Bởi vì đường huyết dao động tùy theo đồ bạn ăn uống, thời điểm trong ngày, một số tình trạng sức khỏe khác. Hơn thế nữa, khi đo, có rất nhiều yếu tố khiến kết quả bị sai lệch.
Nếu cách test tiểu đường tại nhà cho kết quả bất thường, hãy đi khám ngay. Bác sĩ sẽ đo lại đường huyết và tiến hành thêm những thử nghiệm khác nhằm củng cố kết quả. Với người đã bị tiểu đường, việc thăm khám cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kết quả kiểm soát đường huyết của mình, đồng thời bác sĩ cũng hướng dẫn điều chỉnh việc ăn uống hay điều trị nếu cần.
Hi vọng những thông tin vừa rồi đã giúp bạn hiểu hơn về cách thử tiểu đường tại nhà để có thể tự theo dõi sức khỏe nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.