Đường huyết không ổn định, nhất là khi bị tăng đường huyết (chỉ số đường huyết cao), sẽ ảnh hưởng đến tất cả hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Hãy cùng tìm hiểu tăng đường huyết là gì, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị qua bài viết sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Tăng đường huyết là gì?
Tăng đường huyết không phải là bệnh mà là một hội chứng, xảy ra khi lượng đường trong máu vượt quá mức bình thường. Đây là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Đường huyết tăng đột ngột và rất cao có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Về lâu dài, đường huyết tăng dai dẳng, dù không quá cao, có thể dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến tim, mắt, thận, thần kinh và mạch máu.
Triệu chứng
Triệu chứng tăng đường huyết là gì?
Các triệu chứng ban đầu của tăng đường huyết là:
- Khát nhiều, uống nhiều
- Nhức đầu
- Mắt nhìn mờ
- Tiểu nhiều
Dấu hiệu tăng đường huyết lâu dài bao gồm:
- Mệt mỏi
- Sụt cân
- Nhiễm nấm âm đạo
- Nhiễm trùng da.
Bạn có thể gặp các triệu chứng đường huyết cao khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám gấp nếu người gặp phải những triệu chứng tăng đường huyết này là con bạn.
Chỉ số đường huyết mà người mắc bệnh tiểu đường bắt đầu gặp triệu chứng là không giống nhau. Nhiều người không gặp các triệu chứng cho đến khi lượng đường trong máu đạt mức 250 mg/dL hoặc cao hơn. Những người chưa được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thường có biểu hiện bệnh nhẹ hơn.
Nhận diện sớm dấu hiệu tăng đường huyết và theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên đặc biệt quan trọng nếu bạn dùng insulin hoặc các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác.
Nếu tăng đường huyết không được điều trị, nó có thể phát triển thành nhiễm toan ceton liên quan đến bệnh tiểu đường (DKA). Khi đó, việc thiếu insulin và lượng xeton cao khiến máu có tính axit. Tình trạng này là tình huống khẩn cấp có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong. Các triệu chứng của nhiễm toan ceto bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Mất nước
- Đau bụng
- Hơi thở có mùi trái cây
- Thở sâu hoặc thở gấp
- Tim đập loạn nhịp
- Nhầm lẫn và mất phương hướng
- Mất ý thức.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tăng đường huyết là gì?
Trong quá trình tiêu hóa, cơ thể phân hủy carbohydrate từ thực phẩm thành các phân tử đường khác nhau. Một trong những phân tử đường này là glucose, một nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Glucose được hấp thụ trực tiếp vào máu sau khi bạn ăn, nhưng nó không thể đi vào tế bào nếu không có sự trợ giúp của insulin – một loại hormone do tuyến tụy tiết ra.
Khi mức glucose trong máu tăng lên, nó báo hiệu tuyến tụy của bạn tiết ra insulin. Insulin mở khóa các tế bào để glucose có thể đi vào và tạo ra năng lượng. Bất kỳ lượng đường dư thừa nào cũng được lưu trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Quá trình này làm giảm lượng glucose trong máu và ngăn không cho nó đạt đến mức cao nguy hiểm.
Tăng đường huyết thường là kết quả của việc thiếu insulin. Điều này có thể xảy ra do tình trạng kháng insulin và/hoặc các vấn đề với tuyến tụy của bạn – cơ quan sản xuất insulin.
Các hormone khác cũng có thể góp phần vào sự phát triển của tình trạng tăng đường huyết. Ví dụ, cortisol dư thừa (“hormone căng thẳng”) hoặc hormone tăng trưởng có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao. Cụ thể như sau:
Kháng insulin
Kháng insulin xảy ra khi các tế bào không phản ứng như bình thường với insulin, không thể đưa glucose từ máu vào tế bào để tiêu thụ.
Lúc này, cơ thể càng cần nhiều insulin hơn để điều chỉnh lượng đường trong máu. Nếu cơ thể không thể sản xuất đủ insulin nữa do tuyến tụy yếu đi hoặc không tiêm đủ insulin sẽ dẫn đến tăng đường huyết.
Kháng insulin là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này, kể cả những người không mắc bệnh tiểu đường và những người mắc các loại bệnh tiểu đường khác. Nó có thể là tạm thời hoặc mạn tính.
Các nguyên nhân phổ biến gây kháng insulin bao gồm:
- Béo phì, đặc biệt là mô mỡ dư thừa ở bụng và mỡ nội tạng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin.
- Không hoạt động thể chất.
- Một chế độ ăn gồm thực phẩm chế biến sẵn, nhiều carbohydrate và chất béo bão hòa.
- Một số loại thuốc, bao gồm corticosteroid, một số loại thuốc huyết áp, một số phương pháp điều trị HIV và một số loại thuốc thần kinh có thể gây kháng insulin tạm thời hoặc lâu dài tùy thuộc vào thời gian bạn dùng chúng.
Một số tình trạng nội tiết tố có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, chẳng hạn như:
- Hội chứng Cushing (thừa cortisol).
- Bệnh to đầu chi (hormone tăng trưởng dư thừa).
- Khi mang thai, nhau thai tiết ra các hormone gây kháng insulin. Đối với một số người, điều này dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ .
Một số tình trạng di truyền nhất định cũng liên quan đến tình trạng kháng insulin, bao gồm:
- Hội chứng Rabson-Mendenhall
- Hội chứng Donohue
- Chứng loạn dưỡng cơ
- Hội chứng Alstrom
- Hội chứng Werner.
Vấn đề về tuyến tụy
Tổn thương tuyến tụy của bạn có thể dẫn đến thiếu sản xuất insulin và tăng đường huyết. Tình trạng tuyến tụy có thể gây tăng đường huyết và tiểu đường bao gồm:
- Bệnh tự miễn dịch: Trong bệnh tiểu đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy mà không rõ lý do. Điều này có nghĩa là tuyến tụy của bạn không còn có thể tạo ra insulin nữa, dẫn đến tăng đường huyết. Bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (LADA) cũng là kết quả của phản ứng tự miễn dịch, nhưng nó phát triển chậm hơn nhiều so với tuýp 1.
- Viêm tụy mạn tính: Tình trạng này gây ra tình trạng viêm tuyến tụy kéo dài, có thể làm hỏng các tế bào sản xuất insulin.
- Ung thư tuyến tụy: Ung thư tuyến tụy có thể làm hỏng các tế bào sản xuất insulin, dẫn đến thiếu insulin và tăng đường huyết. Khoảng 25% số người mắc bệnh ung thư tuyến tụy được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường từ 6 tháng đến 36 tháng trước khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy.
- Xơ nang: Những người bị xơ nang phát triển quá nhiều chất nhầy, có thể gây sẹo tuyến tụy, khiến tuyến tụy sản xuất ít insulin hơn, dẫn đến tăng đường huyết và bệnh tiểu đường liên quan đến xơ nang.
Nguyên nhân tạm thời của tăng đường huyết
Một số tình huống nhất định có thể tạm thời làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
Căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như do bệnh tật, phẫu thuật hoặc chấn thương, có thể tạm thời làm tăng lượng đường trong máu. Căng thẳng về cảm xúc cấp tính, chẳng hạn như trải qua chấn thương hoặc căng thẳng liên quan đến công việc, cũng có thể gây tăng đường huyết. Điều này là do cơ thể bạn giải phóng hormone cortisol và/hoặc epinephrine (adrenaline) .
Nguyên nhân gây tăng đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường
Một số yếu tố có thể góp phần gây tăng đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường bao gồm:
- Không dùng đủ insulin, tiêm nhầm insulin hoặc insulin hết hạn hoặc vấn đề với việc tiêm (chẳng hạn như vấn đề tại chỗ trong liệu pháp bơm insulin).
- Không tính toán lượng insulin và lượng carb nạp vào một cách chính xác.
- Lượng carbohydrate bạn tiêu thụ không cân bằng với lượng insulin mà cơ thể bạn có thể tạo ra hoặc lượng insulin bạn tiêm.
- Liều thuốc trị tiểu đường đường uống bạn đang dùng quá thấp so với nhu cầu của bạn.
- Ít hoạt động hơn bình thường.
- Hiện tượng bình minh.
Biến chứng
Tăng đường huyết kéo dài (mạn tính) trong nhiều năm có thể làm hỏng các mạch máu và mô trong cơ thể, dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm:
- Bệnh võng mạc tiểu đường
- Bệnh thận tiểu đường
- Biến chứng thần kinh đái tháo đường
- Liệt dạ dày
- Bệnh tim
- Đột quỵ.
Các yếu tố khác có thể góp phần vào sự phát triển các biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như di truyền và thời gian bạn mắc bệnh tiểu đường.
Tăng đường huyết cấp tính (đột ngột và nặng) có thể dẫn đến nhiễm toan ceton đái tháo đường hoặc tăng áp lực thẩm thấu, đe dọa tính mạng.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Phương pháp dùng để chẩn đoán tăng đường huyết là gì?
Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để sàng lọc tình trạng tăng đường huyết và chẩn đoán bệnh tiểu đường. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói
- Xét nghiệm dung nạp glucose
- Kiểm tra A1c.
Những người mắc bệnh tiểu đường tự đo đường huyết tại nhà để theo dõi lượng đường trong máu và kiểm tra tình trạng tăng đường huyết. Nếu bạn sử dụng máy đo đường huyết liên tục (CGM), nó có thể cảnh báo bạn về lượng đường trong máu cao. Vì công nghệ này đôi khi không chính xác nên bạn phải kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết nếu chỉ số CGM không khớp với cảm giác.
Những phương pháp xử trí tăng đường huyết
Nếu bạn đang dùng insulin, tiêm insulin là cách chính để điều trị các đợt tăng đường huyết. Mỗi người sẽ có mức liều insulin khác nhau và bác sĩ sẽ giúp bạn xác định mức liều tốt nhất. Thay đổi chế độ ăn uống và kế hoạch tập thể dục cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa tăng đường huyết.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 chưa cần tiêm insulin, thay đổi lối sống, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục, cũng như dùng thuốc trị tiểu đường đường uống sẽ là giải pháp. Bác sĩ cũng sẽ xác định kế hoạch phù hợp nhất với bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm một số biện pháp hỗ trợ điều trị tiểu đường, kiểm soát biến chứng tăng đường huyết trong bài viết: 5 loại lá cây chữa bệnh tiểu đường bạn cần biết
Ngoài ra, nếu bạn có các dấu hiệu của nhiễm toan ceton do tiểu đường hoặc tăng áp lực thẩm thấu, cần đi cấp cứu ngay lập tức.
Phòng ngừa
Cách giúp phòng ngừa tăng đường huyết là gì?
Khó có thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng tăng đường huyết khi bạn mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị để cố gắng giảm số lần tăng đường huyết mà bạn gặp phải.
- Thực hiện theo chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường. Nếu bạn dùng insulin hoặc uống thuốc hạ đường huyết, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ chặt chẽ về số lượng và thời gian của các bữa ăn và đồ ăn nhẹ. Các thức ăn bạn ăn phải tương ứng với lượng insulin được đưa vào cơ thể.
- Theo dõi lượng đường trong máu của bạn. Bạn có thể kiểm tra và ghi lại mức độ đường trong máu vài lần một tuần hoặc nhiều lần trong ngày. Bạn nên ghi chú khi nào đường huyết cao hơn hoặc thấp hơn giới hạn cho phép, từ đó tránh những sự kiện khiến đường huyết tăng lên.
- Dùng thuốc theo toa. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh bỏ liều hay quên liều.
- Điều chỉnh thuốc nếu bạn thay đổi hoạt động thể chất. Việc điều chỉnh phụ thuộc vào kết quả kiểm tra đường huyết cũng như mức độ và cường độ của bài tập.