backup og meta

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Cách điều trị?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì? Cách điều trị?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một căn bệnh làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân không nhận ra mình đang mắc phải căn bệnh này.Vậy thì hôm nay, hãy để HelloBacsi cho bạn biết rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì? Đặc điểm của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì? Liệu bạn có đang mắc phải chúng không?

1. Bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một rối loạn tâm thần liên quan đến suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Khi mắc bệnh, các suy nghĩ và nỗi sợ không mong muốn (hay còn gọi là sự ám ảnh) xuất hiện liên tục và khiến bệnh nhân lặp đi lặp lại các hành động cưỡng chế.

Ví dụ người bị ám ảnh cưỡng chế luôn tự hỏi bản thân mình đã khóa cửa trước khi ra khỏi nhà hay chưa. Điều này thôi thúc họ phải quay lại nhà để kiểm tra. Việc này thậm chí có thể diễn ra nhiều lần. Người bệnh thường cố gắng loại bỏ suy nghĩ về việc khóa cửa nhưng điều này chỉ càng làm họ căng thẳng và lo lắng hơn. Cuối cùng, họ vẫn buộc phải thực hiện hành động để giải tỏa căng thẳng.

Có thể bạn quan tâm: 10 dấu hiệu chứng tỏ bạn mắc bệnh OCD

Hội chứng OCD rất phổ biến dưới nhiều dạng khác nhau. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Nếu để ý, rất có thể bạn sẽ phát hiện ra bạn bè hoặc người thân đang mắc căn bệnh trên, nhưng cũng có thể là chính bạn cũng là người bị chứng OCD.

2. Triệu chứng thường gặp khi bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế

rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Triệu chứng chủ yếu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế là xuất hiện các ám ảnh và hành vi cưỡng chế không phải do sử dụng chất kích thích hoặc bệnh lý khác. Chúng khiến bạn kiệt sức và ảnh hưởng đến lớn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Có rất nhiều loại ám ảnh và hành vi cưỡng chế. 

2.1 Các ám ảnh thường gặp 

  • Có các suy nghĩ không mong muốn như tưởng tượng ra các hình ảnh bạo lực hoặc đồi trụy
  • Xuất hiện nỗi sợ mình sẽ làm hại người khác và bản thân hoặc làm điều gì đó đáng xấu hổ
  • Đòi hỏi mọi thứ phải luôn theo đúng một trật tự riêng, cân bằng và chính xác.
  • Ghê sợ quá mức các chất thải cơ thể, chất bẩn hoặc vi khuẩn
  • Lo lắng về các chất gây ô nhiễm và việc bị nhiễm bệnh đến mức phi lý.

2.2 Các hành vi cưỡng chế

  • Thức dậy vài lần vào ban đêm để chắc chắn rằng các thiết bị đã được tắt, cửa đã khóa và cửa sổ đã đóng
  • Sắp xếp quần áo, giày dép, chén đĩa hoặc các đồ vật khác theo một thứ tự hoặc theo một hướng nhất định thì mới hết cảm giác lo âu
  • Rửa tay liên tục vì sợ nhiễm trùng đến mức gây phồng rộp, nứt da. (mặc dù điều này không có khả năng xảy ra).
  • Tự động đếm số bậc cầu thang, số ô cửa sổ,….
  • Cầu nguyện hoặc lặp lại các từ, các con số trong yên lặng nhiều lần. 
  • Đôi khi các hành vi cưỡng chế này trở thành những nghi thức đối với bệnh nhân như phải chạm vào một vật đúng một số lần, đi qua đi lại cửa vài lần trước khi ra ngoài.

Bệnh nhân thường không muốn thực hiện các hành vi này nhưng thường không thể kiểm soát được chúng. Các hành vi cưỡng chế này có thể chiếm phần lớn thời gian trong ngày và gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của họ.

Người bệnh OCD có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Nguyên nhân gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Một số nguyên nhân dưới đây có thể là yếu tố gây ra rối loạn ám ảnh cưỡng chế:

  • Di truyền: Bạn có nhiều khả năng mắc chứng OCD hơn nếu có một thành viên trong gia đình mắc bệnh này. 
  • Não hoạt động bất thường: một số người mắc chứng OCD có các vùng hoạt động cao bất thường trong não hoặc mức độ thấp của một chất hóa học gọi là serotonin
  • Do sự kiện nào đó trong cuộc sống gây ra: Bạn có thể mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau khi bị bắt nạt, lạm dụng hoặc bỏ rơi; và đôi khi OCD bắt đầu sau một sự kiện quan trọng trong cuộc đời, chẳng hạn như sinh con hoặc mất đi người thân.

Tính cách: Những người gọn gàng, tỉ mỉ, có tiêu chuẩn cá nhân cao có thể dễ mắc chứng OCD hơn. Những người thường hay lo lắng hoặc có tinh thần trách nhiệm cao đối với bản thân và những người khác cũng dễ bị mắc OCD.

4. Cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Người bị OCD có thể được điều trị bằng cách sử dụng kết hợp thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi.

4.1 Điều trị OCD bằng thuốc

Bác sĩ có thể kê toa cho bạn các loại thuốc tâm thần để giúp kiểm soát sự ám ảnh và các hành vi cưỡng chế. Thông thường, thuốc chống trầm cảm sẽ được sử dụng đầu tiên và có thể bao gồm:

  • Clomipramine (Anafranil)
  • Fluvoxamine (Luvox CR)
  • Fluoxetine (Prozac)
  • Paroxetin (Paxil, Pexeva)
  • Sertraline (Zoloft).

4.2 Chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế bằng liệu pháp nhận thức hành vi

Các rối loạn tâm thần thường hình thành do bạn có lối tư duy sai lệch hoặc tiêu cực nào đó trong thời gian dài. Liệu pháp nhận thức giúp bạn tìm ra thói quen trong tiềm thức gây ra bệnh đó. Sau đó, liệu pháp hành vi hướng dẫn và tập cho bạn cách để suy nghĩ và hành động theo một hướng khác trong tình huống tương tự. Khi bạn không còn suy nghĩ và hành động theo cách cũ nữa nghĩa là triệu chứng đã được trị khỏi.

4.3 Kiểm soát triệu chứng OCD bằng hành vi tích cực

Những thói quen sinh hoạt và lối sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh OCD, bao gồm:

  • Hỏi bác sĩ nếu các triệu chứng dai dẳng hoặc nặng hơn sau khi điều trị một thời gian
  • Nói với bác sĩ nếu bạn có triệu chứng mới hoặc bạn thấy không khỏe khi dùng thuốc
  • Tập thể dục thường xuyên 
  • Dùng thuốc như chỉ dẫn của bác sĩ dù bạn cảm thấy mình đã khỏe hơn. Ngưng uống thuốc đột ngột có thể khiến các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế quay trở lại và thậm chí nặng hơn.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác.

5. Khi nào bệnh nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần đến bệnh viện

Nếu có một trong hai dấu hiệu nghiêm trọng sau, bạn cần đến bác sĩ để được thăm khám càng nhanh càng tốt.
  • Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, công việc và sinh hoạt của bạn.
  • Gặp các triệu chứng về thể chất như đau ngực hoặc đánh trống ngực hoặc nếu bạn có ý định tự tử hoặc giết người.

Chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần có thời gian dài và hợp tác tích cực của người bệnh. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. International OCD Foundation | What is OCD?
https://iocdf.org/about-ocd/
Ngày truy cập: 19/06/2023

2. Overview – Obsessive compulsive disorder (OCD) – NHS
https://www.nhs.uk/mental-health/conditions/obsessive-compulsive-disorder-ocd/overview/
Ngày truy cập: 19/06/2023

3. Obsessive-compulsive disorder (OCD) – Symptoms and causes – Mayo Clinic
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/obsessive-compulsive-disorder/symptoms-causes/syc-20354432
Ngày truy cập: 19/06/2023

4. Psychiatry.org – What Is Obsessive-Compulsive Disorder?
https://www.psychiatry.org/patients-families/obsessive-compulsive-disorder/what-is-obsessive-compulsive-disorder
Ngày truy cập: 19/06/2023

5. NIMH » Obsessive-Compulsive Disorder
https://www.nimh.nih.gov/health/topics/obsessive-compulsive-disorder-ocd
Ngày truy cập: 19/06/2023

Phiên bản hiện tại

20/06/2023

Tác giả: Huỳnh Quế Trân

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Huỳnh Quế Trân


Bài viết liên quan

Cách nói lời chia tay qua tin nhắn: Văn minh, êm đẹp và nhẹ nhàng nhất

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Huỳnh Quế Trân · Ngày cập nhật: 20/06/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo