backup og meta

Vi khuẩn E. coli gây bệnh thế nào? Các triệu chứng và cách phòng ngừa

Vi khuẩn E. coli gây bệnh thế nào? Các triệu chứng và cách phòng ngừa

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị nhiễm khuẩn E. coli do tiếp xúc với thực phẩm, nguồn nước bị ô nhiễm hoặc ăn các loại thịt, đặc biệt là thịt bò chưa được nấu chín kỹ.

Hiểu về vi khuẩn E. coli và những rủi ro bạn có thể gặp phải nếu nhiễm chủng vi khuẩn này sẽ giúp bạn tránh được rối loạn tiêu hóa, nhất là trong mùa nắng nóng.

Vi khuẩn E. coli là gì?

E. coli là viết tắt của Escherichia coli. Đây là một nhóm vi khuẩn lớn và đa dạng có hình que thuộc họ Enterobacteriaceae. E. coli có thể sống trong ruột của người và các động vật máu nóng khác. Mặc dù hầu hết các chủng E. coli đều vô hại nhưng một số chủng vẫn có thể gây bệnh bao gồm tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh đường hô hấp như viêm phổi… và các bệnh khác. Ngoài ra, E. coli cũng được tìm thấy trong thực phẩm và môi trường, đặc biệt là trong nguồn nước và khiến nước bị ô nhiễm.

Trong phạm vi bài viết này, Hello Bacsi chỉ tổng hợp những thông tin về tình trạng nhiễm khuẩn E. coli gây bệnh tiêu hóa.

Có bao nhiêu chủng E.coli gây tiêu chảy?

vi khuẩn E. coli

Có 6 chủng vi khuẩn E. coli khác nhau được biết đến là nguyên nhân gây tiêu chảy, được phân loại dựa trên đặc điểm gây bệnh, bao gồm:

  • E. coli sinh độc tố Shiga (STEC). Đây là loại vi khuẩn được biết đến phổ biến trong vấn đề ô nhiễm thực phẩm.
  • E. coli gây xuất huyết ruột (EHEC) và E. coli sinh độc tố verocytoxin (VTEC).
  • E. coli sinh độc tố ở ruột (Enterotoxigenic E. coli – ETEC)
  • E. coli gây kết dính ruột (Enteroaggregative E. coli – EAEC)
  • E. coli xâm lấn đường ruột (Enteroinvasive E. coli – EIEC)
  • E. coli gây bệnh đường ruột (Enteropathogenic E. coli– EPIC)
  • E. coli bám dính lan tỏa (Diffusely adherent E. coli – DAEC).

Triệu chứng nhiễm vi khuẩn E. coli

Thời gian ủ bệnh do nhiễm E. coli thường từ 3 đến 4 ngày. Điều này nghĩa là các dấu hiệu, triệu chứng của tình trạng nhiễm khuẩn E. coli thường bắt đầu từ 3 đến 4 sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Tuy nhiên, đôi khi thời gian ủ bệnh rất ngắn chỉ 1 ngày hoặc dài nhất là 10 ngày. Các triệu chứng nhiễm E. coli ở mỗi người có thể diễn tiến khác nhau nhưng thường bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội
  • Tiêu chảy ra nước và có thể kèm theo máu
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Mệt mỏi, chán ăn
  • Sốt nhẹ (chỉ xuất hiện ở một số người bệnh).

Các triệu chứng nhiễm E. coli thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày và hầu hết người bệnh đều cảm thấy khỏe hơn sau khoảng thời gian này. Trong khi một số người chỉ bị nhiễm trùng rất nhẹ thì vẫn có trường hợp phát triển bệnh nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

E. coli lây truyền và gây bệnh như thế nào?

Vi khuẩn E. coli lây truyền sang người qua 3 con đường chính sau đây:

Thực phẩm bị ô nhiễm

nhiễm vi khuẩn E. coli

Con đường phổ biến nhất khiến bạn nhiễm E. coli là thông qua đường ăn uống. Những thực phẩm dễ bị ô nhiễm bởi vi khuẩn E. coli và gây bệnh cho con người bao gồm:

  • Thịt: Thịt dễ bị nhiễm vi khuẩn E. coli trong quá trình giết mổ. E.coli có trong ruột động vật bám vào các miếng thịt, đặc biệt là khi thịt của nhiều loại động vật được xay chung với nhau. Do đó, nếu bạn ăn thịt chưa nấu chín kỹ thì có thể bị nhiễm E. coli.
  • Sữa chưa tiệt trùng: Nếu E. coli có trên bầu vú của bò hoặc bám vào các thiết bị vắt sữa thì có thể truyền sang sữa tươi. Khi bạn uống sữa hoặc dùng các sản phẩm từ nguồn sữa chứa vi khuẩn thì sẽ nhiễm bệnh.
  • Trái cây và rau: Cây trồng mọc gần các trang trại chăn nuôi gia súc cũng có thể bị ô nhiễm khi phân động vật chứa E. coli cùng với dòng chảy, nước mưa tràn vào cánh đồng hoặc khu vực trồng trọt. Do đó, nếu bạn không rửa kỹ trái cây, rau củ thì có thể nhiễm E. coli khi ăn những thực phẩm này.

Nguồn nước ô nhiễm

Vi khuẩn E. coli có thể tồn tại trong hầu hết các loại nguồn nước bao gồm ao, hồ, sông, suối, giếng nước, bể bơi và thậm chí là trong nguồn cung cấp nước của thành phố địa phương chưa được khử trùng. Nếu bạn uống nước bị ô nhiễm, bạn có thể nhiễm E. coli và bị bệnh.

Vi khuẩn E. coli lây qua đường tay – miệng

Nếu tay bạn vô tình dính phân chứa E. coli khi thay tã em bé, sau khi đi tiêu, vuốt ve động vật… mà không được rửa sạch, bạn có thể nhiễm khuẩn nếu không cẩn thận đưa tay lên miệng. Nhìn chung, dù không lây qua đường hô hấp thì E. coli vẫn có thể lây lan từ người này sang người khác qua đường tay-miệng, đặc biệt là khi chúng ta không rửa tay thường xuyên, đúng cách.

Về cơ chế gây bệnh, khi bạn nhiễm trùng E. coli do ăn thực phẩm hoặc uống nguồn nước bị ô nhiễm, vi khuẩn sẽ xâm nhập xuống đường tiêu hóa và giải phóng một loại độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột non. Quá trình này thường dẫn đến tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy ra máu.

Nhiễm vi khuẩn E.coli có gây ra biến chứng nào không?

triệu chứng vi khuẩn E. coli

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm E. coli nhưng trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Trong một số trường hợp, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm E. coli chủng STEC (còn gọi là chủng O157:H7) thì có thể phát triển một tình trạng gọi là hội chứng huyết tán tăng urê máu (HUS).

Lúc này, vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố trong đường ruột của người bệnh. Sau đó độc tố đi vào máu, phá hủy các tế bào hồng cầu, có thể gây suy thận cấp hoặc bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào khác. Biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng xảy ra ở khoảng 5 – 10% bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm STEC.

Các triệu chứng ban đầu của hội chứng huyết tán tăng urê máu bao gồm tiêu chảy (thường có máu), sốt, đau bụng, nôn mửa. Khi biến chứng này tiến triển nặng hơn có thể gây các triệu chứng như tiểu ít, tiểu ra máu, mệt mỏi, da nhợt nhạt, dễ bầm tím, nhịp tim nhanh, buồn ngủ, co giật, suy thận… Trong trường hợp này, người bệnh cần nhập viện khẩn cấp để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Bệnh tiêu chảy do E. coli gây ra được điều trị như thế nào?

Đối với bệnh tiêu chảy do E. coli gây ra vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Điều may mắn là hầu hết các trường hợp nhiễm E. coli đều tự khỏi. Bạn có thể kiểm soát tình trạng tiêu chảy, nôn mửa… bằng cách uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ.

Đối với việc điều trị bằng thuốc thì kháng sinh thường không được dùng cho trường hợp nhiễm STEC vì có thể khiến bệnh trầm trọng hơn, chẳng hạn như tăng nguy cơ phát triển hội chứng huyết tán tăng urê máu (HUS). Bên cạnh đó, một số loại thuốc cầm tiêu chảy như bismuth subsalicylate hoặc loperamide không được khuyến khích sử dụng vì có thể cũng làm tăng một số rủi ro.

Khi nào bạn cần đi khám?

phòng ngừa nhiễm khuẩn E. Coli

Mặc dù nhiễm vi khuẩn E. coli thường không nguy hiểm nhưng nếu bạn tiêu chảy trên 3 ngày kèm theo các triệu chứng sau đây thì cần sớm đi khám:

  • Dấu hiệu mất nước  nghiêm trọng
  • Có máu trong phân
  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Nôn nhiều lần
  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Giảm tần suất đi tiểu
  • Da nhợt nhạt, phần bên trong của mí mắt dưới không còn màu hồng như bình thường.

Giải pháp phòng ngừa nhiễm E. coli

Mặc dù E. coli dễ lây nhiễm nhưng bạn có thể kiểm soát nguy cơ nhiễm khuẩn thông qua một số lưu ý quan trọng sau đây:

  • Rửa tay sạch với nước và xà phòng trong các trường hợp như sau khi thay tã em bé, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với động vật, sau khi chăm sóc người bệnh, rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thực phẩm.
  • Rửa kỹ trái cây, rau quả cũng như những loại thực phẩm khác trước khi ăn
  • Nấu thịt thật kỹ, đảm bảo nhiệt độ nấu thịt ít nhất là 70 độ C và không ăn thịt sống, tái
  • Đảm bảo ăn chín uống sôi. Tránh dùng sữa, các sản phẩm từ sữa, nước trái cây… chưa tiệt trùng
  • Đảm bảo vệ sinh các vật dụng làm bếp như chén, đĩa, muỗng, đũa, thớt, dao…
  • Ưu tiên dùng thớt nhựa thay vì thớt gỗ để dễ vệ sinh hơn
  • Không để thực phẩm, món ăn đã nấu chín gần với thịt sống
  • Nên rã đông thịt trong một túi nhựa riêng
  • Ngay sau khi ăn xong, bạn nên lưu trữ thức ăn thừa trong hộp kín và cho vào tủ lạnh
  • Không nên chế biến thực phẩm, nấu ăn nếu bạn đang bị tiêu chảy.

Nhìn chung, tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn E. coli là tình trạng rất phổ biến, đặc biệt là khi bạn ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Mặc dù vấn đề này ít khi nghiêm trọng nhưng bạn vẫn không nên chủ quan. Tình trạng tiêu chảy có thể gây mất nước rất nguy hiểm. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên chú ý đến việc phòng ngừa, đặc biệt là đối với việc chế biến thực phẩm và ăn uống.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

E. coli (Escherichia coli)

https://www.cdc.gov/ecoli/index.html Ngày truy cập 10/10/2022

District of Columbia Department of Health. (2009). E. coli 0157: Factsheet [Fact sheet].
https://doh.dc.gov/sites/default/files/dc/sites/doh/publication/attachments/Ecoli_0157.pdf  Ngày truy cập 10/10/2022 

E. coli (Escherichia coli): General information. (2015).
https://www.cdc.gov/ecoli/general/index.html Ngày truy cập 10/10/2022 

E. coli infection. (2014).
https://familydoctor.org/condition/e-coli-infection/ Ngày truy cập 10/10/2022 

Coli infection. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/e-coli/basics/definition/con-20032105. Ngày truy cập: 9/7/2016.

E. coli infection.https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16638-e-coli-infection. Ngày truy cập 12/5/2021

Phiên bản hiện tại

12/07/2023

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

Phòng ngừa ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 12/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo