backup og meta

Bệnh thiếu máu nhược sắc

Bệnh thiếu máu nhược sắc

Bạn có thể bị thiếu máu nhược sắc nếu có những dấu hiệu như cơ thể mệt mỏi, suy nhược, da xanh xao, tóc gãy rụng nhiều… Đây có thể là nguyên nhân gây chậm phát triển ở trẻ, sảy thai hoặc suy tim nếu không điều trị kịp thời.  

Để biết thiếu máu nhược sắc có nguy hiểm không, bạn hãy cùng tìm hiểu thiếu máu nhược sắc là gì, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị thiếu máu nhược sắc nhé!

Tìm hiểu chung

Thiếu máu nhược sắc là gì?

Bệnh thiếu máu hiện nay được phân loại dựa trên số lượng hồng cầu và tỷ lệ huyết sắc tố (hemoglobin). Có 3 loại thiếu máu bao gồm: thiếu máu ưu sắc, thiếu máu nhược sắc và thiếu máu đẳng sắc.

Thiếu máu nhược sắc (hypochromic anemia) là tình trạng bệnh thiếu máu với các chỉ số sinh học được đánh giá bao gồm:

  • Nồng độ huyết sắc tố trung bình trong hồng cầu (MCHC): < 280g/l
  • Lượng huyết sắc tố trung bình trong hồng cầu (MCH): < 27pg (picogram)
  • Thể tích trung bình của hồng cầu trong máu (MCV): < 60fl (femtoliter)

Thiếu máu nhược sắc là tình trạng xuất hiện sự suy giảm số lượng huyết sắc tố trong tế bào, kích thước hồng cầu biến đổi và nhạt màu hơn bình thường. Điều này làm giảm khả năng vận chuyển oxy tới các mô cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu nhược sắc

thiếu máu nhược sắc

Tình trạng thiếu máu có thể làm xuất hiện các triệu chứng như:

  • Tóc rụng nhiều, khô, dễ gãy
  • Tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức
  • Cơ thể chậm phát triển, chủ yếu ở trẻ em
  • Móng tay, móng chân biến dạng, giòn dễ gãy
  • Môi khô nứt nẻ, lưỡi sưng đau, miệng hay bị viêm
  • Người mệt mỏi, suy nhược, hoa mắt chóng mặt, ù tai
  • Da tái xanh, niêm mạc nhợt nhạt, đôi lúc có cảm giác ngứa
  • Chán ăn, bụng khó chịu, đầy hơi, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa

Người bệnh thiếu máu trong giai đoạn đầu thường không gặp phải triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, tình trạng thiếu máu khiến các mô cơ quan không nhận đủ lượng oxy cần thiết sẽ gây ra triệu chứng thiếu máu nhược sắc rõ ràng hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân thiếu máu nhược sắc

Các nguyên nhân thiếu máu nhược sắc có thể bao gồm:

• Thiếu sắt: Tủy xương cần sắt để tạo ra huyết sắc tố. Nếu không có đủ chất sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ lượng huyết sắc tố cho các tế bào hồng cầu.

• Thiếu vitamin: Cơ thể cần folate và vitamin B12 để tạo ra đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nếu chế độ ăn thiếu 2 loại vitamin này và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể làm giảm sản xuất hồng cầu.

• Các bệnh viêm: Một số loại bệnh như ung thư, HIV/AIDS, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, bệnh Crohn và các bệnh viêm cấp tính hoặc mãn tính khác có thể cản trở việc sản xuất các tế bào hồng cầu.

• Ảnh hưởng do tủy xương: Các bệnh như bệnh bạch cầu và bệnh tủy có thể gây thiếu máu bằng cách tác động đến việc sản xuất máu trong tủy xương.

• Bệnh lý đường tiêu hóa: Khi gặp phải các bệnh tiêu hóa như tiêu chảy, viêm loét dạ dày… sẽ có nguy cơ khiến bạn bị chảy máu trong, gây thiếu máu, bên cạnh đó còn khiến việc hấp thu sắt kém hơn bình thường. Các ký sinh khuẩn đường ruột như giun móc, trĩ… cũng có thể gây thiếu sắt.

• Rối loạn huyết sắc tố: Tình trạng này thường gặp trong các trường hợp như ngộ độc chì, ngộ độc thuốc isoniazid, dùng thuốc chloramphenicolrối loạn chuyển hóa vitamin B6.

• Bệnh thalassemia: Đây là bệnh xuất hiện do sự bất thường về mặt di truyền bẩm sinh gây phá hủy các tế bào hồng cầu quá mức, dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Biến chứng

Bệnh thiếu máu nhược sắc có nguy hiểm không?

Nếu để triệu chứng thiếu máu kéo dài mà không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, bạn có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:

  • Chậm phát triển ở trẻ em
  • Suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể
  • Nguy cơ cao mắc phải các bệnh nhiễm trùng
  • Tăng nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai
  • Thiếu máu khiến tim phải co bóp bơm máu đến các cơ quan, lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim

Để xác định chính xác bạn có bị thiếu máu hay không, bạn hãy đến gặp bác sĩ để thực hiện xét nghiệm máu, đồng thời chẩn đoán nguyên nhân để đưa ra phương pháp điều trị thiếu máu nhược sắc hợp lý.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán thiếu máu nhược sắc?

Xét nghiệm đầu tiên cần thực hiện là công thức máu toàn bộ (CBC) sẽ cho biết sự hiện diện của thiếu máu sau khi khám sức khỏe toàn diện. CBC sẽ hiển thị các chỉ số RBC khác nhau như MCV và MCHC. Các thông số này nhận xét về số lượng hemoglobin bên trong các hồng cầu mà chúng thường giảm trong bệnh thiếu máu nhược sắc.

Thử nghiệm tiếp theo cần thực hiện là các nghiên cứu về sắt, xem xét độ bão hòa của transferrin, tổng khả năng liên kết với sắt và ferritin. TIBC thường tăng trong bệnh thiếu máu nhược sắt, trong khi độ bão hòa transferrin giảm rõ rệt ở bệnh thiếu máu nhược sắt. Mức Ferritin dưới 12 ng / ml trong trường hợp không có bệnh được coi là một dấu hiệu đáng tin cậy của bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên, mức ferritin thấp hoặc bình thường không loại trừ chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt vì ferritin là một protein phản ứng giai đoạn cấp tính, và mức độ của nó tăng lên trong thời gian bị nhiễm trùng. Khi nồng độ sắt giảm, lượng transferrin sẽ tăng lên trong quá trình bù đắp.

Những phương pháp điều trị thiếu máu nhược sắc

thiếu máu nhược sắc

Các phương pháp điều trị và phòng ngừa thiếu máu bao gồm:

Xây dựng chế độ ăn uống

Thiếu máu nhược sắc nên ăn gì? Bạn nên xây dựng chế độ ăn gồm những chất dinh dưỡng thiết yếu sau đây:

• Chất sắt: Các thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt bò, đậu lăng, ngũ cốc tăng cường chất sắt, rau lá có màu xanh đậm và trái cây sấy khô.

• Folate: Chất dinh dưỡng này có thể được tìm thấy trong các loại trái cây và nước ép trái cây, rau lá xanh đậm, đậu xanh, đậu phộng…

• Vitamin B12: Thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm thịt, các sản phẩm từ sữa, sản phẩm từ ngũ cốc và đậu nành.

• Vitamin C: Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây, nước ép cam quýt, ớt, bông cải xanh, cà chua, dưa và dâu tây. Những thực phẩm này giúp tăng hấp thu sắt.

Nếu bạn không chắc chắn rằng sẽ nhận đủ các vitamin và khoáng chất từ thực phẩm, bạn có thể hỏi bác sĩ xem liệu có thể sử dụng thêm các thực phẩm chức năng bổ sung không.

Phương pháp điều trị y tế

Thông thường bạn chỉ cần sử dụng viên uống bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp thiếu máu nghiêm trọng, cơ thể không hấp thu được sắt, hoặc tình trạng thiếu máu do bệnh mạn tính hoặc viêm nhiễm tiến triển, bạn có thể cần phải truyền máu đường tĩnh mạch hoặc tiêm hormone tổng hợp để kích thích sản xuất hồng cầu.

Việc điều trị thiếu máu nhược sắc sẽ tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ trường hợp chảy máu ở đường tiêu hóa hoặc đường sinh dục, bạn cần xổ giun đầy đủ, điều trị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc các tình trạng gây xuất huyết nội khác.

Bên cạnh điều trị y tế và có chế độ ăn uống hợp lý, sau khi cơ thể khỏe hơn, bạn nên tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày cùng thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Bạn nên ngủ đúng giờ giấc từ 7 – 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe và lưu ý bổ sung nước đầy đủ.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ thiếu máu nhược sắc là gì, nguyên nhân, triệu chứng, thiếu máu nhược sắc có nguy hiểm không và cách điều trị thiếu máu nhược sắc. Tình trạng này có thể dẫn đến suy tim cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, vì thế bạn đừng nên bỏ lơ ngay từ những dấu hiệu nhỏ nhất nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Everything you need to know about anemia. https://www.medicalnewstoday.com/articles/158800.php. Ngày truy cập: 04/10/2019

Hypochromic anemia. https://en.wikipedia.org/wiki/Hypochromic_anemia#targetText=Hypochromic%20anemia%20is%20a%20generic,its%20center%20when%20viewed%20microscopically.. Ngày truy cập: 04/10/2019

Anemia. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anemia/symptoms-causes/syc-20351360. Ngày truy cập: 04/10/2019

Microcytic Hypochromic Anemia. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470252/. Ngày truy cập: 30/05/2022

Hypochromic Anemia. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/hypochromic-anemia. Ngày truy cập: 30/05/2022

Phiên bản hiện tại

30/05/2022

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Nhận diện bệnh Giảm tiểu cầu miễn dịch

Bà bầu thiếu máu nên ăn gì? Top 6 thực phẩm bổ máu cho bà bầu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 30/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo