backup og meta

Số lượng hồng cầu: Xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe

Số lượng hồng cầu: Xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe

Việc kiểm tra và phân tích số lượng hồng cầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá sức khỏe tổng thể và các bệnh lý liên quan.

Hồng cầu chứa huyết sắc tố có nhiệm vụ mang oxy đến các mô cơ thể. Các bộ phận trong cơ thể luôn cần oxy để hoạt động bình thường. Số lượng hồng có thể ảnh hưởng đến lượng oxy mà các mô cơ thể nhận được. Do đó, khi tiến hành chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường yêu cầu bạn làm xét nghiệm phân tích số lượng hồng cầu (red blood cell – RBC).

Vậy, xét nghiệm số lượng hồng cầu tiến hành như thế nào? Các kết quả nói gì về sức khỏe của bạn? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

Cách thực hiện xét nghiệm số lượng hồng cầu

Xét nghiệm số lượng hồng cầu

Trước tiên, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc lấy máu từ tĩnh mạch nằm ở mặt trong khuỷu tay người bệnh. Các bước thực hiện lấy máu là:

  1. Làm sạch vùng tiêm bằng chất khử trùng.
  2. Quấn một dải thun quanh cánh tay trên để làm cho tĩnh mạch phồng lên.
  3. Nhẹ nhàng chèn một cây kim vào tĩnh mạch và lưu trữ máu trong lọ hoặc ống kèm theo. (nếu vật chứa máu có chất chống đông thì cần lắc trộn nhẹ nhàng trong 30 giây để không bị đông máu)
  4. Loại bỏ kim và dây thun khỏi cánh tay.
  5. Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Trước khi xét nghiệm chỉ số hồng cầu, bạn nên báo với bác sĩ về loại thuốc bạn đang dùng như thuốc không kê đơn (OTC), thực phẩm bổ sung…

Các kết quả xét nghiệm số lượng hồng cầu cảnh báo điều gì?

Hút thuốc lá làm giảm số lượng hồng cầu

Theo Hiệp hội Ung thư bạch cầu và Ung thư bạch huyết, phạm vi số lượng hồng cầu bình thường đối với từng đối tượng là:

  • Nam giới: 4,7 đến 6,1 triệu tế bào trên mỗi microliter (mcL).
  • Phụ nữ không mang thai: 4,2 đến 5,4 triệu mcL.
  • Trẻ em: 4,0 đến 5,5 triệu mcL.

Tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm, những phạm vi trên có thể thay đổi nhưng không quá đáng kể.

Nếu kết quả xét nghiệm nằm ngoài phạm vi này, bác sĩ sẽ tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân khiến chỉ số hồng cầu của bạn cao hoặc thấp bất thường.

Chỉ số hồng cầu cao

Mặc dù hồng cầu đóng vai trò thiết yếu trong sự sống của cơ thể nhưng quá nhiều hồng cầu cũng không phải là điều tốt. Lúc này, bạn có thể cảm thấy:

  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Đau khớp
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Ngứa da, đặc biệt là sau khi tắm
  • Đau ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân

Số lượng tế bào hồng cầu tăng cao thường liên quan đến các vấn đề, bệnh lý như:

  • Xơ phổi
  • Mất nước
  • Hút thuốc lá
  • Bệnh đa hồng cầu
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Ung thư biểu mô thận

Ngoài ra, khi bạn đi đến những vùng, thành phố cao, chỉ số hồng cầu cũng có thể tăng trong vài tuần do ở đây có ít oxy trong không khí. Lúc này, cơ thể tăng hồng cầu để thích ứng với môi trường.

Bên cạnh đó, đôi khi số lượng hồng cầu cao cũng có thể là kết quả của chứng ngưng thở khi ngủ, các vấn đề về phổi và tình trạng sức khỏe khác gây ra mức oxy thấp trong máu. Mặt khác, một số loại thuốc có khả năng làm tăng chỉ số hồng cầu của bạn bao gồm:

  • Gentamicin: là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn trong máu.
  • Methyldopa: thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao, hoạt động bằng cách thư giãn các mạch máu để cho phép máu chảy dễ dàng hơn qua cơ thể.

Chỉ số hồng cầu thấp

Người bị thiếu hồng cầu thường bắt gặp những triệu chứng như:

  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Khó thở
  • Da nhợt nhạt
  • Tăng nhịp tim
  • Chóng mặt, yếu ớt, đặc biệt là khi thay đổi vị trí nhanh chóng (ví dụ đang ngồi bỗng đứng dậy đột ngột)

Chỉ số lượng hồng cầu thấp hơn bình thường có thể bắt nguồn từ các yếu tố gồm:

  • Thiếu máu
  • Suy tủy xương
  • Bệnh bạch cầu
  • Suy dinh dưỡng
  • Phụ nữ mang thai
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Xuất huyết bên trong hoặc bên ngoài
  • Đa u tủy (ung thư tế bào plasma trong tủy xương)
  • Thiếu hụt dinh dưỡng bao gồm sắt, đồng, folate, vitamin B6 và B12
  • Tán huyết (Tình trạng hồng cầu bị phá hủy do truyền máu và chấn thương mạch máu)
  • Thiếu erythropoietin (nguyên nhân chính gây thiếu máu ở người bệnh thận mãn tính)

Một số loại thuốc cũng có thể làm giảm chỉ số hồng cầu, đặc biệt là:

  • Thuốc hóa trị
  • Thuốc kháng sinh chloramphenicol
  • Thuốc điều trị động kinh hydantoin
  • Thuốc chống rối loạn nhịp tim quinidine

Mối liên hệ giữa số lượng hồng cầu và bệnh ung thư

Ung thư máu có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất và chức năng của các tế bào hồng cầu. Đồng thời tình trạng này có thể dẫn đến mức số lượng hồng cầu bất thường. Mỗi loại ung thư máu có cách tác động đến chỉ số hồng cầu khác nhau. Ba loại ung thư máu chính là:

  • Bệnh bạch cầu: Làm suy yếu khả năng tủy xương sản xuất tiểu cầu và hồng cầu.
  • U lympho: cơ thể đã sản sinh quá mức các tế bào lympho làm tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  • Đa u tủy: Số lượng lớn bất thường của các tế bào plasma trong tủy xương gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Cách điều trị số lượng hồng cầu bất thường

Chế độ ăn uống giúp cải thiện số lượng hồng cầu

Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm máu ban đầu, bác sĩ có thể cân nhắc các xét nghiệm bổ sung nhằm chẩn đoán rõ ràng hơn về tình trạng. Xét nghiệm bao gồm phết máu ngoại biên dưới kinh giúp phát hiện những bất thường trong các tế bào máu (như thiếu máu hồng cầu hình liềm), rối loạn tế bào bạch cầu như bệnh bạch cầu và ký sinh trùng máu như sốt rét. Ngoài ra còn có xét nghiệm sinh thiết tủy xương, xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như siêu âm hoặc điện tâm đồ.

Sau khi xác định chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ có thể tư vấn một số yếu tố giúp cải thiện tình trạng bệnh bao gồm:

Thay đổi lối sống lành mạnh

Việc thay đổi lối sống có thể tác động đến chỉ số hồng cầu bao gồm:

  • Tránh hút thuốc
  • Uống nhiều nước
  • Hạn chế dùng aspirin
  • Tránh để cơ thể thiếu vitamin
  • Hạn chế đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu
  • Tập thể dục thường xuyên để cơ thể phải sử dụng nhiều oxy hơn

Thay đổi chế độ ăn uống

Việc thay đổi chế độ ăn uống có thể đóng một phần quan trọng trong điều trị tại nhà khi giúp tăng hoặc giảm chỉ số hồng cầu của bạn một cách lành mạnh:

  • Chất sắt: Bạn có thể bổ sung thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt, cá, thịt gia cầm, cũng như đậu khô, đậu Hà Lan và rau có màu xanh
  • Chất đồng: Tăng lượng chất đồng trong chế độ ăn uống với các loại thực phẩm như động vật có vỏ, gia cầm và các loại hạt.
  • Vitamin B12: Bạn có thể bổ sung vitamin này thông qua các loại thực phẩm như trứng, sản phẩm sữa, ngũ cốc nguyên hạt, cá.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về số lượng hồng cầu và tầm quan trọng của xét nghiệm này. Chế độ dinh dưỡng và lối sống đóng vai trò quan trọng đối với chỉ số này, do đó bạn hãy thay đổi ngay để nâng cao sức khỏe nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Red Blood Cell Count (RBC)
https://www.healthline.com/health/rbc-count
Ngày truy cập 17/03/2021

Red Blood Cell Count (RBC)
https://labtestsonline.org/tests/red-blood-cell-count-rbc
Ngày truy cập 17/03/2021

How to increase red blood cell count
https://www.medicalnewstoday.com/articles/319457.php
Ngày truy cập 17/03/2021

Red blood cell count

https://www.nhs.uk/conditions/red-blood-count/

Ngày truy cập 17/03/2021

Understanding the Red Blood Cell (RBC) Count

https://www.verywellhealth.com/red-blood-cell-rbc-count-1942659

Ngày truy cập 17/03/2021

Phiên bản hiện tại

17/03/2021

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngọc Vũ


Bài viết liên quan

Nhận diện bệnh Giảm tiểu cầu miễn dịch

Thiếu máu hồng cầu nhỏ: Hậu quả lại không hề nhỏ!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 17/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo