backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tăng bạch cầu ái toan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 16/12/2022

    Tăng bạch cầu ái toan

    Bạch cầu ái toan, hay còn gọi là bạch cầu ưa axit là một loại tế bào bạch cầu do tủy xương sản xuất. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại ký sinh trùng và phản ứng dị ứng. Vì vậy, tăng bạch cầu ái toan sẽ là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe bất thường.

    Tìm hiểu chung

    Tăng bạch cầu ái toan là gì?

    Đôi khi số lượng bạch cầu ái toan có thể tăng lên bất thường. Dấu hiệu này gọi là tăng bạch cầu ái toan, thường cảnh báo về một số tình trạng sức khỏe như:

    • Nhiễm ký sinh trùng
    • Dị ứng
    • Ung thư.

    Triệu chứng sức khỏe này thường được chia thành ba mức độ gồm:

    • Nhẹ: 500 – 1500 bạch cầu ái toan/ microlit máu
    • Trung bình: 1.500 – 5.000 bạch cầu ái toan/ microlit máu
    • Nghiêm trọng: từ 5.000 bạch cầu ái toan/ microlit máu trở lên.

    Trong đó, hầu hết trường hợp nhẹ không gây ra bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Ngược lại, khi số lượng bạch cầu ái toan vượt quá 1.500 trong 1mcL máu, cơ quan nội tạng có thể phải chịu thương tổn nặng nề, nhiều nhất là:

    • Tim
    • Phổi
    • Lá lách
    • Da
    • Hệ thần kinh

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng tăng bạch cầu ái toan

    Triệu chứng tăng bạch cầu ái toan

    Thông thường tình trạng bạch cầu ái toan tích tụ nhiều có khả năng xảy ra cùng lúc với một số triệu chứng sau, bao gồm:

    • Phát ban
    • Ngứa
    • Tiêu chảy, chủ yếu xuất hiện trong trường hợp nhiễm ký sinh trùng
    • Chảy nước mũi, thường phát sinh nếu nguyên nhân gây ra liên quan đến dị ứng

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân tăng bạch cầu ái toan là gì?

    Số lượng tế bào bạch cầu ái toan gia tăng đột ngột có thể phát sinh bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, những nguyên nhân phổ biến nhất có thể kể đến như:

    Ảnh hưởng từ thuốc

    Một số loại thuốc có khả năng gây tích tụ bạch cầu ái toan với số lượng lớn và đôi khi không để lại bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào. Chúng có thể là:

    • Thuốc kháng sinh (penicillin, cephalosporin)
    • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (aspirin, ibuprofen)
    • Ranitidine có tác dụng điều trị loét dạ dày và trào ngược dạ dày
    • Phenytoin với công dụng chống co giật

    Dị ứng

    Những trường hợp số lượng bạch cầu ái toan tăng lên do dị ứng thường liên quan đến ba vấn đề gồm:

    • Hen suyễn
    • Dị ứng theo mùa (viêm mũi dị ứng)
    • Bệnh chàm

    Dị ứng chủ yếu gây tăng lượng tế bào bạch cầu này ở mức nhẹ hoặc trung bình, đồng thời thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Trong vài trường hợp hy hữu, dị ứng thực phẩm cũng có nguy cơ khiến nhóm bạch cầu này tăng đột ngột.

    Hội chứng tăng bạch cầu ái toan Hypereosinophilic

    HES hay hội chứng Hypereosinophilic đề cập đến hàng loạt rối loạn phát sinh do số lượng bạch cầu ái toan quá cao và gây thương tổn thương cho nhiều bộ phận trong cơ thể. Các cơ quan dễ trở thành “mục tiêu tấn công” thường là da, phổi và đường tiêu hóa.

    Hội chứng Hypereosinophilic có thể là nguyên phát, thứ phát hoặc vô căn.

    Nhiễm ký sinh trùng

    Nhiễm ký sinh trùng gây tăng bạch cầu ái toan
    Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân bạch cầu ái toan hoạt hóa với số lượng lớn đến từ việc ký sinh trùng xâm nhập cơ thể.

    Theo nghiên cứu, sự hiện diện của ký sinh trùng trong cơ thể là nguyên nhân khiến bạch cầu ái toan hoạt hóa mạnh thường gặp nhất. Chúng thường bao gồm sán và các loại giun (giun tóc, giun đũa…).

    Ung thư

    Một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư máu, thường liên quan đến tình trạng bạch cầu ái toan hoạt hóa mạnh. Chúng có thể gồm:

    Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan

    Đây là một dạng rối loạn diễn ra khi các tế bào bạch cầu ái toan di chuyển đến thực quản và tích tụ tại đây. Lúc này, thực quản có thể sưng lên và gây nôn, khó nuốt.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán tăng bạch cầu ái toan?

    Bạch cầu ái toan có thể tích tụ ở mô hoặc trong máu. Do đó, bên cạnh kỹ thuật tổng phân tích tế bào máu (CBC), bác sĩ còn có thể kiểm tra số lượng tế bào của loại bạch cầu này bằng cách lấy mẫu mô sinh thiết và đem đi phân tích.

    Những phương pháp điều trị tăng bạch cầu ái toan

    Tùy vào nguyên nhân bạch cầu ái toan tăng mà bác sĩ sẽ đề ra hướng điều trị hiệu quả và phù hợp nhất, chẳng hạn như:

    • Theo dõi: nếu mức độ tăng bạch cầu ái toan nhẹ, bác sĩ có thể chỉ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh và tiến hành xét nghiệm đếm số lượng bạch cầu định kỳ.
    • Ngưng hoặc đổi toa thuốc: nếu tác dụng phụ của thuốc là kích hoạt quá nhiều tế bào bạch cầu này, các chuyên gia sẽ đề nghị bạn ngưng sử dụng thuốc và thay thế bằng đơn thuốc khác phù hợp hơn.
    • Sử dụng steroid (prednison): chủ yếu để điều trị hội chứng Hypereosinophilic.
    • Uống thuốc kháng ký sinh trùng: dành cho trường hợp tăng lượng tế bào bạch cầu ái toan do ký sinh trùng xâm nhập cơ thể.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tăng bạch cầu ái toan?

    Tình trạng bạch cầu ái toan hoạt hóa quá mạnh có nguy cơ gây tổn thương mô bằng cách giải phóng một lượng lớn enzyme, protein độc tế bào và cytokine. Do đó, phòng ngừa số lượng tế bào của loại bạch cầu này tăng lên đột ngột là điều cần thiết.

    Thay đổi lối sinh hoạt theo hướng tích cực là biện pháp ngăn ngừa đơn giản nhất, ví dụ như:

    • Tập thói quen ăn chín uống sôi có thể giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm ký sinh trùng.
    • Hiểu rõ thể trạng của bản thân sẽ giúp bạn chủ động tránh xa những vật thể gây dị ứng.
    • Cẩn thận khi sử dụng thuốc. Hãy tuân theo đúng chỉ định từ bác sĩ, đồng thời đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể trong thời gian dùng thuốc.

    Tóm lại, tăng bạch cầu ái toan thường là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có những bệnh nghiêm trọng cần được điều trị ngay. Vì vậy, đừng chủ quan trước tình trạng này mà phải sớm tìm ra nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 16/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo