backup og meta

Chẩn đoán và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu

Chẩn đoán và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng một cục máu đông (huyết khối) hình thành ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể, thường là ở chân. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu kịp thời là vô cùng cần thiết giúp ngăn ngừa cục máu đông di chuyển và tắc tại mạch máu phổi, gây ra thuyên tắc phổi rất nghiêm trọng.

Huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra ở cẳng chân, đùi hoặc xương chậu. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gặp phải ở các bộ phận khác của cơ thể bao gồm: cánh tay, não, ruột, gan hoặc thận. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về cách chẩn đoán và các phương pháp thường được áp dụng trong phác đồ điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Cách chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu

chẩn đoán và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu

Để chẩn đoán chính xác căn bệnh này, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng đang mắc phải và kiểm tra vùng da bị sưng đau hoặc đổi màu. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiến hành các xét nghiệm như sau:

  • Xét nghiệm máu D-dimer. D-dimer là một loại protein được tạo ra bởi các cục máu đông.. Hầu hết các bệnh nhân có tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu mức độ nặng đều có tăng D-dimer.
  • Siêu âm Duplex. Đây là xét nghiệm tiêu chuẩn trong chẩn đoán căn bệnh này. Hình ảnh siêu âm cho thấy hình ảnh máu chảy qua tĩnh mạch trên vùng cơ thể mà bác sĩ đang nghi ngờ có huyết khối, giúp phát hiện ra cục máu đông. Đôi khi, siêu âm được tiến hành nhiều lần trong nhiều ngày liên tục để xem cục máu đông có đang phát triển hay xuất hiện thêm không.
  • Chụp X-quang tĩnh mạch. Chụp X-quang với thuốc cản quang giúp thấy được hình ảnh của các tĩnh mạch lớn ở chân và bàn chân nhằm giúp bác sĩ tìm ra các cục máu đông. Tuy nhiên, xét nghiệm này rất hiếm khi được thực hiện mà chỉ sử dụng khi đã siêu âm nhưng không tìm ra vấn đề.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI. Xét nghiệm này có thể được thực hiện để chẩn đoán huyết khối trong các tĩnh mạch trong ổ bụng.

Các phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu

Việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu nhằm 4 mục đích chính bao gồm:

  • Ngăn ngừa cục máu đông phát triển lớn hơn,
  • Ngăn không cho cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổ
  • Giảm nguy cơ hình thành cục máu đông ở các vùng khác
  • Ngăn ngừa các biến chứng.

Bác sĩ thường sẽ chỉ định các phương pháp điều trị bao gồm:

Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc làm loãng máu

Thuốc chống đông máu, hay còn được gọi là thuốc làm loãng máu là phương pháp điều trị phổ biến trên huyết khối tĩnh mạch sâu. Những loại thuốc này không có tác dụng phá vỡ cục máu đông hiện có, nhưng chúng có thể giúp ngăn cục máu đông phát triển lớn hơn và giảm nguy cơ hình thành thêm nhiều cục máu đông hơn.

Thuốc làm loãng máu có thể được uống hoặc tiêm thông qua đường tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Một số loại thuốc làm loãng máu dạng tiêm được sử dụng phổ biến nhất là heparin, enoxaparin fondaparinux.

điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc làm loãng máu

Sau khi dùng thuốc làm loãng máu dạng tiêm trong vài ngày, bác sĩ có thể cho bạn đổi sang thuốc viên. Một số loại thuốc làm loãng máu dạng viên đường uống có thể bao gồm warfarin dabigatran. Nếu dùng thuốc warfarin, bạn có thể sẽ phải cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra mức độ đông máu.

Việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng thuốc làm loãng máu có thể phải kéo dài trong khoảng 3 tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Điều quan trọng là bệnh nhân phải uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc chống đông máu là chảy máu. Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy rằng mình dễ bị bầm tím hoặc chảy máu tự nhiên hoặc khó cầm trong khi dùng thuốc này. Ngoài ra, phụ nữ mang thai không nên dùng một số loại thuốc làm loãng máu.

Thuốc làm tan huyết khối

Thuốc làm tan huyết khối có thể được kê đơn trong trường hợp phải điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu nghiêm trọng hoặc các loại thuốc khác không có hiệu quả.

Những loại thuốc này thường được truyền thông qua đường tĩnh mạch hoặc qua một ống thông được đặt trực tiếp vào cục máu đông. Thuốc làm tan huyết khối có thể gây tác dụng phụ là chảy máu nghiêm trọng, vì vậy, chúng thường chỉ được kê đơn cho những trường hợp có huyết khối nghiêm trọng.

Lưới lọc tĩnh mạch

Nếu bạn có chống chỉ định với thuốc làm loãng máu thì việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể phải sử dụng một lưới lọc tĩnh mạch. Lưới lọc được đưa qua một ống thông vào tĩnh mạch lớn ở bẹn hoặc cổ, sau đó vào tĩnh mạch chủ. Khi đã vào đúng vị trí, bộ lọc sẽ bắt lấy các cục máu đông nếu nó vỡ ra và di chuyển trong cơ thể. Phương pháp này giúp ngăn ngừa cục máu đông tới phổi và gây thuyên tắc phổi, nhưng không ngăn ngừa sự hình thành nhiều cục máu đông mới.

Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng vớ áp lực

điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bằng vớ nén

Những đôi vớ đặc biệt này thường dành cho đầu gối để làm giảm nguy cơ máu bị ứ đọng và đông lại làm phù chân. Phù thường là do các van trong tĩnh mạch chân bị hư hỏng hoặc tĩnh mạch bị tắc nghẽn bởi cục máu đông.

Hãy mang vớ áp lực ngay dưới đầu gối. Những chiếc vớ này thường sẽ chật ở mắt cá chân và lỏng dần khi lên trên để tạo ra áp lực nhẹ lên chân. Bạn nên mang những đôi vớ này hằng ngày trong ít nhất 2 năm nếu có thể.

Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu trở nặng

Trong quá trình điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân theo một số thay đổi trong lối sống để kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa cục máu đông khác có thể hình thành. Một số thay đổi lối sống nên được áp dụng bao gồm:

  • Quan tâm đến chế độ ăn uống. Các loại thực phẩm giàu vitamin K, chẳng hạn như rau bina, cải xoăn, các loại rau lá xanh khác có thể cản trở hiệu quả của thuốc warfarin trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu. Nên hỏi bác sĩ về loại thuốc bạn đang dùng và những điều kiêng kị trong ăn uống
  • Uống thuốc theo chỉ định. Bác sĩ sẽ cho bạn biết là thời gian điều trị trong bao lâu và bạn cần phải tuân thủ theo liệu trình điều trị đã được đặt ra. Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc làm loãng máu, bạn sẽ cần xét nghiệm máu để biết mức độ đông máu.
  • Để ý xem có chảy máu nhiều không. Chảy máu, máu bầm dưới da có thể là một tác dụng phụ của thuốc làm loãng máu, nếu nghiêm trọng hãy nói với bác sĩ. Bên cạnh đó, hãy thận trọng với những hoạt động có thể khiến bạn bị bầm tím hoặc chảy máu, vì ngay cả một chấn thương nhỏ cũng có thể trở nên nghiêm trọng nếu bạn đang dùng thuốc này.
  • Tránh ngồi yên một chỗ. Nếu bạn đang phải nằm trên giường và không di chuyển trong một thời gian dài, chẳng hạn như sau khi phẫu thuật hoặc tai nạn, nên cố gắng di chuyển và vận động càng sớm càng tốt, để giúp làm giảm khả năng hình thành cục máu đông.
  • Tập thể dục và quản lý cân nặng. Béo phì là một yếu tố nguy cơ của căn bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm cân và làm giảm nguy cơ đông máu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người hay ngồi nhiều.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về các phương pháp chẩn đoán và điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, cũng như cách phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Deep vein thrombosis (DVT). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/deep-vein-thrombosis/diagnosis-treatment/drc-20352563. Ngày truy cập: 20/08/2021

Deep vein thrombosis (DVT). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/deep-vein-thrombosis/symptoms-causes/syc-20352557. Ngày truy cập: 20/08/2021

Deep Vein Thrombosis (DVT). https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16911-deep-vein-thrombosis-dvt. Ngày truy cập: 20/08/2021

DVT (deep vein thrombosis). https://www.nhs.uk/conditions/deep-vein-thrombosis-dvt/. Ngày truy cập: 20/08/2021

Percutaneous Transcatheter: Treatment of Deep Venous Thrombosis (DVT). https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/percutaneous-transcatheter-treatment-of-deep-venous-thrombosis-dvt. Ngày truy cập: 20/08/2021

Phiên bản hiện tại

26/08/2021

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương

Cập nhật bởi: Lương Lan


Bài viết liên quan

Nhận diện bệnh Giảm tiểu cầu miễn dịch

Huyết khối tĩnh mạch sâu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương

Huyết học · Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 26/08/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo