Bạch cầu (hay còn được biết đến với tên gọi là tế bào máu trắng) là một thành phần quan trọng trong máu để chống lại nhiễm trùng. Vì thế, tăng bạch cầu rất có thể là chỉ điểm cho tình trạng bất thường của cơ thể. Trong bài viết này hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xem bạch cầu tăng cao là bệnh gì và cách điều trị bệnh bạch cầu tăng cao nhé!
Bạch cầu là những tế bào máu có chức năng chống lại các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể. Khi phát hiện tác nhân lạ, tế bào bạch cầu sẽ tiến hành thực bào, sản xuất kháng thể, giải phóng các chất dẫn truyền hóa học để bảo vệ cơ thể.
Tìm hiểu chung
Bạch cầu tăng là bệnh gì?
Bạch cầu tăng, hay tăng bạch cầu, là hiện tượng số lượng bạch cầu tăng trong máu so với mức bình thường. Điều này thường xảy ra khi cơ thể hoặc các tế bào bạch cầu gặp một tổn thương nào đó khiến chúng hoạt động sai cách. Chứng bạch cầu tăng được chia làm 5 dạng, tương ứng với 5 loại bạch cầu phổ biến:
- Tăng bạch cầu trung tính: Bạch cầu trung tính chiếm đến 40-60% số lượng bạch cầu trong cơ thể. Tăng bạch cầu trung tính là dạng phổ biến nhất. Tình trạng này có thể xảy ra khi cơ thể bị nhiễm trùng hoặc có tình trạng viêm nhiễm ở một bộ phận nào đó.
- Tăng bạch cầu lympho: Bạch cầu lympho chiếm khoảng 20-40% tổng số tế bào bạch cầu trong cơ thể. Đây là loại tế bào bạch cầu có nhiệm vụ sản xuất ra các kháng thể lưu hành trong máu để giúp cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm trùng. Thông thường, số lượng bạch cầu lympho tăng lên khi bạn mắc bệnh bạch cầu, u hạch lympho hoặc các bệnh nhiễm trùng do virus gây ra.
- Tăng bạch cầu đơn nhân (bạch cầu mono): Bạch cầu đơn nhân chỉ chiếm khoảng 2-8% tổng số bạch cầu trong cơ thể người. Tình trạng bạch cầu mono tăng cao có thể liên quan đến bệnh ung thư hoặc một số bệnh nhiễm trùng.
- Tăng bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan chiếm khoảng 1-4% tổng số bạch cầu trong cơ thể. Số lượng bạch cầu này tăng lên thường là do viêm nhiễm, dị ứng hoặc có bệnh liên quan đến ký sinh trùng.
- Tăng bạch cầu ái kiềm: Bạch cầu ái kiềm là một loại tế bào bạch cầu trong tủy xương. Chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số bạch cầu của cơ thể. Khi lượng bạch cầu này tăng lên, cơ thể sẽ gặp phải những triệu chứng như thường xuyên đau bụng, chuột rút không rõ nguyên nhân hoặc người lúc nào cũng mệt mỏi, thiếu sức sống. Các nguyên nhân gây tăng bạch cầu ái kiềm có thể là tình trạng dị ứng (tương tự bạch cầu ái toan), nhiễm siêu vi hoặc có bệnh lý ác tính.
Triệu chứng thường gặp
Triệu chứng thường gặp khi bạch cầu trong máu cao là gì?
Các triệu chứng của bệnh bạch cầu tăng có thể khác nhau tùy vào loại bạch cầu nào tăng và nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:
- Sốt và đau nhức
- Dễ bị chảy máu, bầm tím và đổ mồ hôi đêm
- Nổi mề đay, ngứa và dị ứng ngoài da
- Khó thở hoặc thở khò khè
Bạch cầu tăng cao có nguy hiểm không? Trong một số trường hợp, số lượng bạch cầu cao quá mức có thể gây đặc quánh máu và ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu trong cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm khác như:
- Hạn chế tầm nhìn, nhìn mờ
- Khó thở và có các vấn đề về hô hấp
- Chảy máu niêm mạc
- Đột quỵ
Trong trường hợp gặp phải các triệu chứng nguy hiểm này, bạn cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân bạch cầu trong máu tăng cao là gì?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bạch cầu trong máu tăng cao. Tương ứng với mỗi loại bạch cầu sẽ có những nguyên nhân khác nhau.
Nguyên nhân số lượng bạch cầu trung tính tăng
- Nhiễm trùng
- Tình trạng viêm nhiễm lâu dài ở bộ phận nào đó trên cơ thể, kể cả bệnh viêm khớp
- Bệnh bạch cầu
- Phản ứng với một số loại thuốc điều trị bệnh khác như steroid, lithium…
- Hút thuốc lá
- Tình trạng căng thẳng và suy nhược cơ thể dài ngày
Nguyên nhân gây bạch cầu lympho cao
- Cơ thể bị nhiễm virus
- Bệnh ho gà
- Dị ứng
- Bệnh bạch cầu
- Ung thư hạch bạch huyết
Nguyên nhân gây tăng bạch cầu ái toan
- Dị ứng
- Bệnh do ký sinh trùng
- Một số bệnh ngoài da
- Ung thư hạch bạch huyết
Nguyên nhân khiến bạch cầu mono cao
- Bệnh nhiễm trùng kéo dài như lao hoặc nhiễm nấm
- Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hoặc viêm loét đại tràng
- Đã từng phẫu thuật cắt bỏ lá lách
Nguyên nhân tăng bạch cầu ái kiềm
- Bệnh bạch cầu hoặc ung thư tủy xương
- Dị ứng
Hiện tượng bạch cầu cao ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai thường có số lượng bạch cầu cao hơn bình thường. Đặc biệt, số lượng này tăng nhanh trong khoảng 3 tháng cuối thai kỳ.
Hiện tượng này có thể vẫn tiếp diễn trong một vài tháng sau khi sinh. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem số lượng bạch cầu trong cơ thể bạn có gì bất thường hay không. Nếu bạch cầu tăng trong giới hạn cho phép, bạn không cần phải điều trị. Sau một thời gian, bạch cầu sẽ trở về mức giống hoặc gần giống với thời điểm trước khi bạn mang thai.
Chẩn đoán và điều trị
Phương pháp được dùng để chẩn đoán tình trạng bạch cầu cao là gì?
Có 3 loại xét nghiệm chính giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và dạng bạch cầu có số lượng cao trong máu của bệnh nhân, bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Xét nghiệm máu toàn phần luôn được ưu tiên áp dụng với các trường hợp số lượng bạch cầu cao bất thường mà không có nguyên nhân rõ ràng. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch của bạn rồi mang phân tích trên thiết bị y tế chuyên dụng để xác định tỷ lệ của từng loại bạch cầu. Khi biết được loại bạch cầu nào có tỷ lệ cao hơn bình thường, bác sĩ sẽ thu hẹp được các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này.
- Xét nghiệm phết máu ngoại vi: Dưới kính hiển vi, bác sĩ hoặc các kỹ thuật viên có thể thấy được kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc cấu tạo của tế bào hồng cầu. Xếp loại tế bào hồng cầu theo sự thay đổi rất hữu ích cho việc xác định nguyên nhân của thiếu máu và sự xuất hiện của các bệnh khác. Bên cạnh đó, các bạch cầu cũng được kiểm tra về tổng số lượng, phân biệt và đếm từng loại, và mức độ trưởng thành. Xét nghiệm này được tiến hành khi bác sĩ nghi ngờ bạn có tình trạng tăng bạch cầu trung tính hoặc bạch cầu lympho. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân gây bệnh chính xác hơn.
- Xét nghiệm chọc hút và sinh thiết tủy xương: Bạch cầu được tạo ra từ tủy xương rồi phân tán vào máu. Khi nhận thấy số lượng bạch cầu trung tính cao bất thường ở xét nghiệm phết máu ngoại vi, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm chọc hút và sinh thiết tủy xương để hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh. Mẫu tủy được lấy từ khu vực xương ức, xương hông hoặc phía trước xương chày (ở chân) bằng một mũi kim dài và mỏng. Sau đó, mẫu tủy được mang đi phân tích dưới kính hiển vi để kiểm tra xem có những bất thường xảy ra trong quá trình sản xuất bạch cầu ở tủy xương hay không.
Cách điều trị bệnh bạch cầu tăng cao là gì?
Cách điều trị tình trạng bạch cầu cao phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Những phương pháp đó có thể là:
- Dùng kháng sinh và kháng viêm để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, viêm
- Thuốc kháng histamine và thuốc hít để kiểm soát phản ứng dị ứng
- Liệu pháp điều trị tình trạng căng thẳng, lo lắng
- Điều trị tình trạng bệnh ác tính nếu có.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dạng bệnh tăng bạch cầu mà bạn đang gặp để đề xuất phác đồ điều trị. Điều bạn cần làm là hợp tác với bác sĩ và tuân thủ nghiêm túc chỉ định trong suốt thời gian điều trị bệnh.
Phòng ngừa
Cách phòng ngừa tình trạng bạch cầu tăng cao là gì?
Cách tốt nhất để phòng ngừa tăng bạch cầu là tránh hoặc giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ. Những điều này bao gồm:
- Duy trì lối sống lành mạnh, rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm trùng hoặc các bệnh do ký sinh trùng.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ khi đang điều trị tình trạng viêm nhiễm nào đó.
- Cố gắng giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống và luôn cân bằng cảm xúc của bản thân.
- Hạn chế tiếp xúc với những yếu tố khiến bạn bị dị ứng.
Đa phần các trường hợp tăng số lượng bạch cầu là một phản ứng của cơ thể với các tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm. Tuy nhiên, nó cũng có thể có liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh bạch cầu hoặc các loại bệnh ung thư khác. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng bạch cầu tăng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.