Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là một trong những bệnh lý thông thường, phổ biến, thường xảy ra vào khoảng mùa thu và đông (từ tháng 9 đến tháng 3). Hầu hết mọi người đều mắc phải căn bệnh này ít nhất một lần trong năm. Phần lớn trường hợp bệnh do virus gây ra và có thể tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi.
Bệnh dễ lây truyền từ người sang người qua các giọt hô hấp bắn ra khi ho, hắt hơi hay các bề mặt mà người bệnh tiếp xúc. Đặc biệt, trong các không gian kín và đông đúc như lớp học, văn phòng làm việc, trong nhà, nguy cơ lây lan tác nhân gây bệnh sẽ cao hơn.
Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì?
Nhiễm trùng đường hô hấp trên (hay có thể gọi là hội chứng viêm long đường hô hấp trên, cảm lạnh thông thường) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở đường dẫn khí trên, ảnh hưởng đến:
- Thanh quản
- Khoang mũi
- Đường mũi hay lỗ mũi
- Hầu họng
Người lớn thường trải qua 2–3 lần bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp mỗi năm. Đối với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, thì có thể mắc bệnh nhiều lần hơn vì hệ miễn dịch của chúng chưa phát triển hoàn thiện.
Thông thường, mỗi lần bệnh diễn ra trong khoảng 3–14 ngày (cấp tính). Một số trường hợp, tình trạng nhiễm trùng này có thể phát triển thành các bệnh lý nghiêm trọng hơn, như nhiễm trùng xoang (viêm xoang) hay viêm phổi.
Dấu hiệu và triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
Các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, các triệu chứng phổ biến khi đường hô hấp trên bị nhiễm trùng là:
- Ho
- Khó chịu ở mũi
- Sốt nhẹ (thường gặp ở trẻ em)
- Sổ mũi, chảy nước mũi nhiều
- Nghẹt mũi
- Đau hoặc cảm thấy nhức do tăng áp lực ở bên trong xoang
- Đau, rát họng
- Hắt hơi
Bạn thường cảm thấy những triệu chứng này trở nên tệ hơn sau 2–3 ngày và giảm dần sau đó. Tuy nhiên, ho vẫn có thể kéo dài ngay cả khi hết nhiễm trùng do đường thở vẫn còn sưng do viêm. Bạn có thể mất đến 2–3 tuần sau khi các triệu chứng khác không còn nữa thì mới hết hẳn ho.
Ngoài các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên kể trên, một số triệu chứng ít gặp hơn những cũng có khi xảy ra ở vài người gồm:
- Hơi thở có mùi
- Nhức mỏi cơ thể
- Đau đầu
- Mất khứu giác
- Ngứa mắt
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Mặc dù tình trạng nhiễm trùng gây viêm đường hô hấp trên đều có thể tự khỏi bệnh mà không cần điều trị y khoa nhưng nếu các triệu chứng ngày càng nặng hơn, bạn nên đến bệnh viện thăm khám sức khỏe. Nếu có những triệu chứng bất thường hay các triệu chứng sau, bạn nên đến gặp bác sĩ:
- Ngày càng cảm thấy khó thở
- Sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên ảnh hưởng đến một bệnh lý khác đang có (như hen suyễn)
- Các triệu chứng bệnh kéo dài hơn 2 tuần hoặc ngày càng nghiêm trọng
- Môi chuyển sang màu xanh
- Cảm thấy khó nuốt
- Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy xảy ra cùng lúc với các triệu chứng bệnh
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì?
Nhiều người thường thắc mắc nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp là gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, hầu hết trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên là do virus gây ra. Sau đó, tác nhân gây bệnh này có thể lan truyền sang những người khác qua đường hô hấp và tiếp xúc gần. Việc bạn hít phải các giọt hô hấp bắn ra từ người bệnh khi họ ho, hắt hơi hay để tay tiếp xúc các bề mặt mà người bệnh từng chạm vào rồi đưa lên mắt, mũi, miệng sẽ làm cho virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Có hơn 200 loại virus cảm lạnh thông thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên. Các yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng gồm:
- Có thương tổn ở mũi hoặc khoang mũi
- Không có thói quen rửa tay thường xuyên và đúng cách
- Thường tiếp xúc với nhiều nhóm trẻ em
- Thường đi đến những nơi đông người như sân bay, trạm xe, siêu thị, trường học…
- Mắc các bệnh tự miễn
- Đã phẫu thuật cắt amidan và nạo VA
- Hút thuốc, kể cả chủ động và thụ động
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Làm sao để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên?
Đa số người bệnh đều cảm nhận được họ đang gặp phải tình trạng gì và nếu có đến gặp bác sĩ thường là nhằm mục đích giảm bớt triệu chứng một cách nhanh chóng. Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cho tình trạng sức khỏe này nhờ vào thăm khám sức khỏe thông thường và hỏi về các triệu chứng cũng như nhìn vào bệnh sử.
Một vài trường hợp người bệnh có triệu chứng khác thường hoặc nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm một vài xét nghiệm như:
- Dùng gạc lấy mẫu dịch ở họng để làm xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh, thường dùng trong chẩn đoán nhiễm liên cầu khuẩn beta tán huyết nhóm A.
- Chụp X-quang một bên cổ để loại trừ khả năng viêm nắp thanh quản nếu bạn có triệu chứng khó thở.
- Chụp X-quang ngực khi có nghi ngờ người bệnh bị viêm phổi.
- Chụp CT thường được chỉ định nếu có nghi ngờ bị viêm xoang.
- Xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện của vi khuẩn, virus hoặc các vi sinh vật khác hay kiểm tra số lượng bạch cầu.
Những cách điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
Các cách điều trị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì? Như đã đề cập ở trên, hầu hết triệu chứng bệnh đều tự thuyên giảm mà không cần điều trị y khoa. Các lựa chọn điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp thường tập trung vào việc làm giảm bớt sự khó chịu do các triệu chứng bệnh gây ra. Bạn có thể thử áp dụng các cách sau để các triệu chứng không kéo dài:
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc
- Tránh để nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột
- Uống nhiều nước
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt
- Súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn răng miệng
Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc không kê đơn, có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh, chẳng hạn như:
- Thuốc kháng histamine: Một số thuốc thường dùng gồm brompheniramine, chlorpheniramine, diphenhydramine
- Thuốc giảm đau, hạ sốt như là paracetamol, ibuprofen
- Thuốc trị nghẹt mũi bao gồm oxymetazoline, phenylephrine, pseudoephedrine
Phòng ngừa
Phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
Thực tế, không có cách nào giúp bạn phòng tránh hoàn toàn nguy cơ bị nhiễm trùng và viêm đường hô hấp trên. Vào những thời điểm thời tiết thay đổi, bạn dường như không thể tránh khỏi nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu có tiếp xúc với người khác trong một không gian kín.
Tuy nhiên, bạn có thể thử làm theo các mẹo sau đây để giảm thiểu rủi ro bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là vào các tháng mùa thu và đông (từ tháng 9 đến tháng 3):
- Tránh hút thuốc hay đến gần những người hút thuốc
- Tránh đến những đám đông tụ tập trong một không gian nhỏ, hẹp, kín
- Tránh dùng chung ly uống nước và các vật dụng cá nhân với người khác
- Làm sạch và khử trùng các bề mặt nhiều người chạm tay vào thường xuyên
- Che mũi, miệng khi ho hay hắt hơi
- Thực hiện chế ăn uống và lối sống lành mạnh
- Rửa tay thường xuyên và đúng cách
- Tập luyện thể dục thường xuyên đều đặn
Việc mắc bệnh viêm đường hô hấp trên kể cả ở người lớn hay trẻ em đều cần được nghỉ nghơi, theo dõi và đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu bất thường hay nặng hơn. Hãy nhớ các phương pháp bảo vệ sức khỏe và nâng cao sức đề kháng để hạn chế bị nhiễm trùng đường hô hấp trên nhé.