backup og meta

Hở van tim 3 lá 1/4: Chớ tưởng nhẹ mà xem thường!

Hở van tim 3 lá 1/4: Chớ tưởng nhẹ mà xem thường!

Có đến 70% người khỏe mạnh bị hở van tim 3 lá 1/4 hay còn gọi là hở van sinh lý, đây chính là mức hở van nhẹ nhất nên bác sĩ thường không chỉ định điều trị. Như vậy liệu bệnh có chuyển biến nguy hiểm không?

Hở van 3 lá là một rối loạn hoạt động của van tim, trong đó van 3 lá ngăn cách giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải không đóng đủ chặt làm cho máu chảy ngược vào buồng tâm nhĩ phải thay vì lên phổi khi tâm thất co bóp. Hở van 3 lá sẽ được chia thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng bao gồm hở van 3 lá 1/4, hở 2/4, hở 3/4, hở hoàn toàn 4/4.

Trong đó, hở van 3 lá 1/4 là mức độ hở nhẹ nhất, có thể chỉ là hở sinh lý bình thường nhưng cũng có thể là hở bệnh lý nếu đi kèm triệu chứng mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở…

Những lầm tưởng về hở van 3 lá 1/4

Sau đây là những lầm tưởng về hở van tim 3 lá 1/4 mà bạn nên biết:

• Hở van tim 3 lá 1/4 chỉ là hở van tim sinh lý, không cần lo lắng: Mặc dù đa phần hở van tim 3 lá 1/4 là hở van tim sinh lý và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên đây cũng có thể là hậu quả của các bệnh lý khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim…

• Kết quả siêu âm hở van 3 lá 1/4 luôn đúng: Thực tế kết quả siêu âm vẫn có thể bị sai lệch vì còn phụ thuộc vào chất lượng thiết bị máy móc và kinh nghiệm của người thực hiện. Đây chính là lý do tại sao người bệnh siêu âm chỗ này hở, chỗ kia lại không hở.

• Người bị hở van tim 3 lá 1/4 không cần điều trị: Ngay cả khi bác sĩ không có chỉ định điều trị, người bệnh vẫn cần phải theo dõi thường xuyên. Nếu chủ quan xem thường, rất có thể từ tình trạng hở nhẹ chuyển sang hở nặng từ lúc nào không hay! Để xem xét liệu tình trạng hở van tim 3 lá 1/4 có nguy hiểm hay không, bạn cần căn cứ vào nhiều yếu tố như triệu chứng, bệnh đi kèm, tuổi tác, nguyên nhân gây hở van tim… Trong đó, nguyên nhân và triệu chứng là 2 yếu tố quan trọng nhất.

Nguyên nhân gây hở van tim 3 lá 1/4

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hở van tim 3 lá 1/4 là do sự giãn nở bất thường của tâm thất phải gây ra bởi các bệnh lý như suy tim trái, bệnh cơ tim giãn, tăng áp động mạch phổi, hẹp van động mạch phổi…

Sau đây là một số nguyên nhân khác có thể gây nên tình trạng này:

  • Viêm nội tâm mạc do nhiễm khuẩn
  • Hội chứng Marfan
  • Bệnh tim bẩm sinh Ebstein
  • Lupus ban đỏ hệ thống
  • Bệnh lý thấp khớp, viêm khớp dạng thấp
  • Do tác dụng phụ của một số thuốc

Triệu chứng bệnh hở van tim 3 lá 1/4 trở nặng

Triệu chứng hở van tim 3 lá 1/4

Đa phần hở van 3 lá 1/4 sẽ không có triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh có thể đang trở nặng nếu bạn gặp các dấu hiệu sau đây:

  • Giảm khả năng gắng sức, dễ khó thở, mệt mỏi
  • Rối loạn nhịp tim: thường là rối loạn nhịp tim nhanh gây cảm giác hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực…
  • Tĩnh mạch cổ đập mạnh
  • Giảm lượng nước tiểu, phù chân và mắt cá chân

Van 3 lá hở nặng lâu ngày khi không được điều trị tốt có thể dẫn đến suy tim.

Cách ngăn ngừa hở van tim 3 lá 1/4 trở nặng

Phần lớn hở van tim 3 lá 1/4 trở nặng là do các bệnh tim mạch khác gây nên, vì thế việc điều trị nguyên nhân gây hở van là mục tiêu ưu tiên:

1. Thay đổi lối sống lành mạnh

Ngay tại thời điểm phát hiện hở van 3 lá 1/4, bạn nên chủ động thay đổi lối sống lành mạnh theo các lời khuyên sau đây để ngăn ngừa bệnh tiến triển.

Ăn uống theo chế độ tốt cho tim: Bạn nên bổ sung thêm các loại trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và chất đạm từ thực vật, từ cá vào chế độ ăn của mình. Hãy tránh chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường, muối và ngũ cốc tinh chế.

Tập thể dục thường xuyên: Tốt nhất là bạn nên tập với cường độ nhẹ và tăng dần theo thời gian, duy trì thường xuyên ít nhất 5 buổi/tuần. Các bài tập được khuyến khích gồm tập dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ, bơi lội…

2. Ngăn ngừa nhiễm khuẩn nội tâm mạc

Đây là một biến chứng nhiễm trùng tim nguy hiểm mà người hở van tim 3 lá 1/4 có nguy cơ cao gặp phải. Để phòng ngừa, bạn cần chăm sóc tốt răng miệng và vệ sinh sau khi ăn uống.

Bạn nên dùng kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật hoặc phẫu thuật nào đó. Cần điều trị tốt và báo với bác sĩ nếu bạn đang có dấu hiệu mắc các bệnh nhiễm trùng như sốt, đau họng, mệt mỏi…

3. Tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ

Điều trị hở van tim 3 lá 1/4

Tùy thuộc vào vào tình trạng bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Một số nhóm thuốc có thể được dùng để điều trị hở van tim 3 lá 1/4: thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông (nếu có rung nhĩ), thuốc giãn mạch, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim…

Sử dụng thuốc không làm van tim hết hở, nhưng sẽ giúp bạn cải thiện triệu chứng bệnh, ngăn ngừa hở van tim gây suy tim tiến triển. Vì vậy, bạn cần tuân thủ chỉ định điều trị, không được tự ý ngừng thuốc, giảm liều, bỏ liều khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Các trường hợp hở van 3 lá hiếm khi cần phải thay van, trừ trường hợp hở van nguyên phát nặng không đáp ứng với thuốc điều trị hoặc trước đó đã can thiệp sửa giãn vòng van nhưng bệnh không cải thiện.

Có thể thấy, dù hở van tim 3 lá 1/4 thường là hở van tim sinh lý và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này đôi khi vẫn có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Vì vậy, nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What causes tricuspid regurgitation? https://www.webmd.com/heart/qa/what-causes-tricuspid-regurgitation Ngày truy cập: 30/05/2019

Tricuspid valve regurgitation? https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tricuspid-valve-regurgitation/symptoms-causes/syc-20350168 Ngày truy cập: 04/05/2021

Tricuspid Regurgitation (Tricuspid Valve Insufficiency) https://www.healthline.com/health/tricuspid-regurgitation Ngày truy cập: 04/05/2021

Tricuspid Regurgitation https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK526121/ Ngày truy cập: 04/05/2021

Tricuspid Regurgitation https://emedicine.medscape.com/article/158484-overview Ngày truy cập: 04/05/2021

Phiên bản hiện tại

04/05/2021

Tác giả: Thảo Viên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Khám phá 4 bài thuốc dân gian trị thiếu máu cơ tim

[Hỏi đáp cùng bác sĩ] Bệnh hở van tim 1/4 nên điều trị thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Viên · Ngày cập nhật: 04/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo