backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Hẹp van động mạch chủ

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 12/07/2023

    Hẹp van động mạch chủ

    Hẹp van động mạch chủ là một trong những vấn đề về van tim phổ biến và nghiêm trọng. Trong bệnh lý này, dòng máu bình thường được tống ra khỏi tim bị cản trở lại nên người bệnh sẽ gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là suy tim và tử vong.

    Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Tìm hiểu chung

    Hẹp van động mạch chủ là gì?

    Van động mạch chủ có nhiệm vụ giữ cho máu giàu oxy chảy từ buồng tim phía dưới bên trái (tâm thất trái) vào động mạch chủ – động mạch chính đưa máu từ tim đến các phần còn lại trong cơ thể.

    Hẹp van động mạch chủ là một dạng bệnh van tim xảy ra khi van động mạch chủ không thể mở ra hoàn toàn mỗi khi tim co bóp đẩy máu đi. Vì vậy, lượng máu sẽ bị ứ đọng lại tâm thất trái trong khi các cơ quan trong cơ thể lại không nhận được đủ lượng máu cần thiết. Tình trạng hẹp van có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào diện tích mở van và sức co bóp của cơ tim còn duy trì được.

    Theo thời gian, hẹp van động mạch chủ sẽ khiến tâm thất trái của tim phải nỗ lực bơm máu nhiều hơn để đẩy máu qua van động mạch chủ bị hẹp. Điều này có thể làm cho thành tâm thất trái dày lên, buồng thất to ra. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, thành cơ tim dãn ra do những tổn thương tim không hồi phục, dẫn đến suy tim và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, thậm chí là tử vong.

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng hẹp van động mạch chủ

    Triệu chứng hẹp van động mạch chủ thường có khuynh hướng nặng dần theo thời gian, bao gồm:

    • Đau ngực, đặc biệt là khi hoạt động. Triệu chứng này khiến bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu, nặng nề như bị bóp chặt ngực. Cơn đau lan từ ngực đến cổ, hàm, cánh tay hoặc vùng bụng.
    • Mệt mỏi. Bạn có thể cảm thấy kiệt sức khi hoạt động nhiều hơn, thậm chí bị mệt khi thực hiện những hoạt động hằng ngày dù trước đây vẫn làm bình thường.
    • Khó thở. Bạn có thể cảm thấy khó hít thở sâu, hơi thở nhanh, co kéo nhiều, đặc biệt là sau khi hoạt động mạnh.
    • Ngất xỉu hoặc choáng váng. Bạn cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc thậm chí là mất ý thức, đặc biệt là trong khi đang hoạt động.
    • Có tiếng thổi ở tim khi bác sĩ thăm khám bằng ống nghe.
    • Tim đập nhanh. Cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực và khiến bạn cảm thấy khó chịu.
    • Phù nề ở bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân.

    Các triệu chứng kể trên thường xuất hiện khi van tim bị hẹp nghiêm trọng. Một số người bị hẹp van tim nhưng diện tích mở van còn đủ đáp ứng thì sẽ không có triệu chứng trong nhiều năm.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân hẹp van động mạch chủ là gì?

    Nguyên nhân hẹp van động mạch chủ

    Nguyên nhân hẹp van động mạch chủ phổ biến là vôi hóa van do quá trình lão hóa. Theo thời gian, cặn canxi có thể tích tụ trên van động mạch chủ, khiến các lá van dày hơn và khó mở ra hoàn toàn. Đây là nguyên nhân thường gặp ở người cao tuổi.

    Ngoài ra, người trẻ tuổi cũng có thể bị hẹp van động mạch chủ do nguyên nhân hậu thấp (nhiễm trùng van tim), viêm nội tâm mạc nhiễm trùng (nhiễm trùng màng trong tim) hay bẩm sinh do van động mạch chủ hai mảnh.

    Các yếu tố nguy cơ

    Hẹp van động mạch chủ xảy ra phổ biến nhất ở người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 65 tuổi.

    Một số yếu tố nguy cơ khác cũng làm tăng khả năng bạn mắc bệnh, bao gồm:

    • Bệnh tim bẩm sinh: Nếu trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh, chẳng hạn như van động mạch chủ hai mảnh thì nguy cơ bị hẹp van động mạch chủ cũng sẽ tăng lên.
    • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Viêm nội tâm mạc là một bệnh nhiễm trùng van tim do vi khuẩn, có thể gây tổn thương van tim.
    • Các tình trạng nhiễm trùng khác: Khi vi khuẩn từ các bệnh nhiễm trùng không được điều trị xâm nhập vào máu, chúng có thể tích tụ trên van tim, khiến hệ thống miễn dịch tấn công vào đây và làm hỏng van tim. Điều này rất có thể xảy ra trong bệnh viêm họng liên cầu khuẩn, gây biến chứng sốt thấp khớp. Bệnh thường gặp nhất ở những người trên 50 tuổi.
    • Các tình trạng di truyền hoặc bệnh lý mạn tính khác: Các tình trạng hiếm gặp khác như bệnh Paget xương, suy thận và tăng cholesterol máu gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Hẹp van động mạch chủ cũng liên quan đến các bệnh tự miễn hoặc viêm như lupus và viêm khớp dạng thấp, bệnh thận mạn tính, bệnh tiểu đường, cholesterol cao và huyết áp cao.

    Biến chứng

    Hẹp van động mạch chủ có nguy hiểm không?

    Hẹp van động mạch chủ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

    • Suy tim
    • Đột quỵ
    • Hình thành máu đông trong tim
    • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim)
    • Nhiễm trùng ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc
    • Tử vong.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hẹp van động mạch chủ?

    Nếu bác sĩ nghi ngờ hẹp van động mạch chủ, họ có thể thực hiện các bước:

  • Khám sức khỏe, nghe tim phổi.
  • Đo điện tâm đồ (ECG)
  • Chụp X-quang ngực
  • Chụp mạch hoặc chụp CT tim
  • Siêu âm tim hẹp van động mạch chủ qua thành ngực (TTE)
  • Siêu âm tim qua thực quản (TEE)
  • Kiểm tra tim trong điều kiện gắng sức
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Thông tim.
  • Những phương pháp điều trị hẹp van động mạch chủ

    điều trị hẹp van động mạch chủ

    Phân độ hẹp van động mạch chủ được chia thành nhẹ, trung bình, nặng hoặc nguy kịch. Hẹp động mạch chủ có chữa được không và phương pháp điều trị nào được chỉ định sẽ tùy thuộc vào triệu chứng bệnh nhân đang mắc phải, tình hình sức khỏe tổng thể, phân độ hẹp van và thời điểm được chẩn đoán.

    Nếu bạn bị hẹp van nhưng không có triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ đề nghị theo dõi và tái khám định kỳ. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng, phương pháp điều trị hẹp van động mạch chủ có thể bao gồm:

    • Thuốc để giảm triệu chứng và ngừa biến chứng gồm: thuốc làm loãng máu, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim,… nếu hẹp van nhẹ.
    • Nong van bằng bóng: Đây là một thủ thuật được sử dụng trong các trường hợp tổn thương van hạn chế và hở van nhẹ kèm theo. Một ống thông có gắn một quả bóng được đưa vào động mạch, sau đó luồn đến tim. Khi đó, quả bóng sẽ được bơm căng để mở rộng van động mạch chủ bị hẹp. Phương pháp điều trị này giúp giảm nhẹ triệu chứng hẹp động mạch chủ khi chưa hoặc không thể thay van tim.
    • Thay van động mạch chủ: Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ van bị hỏng thông qua phẫu thuật tim hở hoặc ống thông (TAVR). Sau đó, van bị hư hỏng sẽ được thay thế bằng van cơ học, hoặc van sinh học (làm từ mô tim của bò, lợn hoặc người), hoặc van tự thân (lấy van động mạch phổi của chính người bệnh rồi dùng van hiến tặng hoặc màng ngoài tim thay vào van động mạch phổi).

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hẹp van động mạch chủ?

    Vì hẹp van động mạch chủ phổ biến là do các yếu tố như lão hóa, dị tật tim bẩm sinh và các bệnh mạn tính gây ra nên không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, một số thay đổi tích cực về lối sống mà bạn có thể áp dụng để giúp duy trì sức khỏe tim mạch tốt và hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

    • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho tim tại đây
    • Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn
    • Đảm bảo mức cân nặng hợp lý
    • Không hút thuốc hoặc sử dụng ma túy, chất kích thích
    • Dùng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ để điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng
    • Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm
    • Kiểm soát các tình trạng như huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao và các vấn đề về thận
    • Khám nha sĩ 6 tháng một lần và duy trì sức khỏe răng miệng tốt để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
    • Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm họng liên cầu khuẩn, hãy đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời và ngăn ngừa sốt thấp khớp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 12/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo