backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm màng ngoài tim co thắt là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/03/2023

Viêm màng ngoài tim co thắt là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm màng ngoài tim co thắt là một tình trạng tim mạch nghiêm trọng, có thể dẫn đến suy tim cấp tính, nhưng rất ít người biết đến. Bệnh có khả năng phục hồi nếu được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng cách. Phẫu thuật cắt màng ngoài tim có khả năng giúp chữa khỏi bệnh, cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể nhé!

Tìm hiểu chung

Viêm màng ngoài tim co thắt là gì?

Màng ngoài tim là một lớp xơ có cấu trúc dạng túi bao bọc bên ngoài thành tim. Bên cạnh tác dụng như một hàng rào bảo vệ, màng ngoài tim còn tham gia vào việc duy trì tính ổn định về mặt huyết động của tim.

Viêm màng ngoài tim co thắt là tình trạng lớp màng ngoài tim trở nên dày lên, thậm chí hóa sẹo, làm mất tính đàn hồi của màng ngoài tim. Hệ quả là khiến tim khó giãn ra để đổ đầy máu vào tâm thất.

Viêm màng ngoài tim co thắt có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Suy tim trái hoặc phải
  • Tràn dịch màng phổi một hoặc cả hai bên
  • Gan to, cổ trướng kèm rối loạn tiêu hóa như ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu
  • Suy thận
  • Màng ngoài tim dày hơn, sẹo và co cứng, mất hẳn đi tính đàn hồi, thắt chặt tim
  • Sốc, tụt huyết áp
  • Suy giảm khả năng gắng sức hoặc đột tử nếu không cứu chữa kịp thời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng ngoài tim co thắt

triệu chứng viêm màng ngoài tim co thắt

Khi bạn bị viêm màng ngoài tim co thắt, tình trạng viêm sẽ làm cho màng tim trở nên dày và cứng. Điều này làm giảm thể tích cuối thì tâm trương của tim, tức là tim khó giãn ra đúng cách để nhận đủ thể tích máu trước khi bơm vào tuần hoàn cơ thể trong nhát bóp tiếp theo. Kết quả là dòng tuần hoàn bị ứ trệ về phía sau tim (gan, hệ thống tĩnh mạch), gây sưng phù ngoại biên và kèm theo các triệu chứng khác của bệnh suy tim.

Các triệu chứng của viêm màng ngoài tim co thắt kéo dài bao gồm:

  • Khó thở tăng dần, giảm khả năng gắng sức theo thời gian
  • Mệt mỏi, vô lực
  • Sưng, phù nề chân và mắt cá chân
  • Gan to
  • Bụng to cổ trướng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim co thắt là gì?

Hầu hết các nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim co thắt là do những tác động có thể gây ra phản ứng viêm phát triển trên lớp màng xung quanh tim, chẳng hạn như:

  • Bệnh lao là nguyên nhân phổ biến nhất ở các nước đang phát triển
  • Vô căn hoặc sau nhiễm virus chiếm 40 – 60% các trường hợp viêm màng ngoài tim co thắt ở các nước phát triển.
  • Sau phẫu thuật tim
  • Xạ trị vào vùng ngực
  • Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống

nguyên nhân gây ra viêm màng ngoài tim co thắt

Các nguyên nhân ít phổ biến khác bao gồm:

  • Tràn dịch màng tim, điều này có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc do biến chứng của phẫu thuật.
  • U trung biểu mô.
  • Hội chứng ure huyết cao, nhiễm độc tố…

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán viêm màng ngoài tim co thắt?

Viêm màng ngoài tim co thắt rất khó chẩn đoán. Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu thường dễ nhầm lẫn với những tình trạng bệnh lý khác như bệnh về cơ tim hoặc bị chèn ép tim. Vì vậy, bác sĩ có thể cần thực hiện nhiều bước để cho chẩn đoán chính xác nhất.

Bước khám sức khỏe ban đầu có thể thấy tĩnh mạch cổ nổi, chứng tỏ áp lực xung quanh tim tăng lên. Bên cạnh đó, việc nghe tim có thể nghe thấy tiếng tim mờ và tiếng đóng van hai lá, van ba lá đanh hơn vào cuối thì tâm trương. Ngoài ra, đôi khi khám thấy vùng gan sưng nề và có tụ dịch ở vùng bụng.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiến hành các xét nghiệm sau đây:

  • Chụp MRI ngực
  • Chụp CT ngực
  • Chụp X-quang ngực
  • Chụp mạch vành hoặc thông tim
  • Điện tâm đồ phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý màng ngoài tim
  • Siêu âm tim.

Những phương pháp điều trị viêm màng ngoài tim co thắt

chẩn đoán và điều trị viêm màng ngoài tim co thắt

Mục tiêu của việc điều trị viêm màng ngoài tim co thắt là giúp mau chóng cải thiện chức năng tim. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, việc điều trị có thể bao gồm thuốc chống viêm không steroid NSAIDs, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh lao, dẫn lưu dịch màng tim hoặc các phương pháp can thiệp khác.

Đối với một số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng với liều lượng nhỏ và chế độ ăn ít muối sẽ giúp giảm triệu chứng và ngăn bệnh trở nặng. Cách thức nội khoa này cũng dùng cho bệnh nhân nặng nhưng không muốn hoặc không thể phẫu thuật.

Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có huyết động không ổn định, chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ màng tim hay ít nhất là mở cửa sổ màng tim cần thực hiện ngay lập tức.

Nhìn chung, phẫu thuật cắt màng ngoài tim chỉ được chỉ định nếu các phương pháp điều trị khác không kiểm soát được bệnh. Đây cũng là biện pháp duy nhất có thể xử trí dứt điểm tình trạng viêm màng ngoài tim co thắt mãn tính. Bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ sẹo một phần hay càng nhiều màng ngoài tim càng tốt. Tuy nhiên, phẫu thuật trên tim thường phải được cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích và nguy cơ biến chứng đi kèm.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm màng ngoài tim co thắt?

Trong một số trường hợp, viêm màng ngoài tim co thắt không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, tiêm phòng lao, phòng ngừa và điều trị dứt điểm các bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, bệnh tự miễn, khối u có thể giúp hạn chế rất nhiều nguy cơ.

Nếu đã mắc bệnh, bạn nên ăn một chế độ ăn ít muối (natri), tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn để đảm bảo bệnh luôn được kiểm soát tốt.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 30/03/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo