Những đường ngoằn ngoèo hoặc những khối gồ màu xanh hoặc tím mà bạn nhìn thấy trên da vùng cẳng chân, bàn chân hoặc mắt cá chân rất có thể là triệu chứng suy giãn tĩnh mạch. Nếu không nhận biết và điều trị kịp thời, đây không còn đơn thuần là vấn đề về thẩm mỹ mà tiềm tàng nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Vậy, dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch là gì? Cùng tìm hiểu xem liệu có phải bạn đang gặp tình trạng này hay không nhé!
Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch phổ biến
Nổi gân xanh hoặc tím
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân dễ nhận biết nhất là tĩnh mạch bị giãn sẽ biểu hiện bằng các đường gân xanh hoặc tím trên da. Các tĩnh mạch này sẽ bị xoắn lại và sưng phồng lên, giống như dây thừng nổi trên da. Tình trạng này thường xuất hiện ngay dưới bề mặt da ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân. Các tĩnh mạch giãn có thể tiến triển nặng hơn và phát triển thành đám rối.
Triệu chứng giãn tĩnh mạch hình mạng nhện
Tĩnh mạch hình mạng nhện bao quanh các tĩnh mạch giãn, là những đường màu đỏ hoặc xanh lam, thường mỏng và nhỏ hơn các tĩnh mạch giãn. Tĩnh mạch mạng nhện có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng thường dễ nhận biết là gần bề mặt da ở chân, sau đầu gối, trên bàn chân.
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch là nhức chân hay cảm giác nặng chân
Bạn cũng có thể nhận thấy dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch là các cơ bắp ở chân trở nên mệt mỏi, nặng nề hoặc dần dần chậm chạp hơn, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất.
Đau nhức
Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân còn là cảm giác đau nhức, đặc biệt là phía sau đầu gối. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau khi bạn ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài.
Bạn cũng có thể bị các cơn chuột rút cơ bắp ở cẳng chân, đặc biệt là vào ban đêm. Cảm giác khó chịu này có thể khiến bạn trằn trọc và mất ngủ.
Sưng bàn chân và mắt cá chân
Mắt cá chân và bàn chân có thể sưng lên, nóng rát và đau nhói.
Da khô và ngứa
Vùng da xung quanh khu vực bị giãn tĩnh mạch có thể trở nên khô, ngứa và mỏng hơn.
Thay đổi màu da xung quanh tĩnh mạch giãn
Giãn tĩnh mạch nghiêm trọng khiến hồi lưu máu hạn chế và có thể gây sưng nhẹ mô liên kết dưới da trong thời gian dài, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn về da và mô, chẳng hạn như vết loét trên da chậm lành.
Thông thường, triệu chứng suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở phần nửa dưới của cơ thể, thường là từ bắp chân, mắt cá chân và bàn chân. Tuy nhiên, chúng cũng có thể phát triển ở vùng xương chậu (hội chứng xung huyết vùng chậu), đặc biệt ở những phụ nữ đã sinh con. Giãn tĩnh mạch ở tinh hoàn (hay còn được gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh) còn có thể dẫn đến vô sinh.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch thường nghiêm trọng hơn khi bạn phải làm công việc đứng lâu trong thời gian dài. Tuy nhiên, triệu chứng bệnh có thể cải thiện khi bạn đi bộ nhẹ nhàng hoặc nếu bạn nghỉ ngơi và nâng cao chân.
Bạn có thể quan tâm: Tư thế ngủ cho người suy giãn tĩnh mạch và mẹo để ngủ ngon hơn
Mặc dù chứng giãn tĩnh mạch thường không nghiêm trọng và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về việc giãn tĩnh mạch trông mất thẩm mỹ và cảm thấy không thoải mái, hoặc các biện pháp chăm sóc tại nhà không hiệu quả thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
Bạn cũng nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có các dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch chân nghiêm trọng sau đây:
- Đau nhức, khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm
- Chảy máu
- Da bị đổi màu
- Đau, đỏ hoặc nóng khi chạm vào
- Tĩnh mạch sưng lên.
Đối với hầu hết mọi người, triệu chứng suy giãn tĩnh mạch không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thay đổi lối sống và các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể làm giảm nhẹ triệu chứng, ngăn chúng trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn có thể cần thăm khám, áp dụng các phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, an toàn để giúp giảm đau và cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng vận động hằng ngày.
[embed-health-tool-heart-rate]