Nếu một hoặc nhiều van tim trong cơ thể bị hở hoặc rò rỉ, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây thêm căng thẳng cho tim. Điều này gây ra các triệu chứng hở van tim như mệt mỏi, khó thở. Theo thời gian, tình trạng hở van tim có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ…
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách nhận biết sớm triệu chứng của hở van tim để kịp thời điều trị nhằm ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm nhé!
Có 4 van tim giữ nhiệm vụ giúp máu trong cơ thể lưu thông đúng hướng, bao gồm:
- Van 2 lá nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái (buồng tim bên trái), giúp kiểm soát dòng chảy của máu từ tâm nhĩ trái đến tâm thất trái.
- Van 3 lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải (buồng tim bên phải), kiểm soát dòng chảy của máu từ tâm nhĩ phải sang tâm thất phải.
- Van động mạch phổi nằm giữa tâm thất phải và động mạch đưa máu đến phổi (động mạch phổi), chịu trách nhiệm dẫn máu giàu oxy từ tim đến phổi.
- Van động mạch chủ ngăn cách tâm thất trái và động mạch chính cung cấp máu giàu oxy cho cơ thể (động mạch chủ).
Hở van tim là tình trạng mà 1 trong 4 van tim không đóng hoàn toàn, cho phép máu rò rỉ ngược trở lại qua van, vào buồng tim phía trước. Nếu tình trạng rò rỉ nghiêm trọng, lưu lượng máu di chuyển qua tim để đến phần còn lại của cơ thể sẽ bị giảm. Kết quả là, tim khó bơm máu hiệu quả như bình thường khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi hoặc khó thở.
Các triệu chứng hở van tim
Hở van tim nhẹ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, triệu chứng bệnh hở van tim có thể phát triển nhanh chóng và đột ngột. Mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân.
Các triệu chứng hở van tim cũng sẽ khác nhau tùy vào loại van cụ thể bị hở, chẳng hạn như: hở van 2 lá, hở van 3 lá, hở van động mạch chủ hay hở van động mạch phổi.
Cụ thể như sau:
1. Khó thở
Khó thở thường là triệu chứng hở van tim đầu tiên mà bệnh nhân có thể dễ dàng nhận biết nhất. Tình trạng khó thở thường xảy ra khi bạn đang hoạt động như tập thể dục hoặc thậm chí ngay cả khi nằm xuống nghỉ ngơi.
2. Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim)
Cách nhận biết hở van tim đơn giản nhất chính là cảm nhận nhịp tim. Sự gia tăng kích thước của buồng tim và áp lực do máu chảy ngược qua van có thể gây ra rối loạn nhịp tim. Nhịp tim không đều cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng tim và dẫn đến đột quỵ trong tương lai.
3. Triệu chứng hở van tim: Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Khi lượng máu chảy từ tim đến các bộ phận khác trên cơ thể bị giảm sút do rò rỉ ngược qua van tim bị hở, người bệnh sẽ thường xuyên có dấu hiệu bệnh hở van tim là chóng mặt và ngất xỉu. Nguyên nhân là do không có đủ máu giàu oxy cung cấp cho cơ thể để thực hiện các hoạt động sống như bình thường.
4. Đau tức ngực
Bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực (đau thắt ngực), khó chịu hoặc căng tức ở ngực. Biểu hiện của hở van tim này thường tăng lên khi vận động.
5. Sưng bụng, sưng mắt cá chân hoặc bàn chân (phù nề)
Triệu chứng hở van tim này thường xảy ra khi lưu lượng máu chảy đến các phần khác trên cơ thể bị rối loạn, dẫn đến chất lỏng tích tụ quá nhiều ở mắt cá chân hoặc bàn chân. Sưng ở bụng cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy gan đang nhận quá nhiều máu, khiến gan sưng lên và hoạt động không hiệu quả. Điều này có thể gây ra vàng da hoặc vàng lòng trắng của mắt.
6. Tim đập nhanh là triệu chứng hở van tim
Bạn có thể cảm giác như tim đập nhanh, đập mạnh hoặc rung rinh như đánh trống trong ngực. Ngoài ra, bác sĩ khi thăm khám cũng có thể cảm thấy mạch đập mạnh bất thường ở cổ hoặc gần gan. Điều này thường xảy ra với các trường hợp hở van tim nặng.
8. Mệt mỏi và suy nhược
Mệt mỏi là một triệu chứng hở van tim phổ biến nhưng không đặc hiệu. Bệnh nhân thường cảm thấy kiệt sức trong một thời gian dài (vài ngày hoặc lâu hơn) và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Mệt mỏi do hở van tim thường rất khác cảm giác mệt mỏi thông thường. Đặc biệt, triệu chứng mệt mỏi do hở van tim có thể tăng lên khi bạn tăng mức độ hoạt động.
9. Tiếng thổi tim
Bác sĩ khi thăm khám bằng ống nghe để lắng nghe âm thanh tim thường có thể nghe thấy tiếng thổi của tim. Tiếng thổi tim là âm thanh cho thấy sự bất thường của dòng máu đang chảy hỗn loạn qua van tim. Đây cũng có thể là triệu chứng hở van tim cho thấy tim đang hoạt động không hiệu quả.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn nhận thấy một trong số các triệu chứng hở van tim vừa đề cập ở trên hoặc một vấn đề khác với tim, gây cản trở các hoạt động bình thường trong cuộc sống, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay lập tức.
Hãy gọi cấp cứu ngay khi có những triệu chứng sau:
- Đau ngực dữ dội
- Các triệu chứng của sốc, chẳng hạn như tụt huyết áp, da nhợt nhạt, mất ý thức hoặc thở nhanh
- Khó thở nghiêm trọng
- Chóng mặt bất ngờ hoặc không rõ nguyên nhân, choáng váng hoặc ngất xỉu.
Nếu triệu chứng hở van tim ở mức độ nhẹ, bạn có thể không cần điều trị. Bác sĩ thường sẽ đề nghị tái khám và xét nghiệm định kỳ để theo dõi xem tim của bạn hoạt động tốt như thế nào. Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm tổn thương tim. Hở van tim nặng có thể được chỉ định phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van tim.
Sau khi đã phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van tim, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:
- Có dấu hiệu nhiễm trùng tại vị trí vết mổ, bao gồm sưng, đỏ hoặc chỗ vết mổ có cảm giác nóng khi chạm vào.
- Có dấu hiệu của cơn đau tim hoặc đột quỵ.
- Đang dùng thuốc làm loãng máu và bị ngã hoặc bị thương.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hở van tim có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn, dẫn đến suy tim và tử vong (đặc biệt là ở những người trên 70 tuổi). Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu hở van tim để điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.
[embed-health-tool-heart-rate]