backup og meta

Suy tim phải

Suy tim phải

Hội chứng suy tim phải dù tỷ lệ mắc bệnh không phổ biến như suy tim trái nhưng cũng gây ra nhiều tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh. Thậm chí, suy tim phải vẫn có nguy cơ dẫn đến suy tim cấp, có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt.

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến suy tim phải để giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như biện pháp điều trị hiệu quả tình trạng này.

Tìm hiểu chung

Hội chứng suy tim phải là gì?

Suy tim phải được mô tả là tình trạng thay đổi cấu trúc và/hoặc suy giảm chức năng của buồng tim bên phải. Một số nguyên nhân xảy ra khiến cho quá trình bơm máu đến phổi của tâm thất phải trở nên khó khăn, đòi hỏi công co bóp nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài sau một khoảng thời gian, thất phải sẽ suy yếu dần và hoạt động không hiệu quả.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng suy tim phải

Khi buồng thất phải không còn đảm bảo chức năng bơm máu vào vòng tuần hoàn phổi, máu tĩnh mạch sẽ bị ứ trệ và gây ra các triệu chứng sung huyết tại các cơ quan. Trong đó, phù là triệu chứng thường gặp nhất với nhiều cách biểu hiện khác nhau. Phù đầu tiên thường xảy ra ở mu chân, mắt cá chân và lan dần lên cẳng chân, đầu gối. Đặc điểm phân biệt phù do ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch trong suy tim phải là phù mềm ấn lõm. Nếu suy tim nặng hơn, người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng ứ đọng dịch trong ổ bụng, quanh gan gây ra đau tức hạ sườn phải, chán ăn, bụng to cổ trướng. Khi dịch ứ đọng trong màng phổi sẽ gây tràn dịch màng phổi.  

Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác cũng do ứ trệ tuần hoàn trong suy tim phải như:

  • Thở khò khè, khó thở, mệt mỏi; triệu chứng này ban đầu sẽ tăng lên khi người bệnh nằm đầu thấp. Sau đó, triệu chứng có thể nặng hơn khi vận động hay thậm chí khó thở liên tục cả khi nghỉ ngơi.
  • Môi và ngón tay hơi xanh (tím tái)
  • Ho khan khi nằm đầu thấp hay ho về đêm

Hãy đi khám ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây:

  • Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh bất thường, hồi hộp, đánh trống ngực.
  • Có thể ngất xỉu, suy nhược cơ thể nghiêm trọng.
  • Tức ngực, cảm giác khó chịu ở phía trước ngực.
  • Ho, khò khè có đờm bọt hồng.
  • Trẻ em bị viêm phổi tái đi tái lại hay bỏ bú, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng

Triệu chứng của hội chứng suy tim phải

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây suy tim phải là gì?

Cấu trúc của tim gồm có 4 buồng theo giải phẫu lẫn chức năng là tâm thất trái – phải, tâm nhĩ trái – phải. Hai tâm nhĩ nằm trên, hai tâm thất nằm dưới. Tâm nhĩ trái lấy máu giàu oxy từ phổi, chuyển xuống tâm thất trái để buồng tim này bơm máu vào động mạch chủ đến các mô trong cơ thể, sau khi mô lấy oxy và dưỡng chất, máu sẽ theo hệ thống tĩnh mạch trở về tim. Tâm nhĩ phải nhận máu từ hệ tĩnh mạch, đưa xuống tâm thất phải để bơm lên phổi, thực hiện trao đổi khí. Sự hoạt động của 4 buồng tim tạo thành 2 vòng tuần hoàn khép kín trong cơ thể và hoạt động song song nhau trong cùng một chu chuyển tim.

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy tim phải là hệ quả của suy tim trái tiến triển. Điều này được giải thích do khi khả năng bơm máu của tâm thất trái không hiệu quả, máu giàu oxy bị ứ đọng trong phổi, làm gia tăng áp lực tại phổi. Vì vậy, tâm thất phải càng gặp khó khăn khi tống máu lên phổi. Khi đó, buồng tim bên phải cần tăng công co bóp để duy trì chức năng bơm máu hiệu quả. Theo thời gian lâu dần, thành cơ tim bên phải giãn lớn và chức năng bị suy yếu không hồi phục.

Ngoài ra, những vấn đề về phổi hay tình trạng bất thường tim mạch khác cũng góp phần gây suy tim phải. Gồm có:

  • Bệnh lý mạch máu phổi cấp tính hay mạn tính: Bao gồm thuyên tắc phổi cấp và các vấn đề gây tăng áp lực trong mạch máu phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi). Khi tình trạng huyết áp cao trong động mạch phổi xảy ra, tâm thất phải gắng sức để vượt qua lực cản này, đưa máu đến hệ tuần hoàn phổi một cách hiệu quả. Tình trạng gắng sức này kéo dài có thể gây ra suy tim.
  • Tắc nghẽn trên động mạch phổi: Hẹp van động mạch phổi hay hẹp động mạch phổi sẽ ngăn cản dòng máu đi ra từ tâm thất phải, giảm công suất của tâm thất phải tương tự như bệnh phổi mạn tính.
  • Bệnh động mạch vành: Sự tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu cho tim khiến cơ tim không có đủ oxy và dinh dưỡng để làm việc hiệu quả. Bệnh mạch vành thường gây suy tim trái trước, sau đó dẫn đến hệ quả là hội chứng suy tim phải hoặc trực tiếp gây ra hội chứng suy tim phải từ đầu nếu vị trí tắc nghẽn nằm ở phần cơ tim bên phải, thường gặp là nhồi máu thất phải cấp.
  • Hẹp van ba lá: Đây là lá van nối giữa tâm nhĩ và tâm thất phải. Hẹp van hay bất thường cấu trúc van khiến lưu lượng máu đi ra khỏi tâm nhĩ phải bị hạn chế, máu ứ đọng khiến buồng tim này giãn ra, cơ tim suy yếu.
  • Hở van ba lá: Van ba lá đóng không kín sau mỗi kỳ bơm máu khiến cho máu từ tâm thất phải bị chảy ngược về tâm nhĩ phải. Tình trạng này làm thể tích tâm thất phải mau chóng bị quá tải, lâu dài sẽ gây giãn và suy thất phải.
  • Viêm màng ngoài tim co thắt: Phản ứng viêm kéo dài hoặc lặp đi lặp lại liên tục khiến lớp màng bao quanh tim trở nên cứng và dày lên bất thường. Do tim không thể giãn lớn như bình thường để chứa và bơm máu, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến công suất của tim.
  • Thông liên thất: Là một dị tật tim bẩm sinh, trong đó vách ngăn không hoàn thiện khiến cho dòng máu có thể thông thương trực tiếp từ tâm thất trái sang tâm thất phải và ngược lại. Nếu lỗ thông liên thất nhỏ, tim phải còn dung nạp được lượng máu tăng thêm. Tuy vậy, khi kích thước lỗ thông quá lớn, thông liên thất sẽ dẫn tới suy tim phải.
  • Rối loạn nhịp tim: Tim đập quá nhanh hoặc quá chậm cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động bơm máu trong cơ thể. Do đó, nếu không được điều trị thích hợp, tim có thể bị suy yếu theo thời gian.
  • Một số bệnh lý khác: huyết khối mạn tính trong mạch máu phổi, giãn phế quản nặng, chứng ngưng thở khi ngủ,…

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp dưới đây không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của các chuyên viên y tế trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ mỗi lần thăm khám.

Những phương tiện cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán hội chứng suy tim phải?

Chẩn đoán suy tim phải thường là sự kết hợp của quá trình thăm khám triệu chứng cùng với chỉ định các cận lâm sàng cần thiết như sau:

  • Siêu âm tim
  • Điện tâm đồ
  • Chụp X quang ngực, CT ngực
  • Công thức máu
  • Xét nghiệm máu để đo lường peptide natri lợi niệu (BNP), một loại protein trong máu sẽ tăng lên nếu có tình trạng suy tim
  • Đo lượng oxy trong máu bằng cách kiểm tra khí máu động mạch (ABG)
  • Các kỹ thuật chẩn đoán xâm lấn: Thông tim phải, sinh thiết phổi (hiếm khi được thực hiện) và kiểm tra chức năng phổi bằng chụp thông khí và tưới máu phổi (chụp V/Q), xét nghiệm bệnh phổi tự miễn.

Điều trị hội chứng suy tim phải

Những phương pháp điều trị suy tim phải

Hội chứng suy tim phải thông thường là một tình trạng mạn tính, cần phải điều trị nội khoa lâu dài. Mục tiêu điều trị là kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn bệnh tiến triển, hạn chế các biến chứng và đồng thời cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, một số ít trường hợp là suy tim phải cấp tính, như hậu quả của thuyên tắc phổi hay nhồi máu thất phải cấp tính, việc điều trị đôi khi cần đòi hỏi các biện pháp can thiệp. Hơn nữa, khi suy tim phải do bất thường cấu trúc trong tim như thông liên thất, chỉ định phẫu thuật đôi khi có thể cần phải được đặt ra.

Tùy theo nguyên nhân suy tim phải, bệnh lý đi kèm, mức độ tiến triển bệnh mà phác đồ điều trị sẽ khác biệt giữa từng bệnh nhân.

Hầu hết bệnh nhân đều được dùng thuốc để cải thiện tình trạng suy tim và làm giảm triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu giúp mau chóng đào thải lượng dịch dư thừa trong cơ thể, giảm nhẹ tình trạng phù sung huyết do suy tim phải. 
  • Các thuốc ức chế men chuyển hay chẹn thụ thể angiotensin và nitrat tác dụng kéo dài có tác dụng giãn mạch rất hiệu quả trong việc hạ huyết áp, giảm tải gánh nặng cho tim. 
  • Thuốc chống đông máu ngăn ngừa nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Digoxin được chỉ định để tăng cường sức co bóp của tế bào cơ tim khi suy tim phải nặng và làm chậm nhịp tim.
  • Nhóm thuốc chẹn thụ thể beta có thể chỉ định khi cần hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng rối loạn nhịp tim.

Ngoài ra, một số bệnh nhân cần được phẫu thuật nong mạch vành với stent hoặc bắc cầu động mạch vành nếu nguyên nhân của hội chứng suy tim phải là do bệnh mạch vành nặng.

Cuối cùng, khi điều trị nội khoa đơn thuần không còn giúp giảm nhẹ triệu chứng và ngăn suy tim phải tiến triển nữa thì phẫu thuật cấy máy khử rung tim, liệu pháp tái đồng bộ tim, thiết bị trợ giúp tâm thất; thậm chí ghép tim và/hoặc ghép phổi có thể được thực hiện.

Mỗi bệnh nhân suy tim nên tránh các hoạt động gắng sức quá mức có thể làm tình trạng bệnh trở nên xấu hơn, ăn nhạt, cân bằng nước xuất nhập hằng ngày, ít đường, cắt giảm mỡ và nội tạng động vật, phụ nữ không nên có thai khi tình trạng suy tim chưa ổn định.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hội chứng suy tim phải?

Bất kỳ ai cũng có khả năng là đối tượng của chứng suy tim phải. Tuy nhiên, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bệnh bằng một số cách sau:

  • Hạn chế lượng muối ăn hằng ngày, mỡ và nội tạng động vật,… Tăng cường rau xanh, trái cây và các loại cá,…
  • Không uống nhiều bia rượu, cà phê và các chất kích thích khác.
  • Không hút thuốc, bởi vì hút thuốc lá có thể gây ra bệnh phổi mạn tính.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần, mỗi năm nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin như cúm, viêm phổi,…

Người mắc phải hội chứng suy tim phải vẫn có cơ hội sống và sinh hoạt như người bình thường khi được kiểm soát tốt, giảm tỷ lệ biến chứng nếu được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị thích hợp. Chính vì vậy, đừng trì hoãn việc thăm khám tại chuyên khoa tim mạch khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào.

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cor Pulmonale (Right-sided heart failure). https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/cor-pulmonale. Ngày truy cập 15/07/2021

Right-Sided Heart Failure. https://www.umcvc.org/health-library/tx4093abc#tx4093abc-sec. Ngày truy cập 15/07/2021

Giải phẫu sinh lý hệ tuần hoàn http://viendongnama.edu.vn/upload/images/pdf/5.%20GPSL%20tuanhoan_25082017.pdf Ngày truy cập 16/07/2021

Types of Heart Failure https://www.heart.org/en/health-topics/heart-failure/what-is-heart-failure/types-of-heart-failure Ngày truy cập 16/07/2021

Congestive cardiac failure https://radiopaedia.org/articles/congestive-cardiac-failure Ngày truy cập 16/07/2021

Heart failure https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/symptoms-causes/syc-20373142 Ngày truy cập 16/07/2021

Phiên bản hiện tại

30/03/2023

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: [email protected]


Bài viết liên quan

[Hỏi đáp cùng bác sĩ] Bệnh suy tim có chữa được không?

Biến chứng suy tim: Làm sao để ngăn ngừa?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 30/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo