Theo ước tính, tại Việt Nam, có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc bệnh suy tim. Đây là một căn bệnh nguy hiểm và ngày càng trở nên phổ biến. Nếu phát hiện suy tim độ 1, tức là ở giai đoạn sớm và bệnh còn nhẹ thì việc làm chậm diễn tiến của bệnh và điều trị sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Suy tim là một căn bệnh mạn tính khá phức tạp và nếu không được kiểm soát tốt, chức năng co bóp của tim sẽ nhanh chóng suy giảm và không thể phục hồi được, làm gia tăng nguy cơ tử vong. Vậy, người bị suy tim độ 1 nên làm gì để bệnh không trở nặng? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm hiểu nhé!
Suy tim độ 1 là gì?
Theo phân loại của Hiệp hội Tim mạch New York, suy tim chia thành 4 cấp độ dựa theo mức độ của triệu chứng và khả năng vận động của bệnh nhân. Trong đó, suy tim độ 1 là nhẹ nhất, không giới hạn hoạt động thể chất. Người bệnh vẫn có thể vận động như bình thường mà không xuất hiện các dấu hiệu của suy tim như tim đập nhanh, khó thở, mệt mỏi khi hoạt động gắng sức.
Đây là giai đoạn khó phát hiện bệnh nhất bởi triệu chứng chưa hình thành rõ ràng. Người bệnh chỉ vô tình được chẩn đoán khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch khác.
Vì vậy, hãy luôn theo dõi sức khỏe tim mạch tổng thể, đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao bị suy tim như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh động mạch vành, có tiền sử bị sốt thấp khớp, gia đình có người thân mắc bệnh cơ tim, từng uống nhiều rượu hoặc sử dụng các loại thuốc có thể làm tổn thương cơ tim (chẳng hạn như thuốc điều trị ung thư)…
Người bị suy tim độ 1 nên làm gì?
Tuy bệnh suy tim không thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng việc phát hiện sớm bệnh từ suy tim độ 1 và có chế độ chăm sóc sức khỏe phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Vì vậy, người bệnh nên:
Quan tâm đến chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng có thể giúp giữ gìn một trái tim khỏe mạnh và nâng cao sức khỏe tổng thể. Nguyên tắc là ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường bổ sung kali, giảm muối và hạn chế những thức ăn có chứa nhiều cholesterol. Hãy:
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu tinh bột, chẳng hạn như khoai tây, bánh mì, gạo hoặc mì ống…
- Bổ sung protein từ một số loại đậu, cũng như ăn đa dạng thịt, cá, trứng, sữa và các nguồn giàu protein khác.
- Bổ sung nhiều rau củ quả tươi mà đặc biệt là rau ăn lá, trái cây tươi.
- Sử dụng dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và bơ thực vật.
- Hạn chế các món ăn và thực phẩm chứa nhiều natri (trong muối ăn, đồ đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn), đường, bột ngọt, chất béo động vật (mỡ, da, nội tạng động vật…)
- Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước uống có ga…
- Ưu tiên các dạng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Nên luộc, hấp nhiều hơn là chiên, xào.
- Tránh ăn quá no và có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày ra thành nhiều bữa, tránh ăn quá nhiều trong một bữa. Bữa ăn cuối cùng nên trước giờ đi ngủ ít nhất 2 giờ.
Thay đổi lối sống
Ngoài quan tâm đến chế độ ăn uống, người bị suy tim độ 1 cũng nên áp dụng một lối sống lành mạnh, bao gồm:
- Luyện tập thể dục đều đặn và vừa sức mỗi ngày ít nhất 30 phút, ưu tiên các bài nhẹ nhàng, vừa sức như đi bộ, đạp xe,… để thúc đẩy lưu thông máu huyết và tăng cường chức năng tim.
- Ngừng rượu bia, bỏ hút thuốc lá và không sử dụng ma túy bởi nó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của tim, giảm khả năng co bóp của cơ tim và gây rối loạn nhịp tim.
- Cân bằng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể để tránh việc phù và giữ nước.
- Kiểm soát căng thẳng và nghỉ ngơi điều độ.
- Nếu bạn bị thừa cân thì hãy giảm cân bằng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.
Thay đổi lối sống đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh suy tim, góp phần làm chậm diễn tiến của bệnh và phòng ngừa biến chứng.
Điều trị các bệnh có thể dẫn đến biến chứng suy tim
Nếu người bị suy tim độ 1 có một số yếu tố nguy cơ, dễ khiến suy tim trở nặng hoặc gây ra biến chứng thì phải được điều trị bằng thuốc. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường, béo phì, hội chứng chuyển hóa, sử dụng thuốc độc với tim hoặc tiền sử gia đình bị bệnh cơ tim.
Nhiều loại thuốc với công dụng khác nhau có thể được bác sĩ kê đơn để giúp giảm nhẹ triệu chứng suy tim, điều trị các bệnh lý đi kèm và phòng ngừa bệnh trở nặng. Chúng bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE-I) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) nếu bạn bị bệnh mạch máu, bệnh thận mạn hoặc đái tháo đường.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp.
- Kiểm soát hội chứng chuyển hóa.
- Thuốc hạ mỡ máu, phổ biến nhất là nhóm statin.
Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị bằng việc uống đủ liều, đúng giờ. Không được tự ý giảm liều hay ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Suy tim độ 1 không phải là một tình trạng quá đáng sợ. Chỉ cần thay đổi lối sống, quan tâm đến chế độ ăn uống và tuân thủ điều trị bệnh nguyên thì có thể ngăn chặn bệnh tiến triển sang mức độ nặng hơn, đồng thời, sống khỏe mạnh với bệnh lý này trong thời gian dài.
[embed-health-tool-heart-rate]