backup og meta

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Bạn có thể biết rằng nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường là từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Tuy nhiên, nhịp tim của bạn đo được chỉ khoảng 45 đến 48 nhịp mỗi phút thì có nên lo lắng không? Nhịp tim chậm có nguy hiểm không? Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!

Nhịp tim chậm là gì?

Tim của một người trưởng thành khỏe mạnh khi nghỉ ngơi thường đập từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Bạn được chẩn đoán là nhịp tim chậm khi tim đập chậm hơn 60 nhịp mỗi phút.

Nguyên nhân gây nhịp tim chậm bao gồm:

  • Các vấn đề với nút xoang nhĩ (SA), bộ phận tạo nhịp tim tự nhiên của tim
  • Suy giáp (Tuyến giáp hoạt động kém)
  • Tổn thương tim do lão hóa, bệnh tim hoặc đau tim
  • Tình trạng viêm lớp lót bên trong tim (viêm nội tâm mạc), viêm cơ tim hoặc bao màng ngoài tim và đệm cho tim (viêm màng ngoài tim)
  • Dùng một số loại thuốc như thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc an thần, thuốc phiện, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim và một số bệnh lý tâm thần khác
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Biến chứng từ phẫu thuật tim
  • Sự mất cân bằng các chất điện giải trong máu, chẳng hạn như kali hoặc canxi
  • Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường dẫn khí
  • Bệnh lý viêm nhiễm, chẳng hạn như sốt thấp khớp hoặc bệnh lupus…

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?

Tùy vào triệu chứng

Câu trả lời là CÓ. Tình trạng này có thể nguy hiểm nếu nó khiến tim bạn không bơm đủ máu giàu oxy để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu lưu lượng máu đến tim và các cơ quan khác không đủ, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Đau ngực
  • Khó thở, hụt hơi
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Ngất xỉu
  • Mệt mỏi hoặc cảm thấy yếu sức
  • Dễ bị mệt mỏi khi tập thể dục
  • Lú lẫn, khó tập trung hoặc gặp các vấn đề về trí nhớ.
Nhiều thứ có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của nhịp tim chậm. Điều quan trọng là bạn cần phải được chẩn đoán nhanh chóng và điều trị phù hợp. Hãy đến gặp bác sĩ nếu tình trạng nhịp tim chậm gây ra triệu chứng. Nếu bạn ngất xỉu, khó thở hoặc đau ngực kéo dài hơn vài phút, hãy gọi cấp cứu.

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không? Đôi khi, nhịp tim chậm không gây ra bất kỳ triệu chứng hoặc biến chứng nào. Đối với nhiều người, tình trạng này không gây ra triệu chứng và không phải là vấn đề, đặc biệt là khi bạn có thể trạng rất tốt.

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe

Nhịp tim chậm có nguy hiểm không tùy vào độ tuổi

Câu trả lời là KHÔNG với những trường hợp sau đây:

Nhịp tim chậm có thể xảy ra mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi và năng động về mặt thể chất, cũng như có thể trạng rất tốt. Nhịp tim chậm trong trường hợp này xảy ra là vì tim của họ hoạt động hiệu quả hơn.

Các vận động viên và những người có thể trạng tốt, cũng như thường xuyên tập thể dục sẽ có nhịp tim thấp hơn mức trung bình, thậm chí dưới 40 nhịp mỗi phút khi ngủ. Tập thể dục giúp tăng cường cơ tim, cho phép tim bơm một lượng máu lớn hơn trong mỗi nhịp đập. Nhiều oxy hơn được cung cấp cho các cơ nên tim cần đập ít lần hơn. Đó là lý do mà người có thể trạng tốt sẽ có nhịp tim chậm hơn so với người thể trạng kém.

Bên cạnh đó, nhịp tim khi nghỉ ngơi thường trong khoảng từ 40 đến 60 nhịp một phút cũng là tình trạng khá phổ biến.

Ngoài ra, người cao tuổi cũng thường có nhịp tim chậm hơn so với người trẻ tuổi.

Nhìn chung, nhịp tim khi nghỉ ngơi chậm sẽ tốt hơn nhịp tim khi nghỉ ngơi nhanh. Nhịp tim khi nghỉ ngơi nếu tăng cao có liên quan đến xơ vữa động mạch, đột tử và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Tuy nhiên, nếu bạn không có thể trạng tốt và không thường xuyên hoạt động thể chất, nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tim. Lúc này, hãy thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Tim đập chậm có nguy hiểm không? Biến chứng có thể gặp phải

Nếu bạn thắc mắc nhịp tim chậm có nguy hiểm không thì câu trả lời là CÓ bởi nhịp tim chậm có thể đe dọa tính mạng nếu tim không thể duy trì tốc độ và bơm đủ máu giàu oxy đi khắp cơ thể.

Các biến chứng có thể xảy ra của nhịp tim chậm bao gồm:

  • Huyết áp thấp
  • Ngất xỉu thường xuyên
  • Đau thắt ngực
  • Tim không có khả năng bơm đủ máu (suy tim)
  • Đột tử hoặc ngừng tim đột ngột (trong trường hợp nghiêm trọng).

Làm sao để duy trì nhịp tim và bảo vệ sức khỏe tim mạch?

Làm sao để duy trì nhịp tim và bảo vệ sức khỏe tim mạch?

Hiểu rõ nhịp tim chậm có nguy hiểm không thì bạn cũng cần ý thức rằng việc duy trì nhịp tim ổn định và bảo vệ sức khỏe tim mạch là điều mà bạn nên thực hiện hàng ngày. Một số biện pháp mà bạn nên làm bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe của tim
  • Chọn chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo, ít muối, ít đường; đồng thời, bổ sung nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh để làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim
  • Thay đổi lối sống và dùng thuốc theo chỉ định để kiểm soát huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao
  • Bỏ hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu
  • Kiểm soát căng thẳng bằng các kỹ thuật thư giãn, thiền, yoga để điều hòa nhịp tim
  • Đi khám sức khỏe định kỳ
  • Dùng tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Hi vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?” và cung cấp thêm cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Tham gia tầm soát bệnh tim mạch ngay tại đây và tham gia cộng đồng của Hello Bacsi để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Is a low heart rate worrisome? https://www.health.harvard.edu/heart-health/is-a-low-heart-rate-worrisome. Ngày truy cập: 22/07/2024

Bradycardia: Slow Heart Rate. https://www.heart.org/en/health-topics/arrhythmia/about-arrhythmia/bradycardia–slow-heart-rate. Ngày truy cập: 22/07/2024

Bradycardia. https://www.healthdirect.gov.au/bradycardia. Ngày truy cập: 22/07/2024

Bradycardia. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bradycardia/symptoms-causes/syc-20355474. Ngày truy cập: 22/07/2024

Bradycardia. https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/b/bradycardia.html. Ngày truy cập: 22/07/2024

Bradycardia. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17841-bradycardia. Ngày truy cập: 22/07/2024

Phiên bản hiện tại

09/08/2024

Tác giả: Trúc Phạm

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Cập nhật bởi: Trúc Phạm


Bài viết liên quan

Nhịp tim chậm có sao không, nguy hiểm không và cách điều trị

Nhịp tim trên 100 có cao không, có nguy hiểm không?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 09/08/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo