backup og meta

Loạn nhịp xoang: Rối loạn nhịp tim lành tính

Loạn nhịp xoang: Rối loạn nhịp tim lành tính

Loạn nhịp xoang là một rối loạn nhịp tim xảy ra do sự ảnh hưởng của nút xoang ở tâm nhĩ. Đây là tình trạng lành tính, phần lớn người bị loạn nhịp xoang đều không biểu hiện các triệu chứng nghiêm trọng và vẫn có một cuộc sống khỏe mạnh bình thường.

Cùng tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị rối loạn này trong bài viết sau.

Định nghĩa loạn nhịp xoang

Loạn nhịp xoang là tình trạng bất thường trong nhịp tim, bắt nguồn từ nút xoang ở tim (không liên quan đến các hốc xoang ở mặt). Nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải là bộ phận có chức năng tạo nhịp tim tự nhiên, chịu trách nhiệm về nhịp đập của tim.

Loạn nhịp xoang

Rối loạn này bao gồm các trường hợp sau:

  • Nhịp xoang nhanh: trên 100 nhịp/phút. Nhịp xoang nhanh thường do cơ thể bị sốt, căng thẳng, tập thể dục hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định.
  • Nhịp xoang chậm: dưới 60 nhịp/phút. Nhịp xoang chậm thường xuất hiện trong khi bạn ngủ.

Loạn nhịp xoang hô hấp

Loạn nhịp xoang hô hấp là tình trạng nhịp tim thay đổi khi bạn hít vào và thở ra. Nói cách khác, nhịp tim của bạn phụ thuộc theo nhịp thở. Khi bạn hít vào, nhịp tim của bạn tăng lên. Khi bạn thở ra, nó giảm xuống.

Tình trạng này đơn giản chỉ là một sự thay đổi nhịp tim tự nhiên và không gây nguy hiểm. Trên thực tế, loạn nhịp xoang hô hấp phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn khỏe mạnh.

Rối loạn nhịp xoang cũng có thể xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nó thường liên quan đến bệnh tim hoặc một vấn đề về tim khác. Tổn thương nút xoang có thể ngăn cản đường truyền của các tín hiệu tâm điện. Do đó, tim đập nhanh chậm bất thường có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch cần điều trị.

Nguyên nhân và triệu chứng loạn nhịp xoang

Hiện nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng giải thích cho chứng loạn nhịp xoang. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng hiện tượng này có thể là do sự phối hợp hoạt động bất thường giữa tim, phổi và hệ thống mạch máu cho phép tim tăng cường hoặc giảm hoạt động trong khi vẫn duy trì khí máu ở mức chính xác.

Ở một người trẻ và khỏe mạnh, rối loạn không nghiêm trọng và thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy tim đập nhanh hoặc dồn dập khác thường, bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra. Tình trạng đánh trống ngực trong khoảng thời gian ngắn hiếm khi nguy hiểm nhưng nó vẫn có thể là dấu hiệu của một nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn cần ngăn ngừa.

Chẩn đoán và điều trị loạn nhịp xoang

Để chẩn đoán chứng loạn nhịp xoang, bác sĩ sẽ tiến hành đo điện tâm đồ (EKG hoặc ECG). Xét nghiệm này có thể phát hiện mọi khía cạnh của nhịp tim, giúp bác sĩ nhận diện các vấn đề bất thường, bao gồm loạn nhịp xoang.

Điện tâm đồ

Trong trường hợp loạn nhịp xoang hô hấp, người bệnh vẫn có số nhịp tim/phút bình thường. Tuy nhiên, thời gian giữa mỗi nhịp sẽ có sự chênh lệch. Cụ thể, khi người bệnh hít vào, khoảng thời gian này sẽ ngắn hơn lúc họ thở ra.

Một điều cần lưu ý là bác sĩ có thể không yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm kể cả khi họ nghi ngờ bạn có triệu chứng nhịp tim không đều. Đó là vì đo EKG rất tốn kém, hơn nữa, rối loạn này được xem là tình trạng lành tính. Bác sĩ chỉ yêu cầu xét nghiệm EKG nếu họ nghi ngờ người bệnh mắc một bệnh lý khác hoặc rối loạn đi kèm các triệu chứng cần theo dõi.

Thông thường, loạn nhịp xoang không cần phải điều trị. Tình trạng này ở trẻ nhỏ sẽ biến mất khi các bé đến độ tuổi trưởng thành. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh theo dõi và chỉ điều trị khi nó gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc vẫn tiếp tục tồn tại ở tuổi vị thành niên.

Nếu bạn bị loạn nhịp xoang do một vấn đề về tim mạch gây ra, chẳng hạn như do bệnh tim, bác sĩ sẽ điều trị trực tiếp nguyên nhân gây rối loạn. Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể mà phương pháp điều trị cũng sẽ khác nhau.

Biến chứng của loạn nhịp xoang

Loạn nhịp xoang hiếm khi dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Trong một số trường hợp, nếu nhịp xoang quá nhanh hoặc chậm, bạn có thể gặp phải một số biến chứng như:

  • Nhịp xoang chậm: Chóng mặt, khó thở và ngất xỉu.
  • Nhịp xoang nhanh: Đánh trống ngực, chóng mặt và đau ngực

Các vấn đề gây rối loạn nhịp tim khác

Ngoài loạn nhịp xoang, tình trạng nhịp tim bất thường còn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Rung tâm nhĩ: Tim đập không đều, các cơ tim rung lên thay vì co lại như thông thường
  • Nhịp tim nhanh trên thất: Nhịp tim nhanh khi nghỉ ngơi.
  • Block tim/chẹn tim: Tim đập chậm hơn do dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ đến tâm thất bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ.
  • Rung tâm thất: Tim không có nhịp ổn định dẫn đến mất ý thức và tử vong nếu không được điều trị.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim bao gồm:

  • Uống rượu
  • Sử dụng thuốc lá
  • Tập thể dục quá mức
  • Tiêu thụ caffeine
  • Sử dụng một số loại thuốc
  • Thừa cân
  • Bị bệnh do virus
  • Các bệnh lý như đau tim hoặc suy tim

Hút thuốc lá

Hội chứng nút xoang bệnh lý

Hội chứng xoang bệnh lý (Sick sinus syndrome – SSS) là tình trạng rối loạn chức năng nút xoang, thường xuất phát từ việc nút xoang bị lão hóa và được thay thế bằng các mô sợi theo thời gian.

Một số dạng rối loạn nhịp tim liên quan đến SSS bao gồm:

  • Rung tâm nhĩ
  • Chậm nhịp xoang
  • Hội chứng nhịp tim nhanh – chậm
  • Nghỉ xoang

SSS thường ảnh hưởng đến người cao tuổi. Bệnh có thể gây ra một số triệu chứng như ngất xỉu, tim đập nhanh, mệt mỏi, hụt hơi. Nếu không được điều trị, SSS có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, một số loại thuốc như digoxin, thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi có thể làm cho SSS tồi tệ hơn.

Loạn nhịp xoang là một tình trạng lành tính và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng khi nhịp tim bất thường do các dạng rối loạn nhịp tim khác gây ra. Đặc biệt, rối loạn ở người lớn tuổi cần được kiểm tra thêm vì nó có thể liên quan đến một bệnh lý tiềm ẩn về tim mạch.

Dung Nguyễn / HELLO BACSI

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sinus Arrhythmia

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537011/

Ngày truy cập: 31-05-2020

Sinus Arrhythmia

https://en.ecgpedia.org/wiki/Sinus_Arrhythmia

Ngày truy cập: 31-05-2020

Respiratory Sinus Arrhythmia

https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/01.cir.94.4.842

Ngày truy cập: 31-05-2020

Phiên bản hiện tại

08/07/2020

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Người bị bệnh động mạch vành nên ăn gì? | Hello Bacsi x SANOFI

Rung tâm thất


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 08/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo