backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đặt ống thông tim

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Tên kĩ thuật y tế: Đặt ống thông tim

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Tim

Tìm hiểu chung

Đặt ống thông tim là gì?

Đặt ống thông tim là một xét nghiệm dùng để đánh giá tim của bạn có đang hoạt động tốt không. Xét nghiệm này sử dụng một ống thông mềm mỏng, đưa nó vào tim thông qua các mạch máu. Xét nghiệm này còn có thể dùng để chụp lại hình ảnh của động mạch vành nhằm đánh giá tình trạng các động mạch vành.

Phương pháp đặt ống thông tim có thể dùng để kiểm tra lưu lượng máu trong động mạch vành, lưu lượng máu và huyết áp trong các buồng tim, kiểm tra xem các van tim hoạt động tốt hay không và kiểm tra xem tim có bị dị dạng gì không bằng cách quan sát quá trình hoạt động của tim. Ở trẻ em, xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra các khuyết tật tim bẩm sinh nếu có.

Việc chụp động mạch vành được sử dụng để tìm ra các bệnh liên quan tới động mạch vành như xơ vữa động mạch. Nếu bạn bị xơ vữa động mạch, xét nghiệm này có thể xác định kích thước và vị trí của các mảng chất béo và canxi đang thu hẹp động mạch vành của bạn.

Can thiệp mạch vành qua da (PCI) là một phương pháp tương tự như chụp động mạch vành, ngoài ra nó còn có thể được sử dụng để thông một động mạch vành bị thu hẹp bằng cách sử dụng các công cụ đặc biệt. PCI bao gồm hai phương pháp sau:

Nong mạch (mở rộng mạch) có thể kèm thêm dùng giá đỡ động mạch vành để tránh tình trạng chúng hẹp lại.

Cắt mảng xơ vữa mạch.

Kết quả chụp mạch vành sẽ giúp bác sĩ xác định được phương pháp điều trị nào là thích hợp và hiệu quả trong số các phương pháp điều trị sau: bằng thuốc, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, hoặc can thiệp mạch vành qua da (PCI).

Khi nào bạn nên thực hiện đặt ống thông tim?

Đặt ống thông tim được thực hiện nhằm xem xét liệu bạn có bị vấn đề về tim hay không, hoặc nó cũng có thể  là một phần trong những thủ thuật điều trị bệnh tim mạch mà bạn đang mắc phải.

Nếu bạn sử dụng phương pháp đặt ống thông tim để xem mình có bị bệnh tim hay không, bác sĩ của bạn có thể:

  • Xác định vị trí hẹp hoặc tắc nghẽn trong mạch máu gây nên cơn đau ở ngực bạn (chụp mạch);
  • Đo áp suất và lượng oxy trong từng vị trí khác nhau của tim (đánh giá về huyết động học);
  • Kiểm tra các chức năng bơm của tim (tâm thất đồ trái và phải);
  • Lấy một mẫu mô từ tim bạn (sinh thiết);
  • Chẩn đoán khuyết tật tim bẩm sinh;
  • Kiểm tra xem liệu bạn có mắc  các vấn đề liên quan tới van tim hay không.

Phương pháp đặt ống thông tim cũng được sử dụng như là một phần trong những thủ thuật điều trị bệnh tim. Các phương pháp điều trị này bao gồm:

  • Nông rộng mạch có thể kèm thêm dùng giá đỡ động mạch vành để tránh chúng bị hẹp lại;
  • Đóng lỗ hổng ở tim và sửa các khuyết tật bẩm sinh khác;
  • Sửa chữa  hoặc thay thế van tim;
  • Thủ thuật tạo hình van tim bằng bóng qua da;
  • Điều trị rối loạn nhịp tim;
  • Đóng tiểu nhĩ trái để ngăn ngừa tạo máu đông.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện phương pháp đặt ống thông tim?

Xét nghiệm này thường không được thực hiện trên những bệnh nhân đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với chất cản quang, bị suy tim, có vấn đề về nhịp tim nghiêm trọng ở mức đe dọa tính mạng hoặc mắc bệnh thận giai đoạn cuối.

Phương pháp đặt ống thông tim thường không được thực hiện khi bệnh nhân đang trong thời gian mang thai vì các bức xạ có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Tuy vậy, trong trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng, bác sĩ vẫn sẽ thực hiện thủ thuật này để cứu sống thai phụ. Trong trường hợp này, thai nhi cần được bảo vệ càng nhiều càng tốt khi tiếp xúc với bức xạ, thường thì bác sĩ sẽ cho thai phụ đeo tạp dề làm bằng chì để chắn tia bức xạ.

Trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện phương pháp đặt ống thông tim?

Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn những gì cần làm. Có thể là những bước sau:

  • Nếu bạn đang uống warfarin hoặc các loại thuốc kháng đông thì bạn sẽ cần phải ngưng uống trong 2-3 ngày trước khi thực hiện xét nghiệm. Điều này sẽ giúp ngăn chảy máu quá nhiều khi ống thông được đưa vào;
  • Nếu bạn đang dùng insulin hoặc thuốc tiểu đường, bạn có thể cần phải thay đổi thời gian uống thuốc. Một số loại thuốc có thể cần phải được ngừng uống trong vòng 48 giờ. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ nói rõ điều này với bạn;
  • Nếu bạn nghi ngờ mang thai, bạn cần phải xét nghiệm làm rõ vấn đề này trước.

Bạn có thể được yêu cầu phải ngưng ăn uống trong một vài giờ trước khi thực hiện thí nghiệm.

Quy trình thực hiện phương pháp đặt ống thông tim như thế nào?

Trong quá trình xét nghiệm, bạn sẽ nằm ngửa và không cần phải gây mê , điều này giúp bạn có thể thực hiện các hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình xét nghiệm. Bạn sẽ được uống thuốc để thư giãn, tuy nhiên thuốc này cũng có thể làm cho bạn dễ buồn ngủ.

Bác sĩ sẽ làm tê khu vực cánh tay, háng (phần bắp đùi) hoặc cổ – những nơi sẽ đặt ống thông để chúng đi vào mạch máu của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng một cây kim để tạo ra một lỗ nhỏ trên mạch máu và bác sĩ sẽ đưa một ống hình nón qua lỗ đó, dây này gọi là dây dẫn.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ đặt một dây dẫn mỏng, uống dẻo được đi theo phần ống (dây dẫn) đã đưa vào trước đó vào thành mạch máu của bạn. Bác sĩ sẽ luồn dây theo đường mạch máu để đưa nó đến tim bạn.

Một máy X-quang đặc biệt sẽ quay lại hình ảnh của đoạn dây dẫn và ống thông trong khi chúng di chuyển vào tim. Đoạn phim sẽ giúp bác sĩ thấy rõ nơi để đặt các đầu ống thông.

Khi ống thông đi đến vị trí thích hợp, bác sĩ sẽ sử dụng nó để làm các xét nghiệm hoặc thực hiện liệu pháp điều trị như nong mạch hoặc đặt khung đỡ vào mạch máu của bạn.

Sau đó bác sĩ sẽ rút ống thông ra khỏi vị trí đặt ống. Để ngăn chặn hiện tượng chảy máu, các chỗ đặt ống này có thể cần phải được đóng lại bằng cách đè lên, khâu lại hoặc dùng một cái kẹp đặc biệt. Ví dụ, nếu ống thông luồn vào trong cổ tay hay háng của bạn, bác sĩ sẽ tác dụng một áp lực vừa đủ lên khu vực này trong khoảng 10 phút để cầm máu. Sau đó, bác sĩ sẽ băng bó thật chặt lên vùng này. Nếu đặt ống thông ở khớp khuỷu của bạn, bác sĩ sẽ may thêm vài đường để đóng vết thương.

Phương pháp này kéo dài khoảng 30 phút. Tuy vậy bạn cần thời gian để chuẩn bị sẵn sàng và thời gian để phục hồi sau đó, tổng cộng có thể mất đến 6 giờ đồng hồ. Bạn nên biết rằng thời gian thực hiện kéo dài không phải là do bệnh tình của bạn nghiêm trọng.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện phương pháp đặt ống thông tim?

Sau khi thực hiện xong phương pháp đặt ống thông tim, bạn sẽ được đưa đến một phòng theo dõi và một bác sĩ khác sẽ theo dõi thường xuyên nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ và kiểm tra các dấu hiệu chảy máu tại chỗ đặt ống của bạn. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thường xuyên mạch đập, màu sắc, và nhiệt độ của cánh tay hoặc chân mà ống thông được luồn qua. Bác sĩ có thể cho bạn thêm thuốc giảm đau.

Nếu ống thông luồn vào trong háng, bạn có thể phải nằm duỗi thẳng chân trên giường thêm vài giờ (1-4 giờ), tùy thuộc vào các thủ thuật đã được được áp dụng và tình trạng sức khỏe của bạn. Sau đó, bạn có thể đi lại thoải mái. Nếu ống thông luồn vào trong cánh tay của bạn, bạn có thể ngồi dậy và đi lại ngay lập tức. Tuy nhiên, bạn nên giữ yên cánh tay trong vài giờ.

Nếu bệnh nhân là trẻ em thì ta có thể cần phải nhờ phụ huynh giữ yên chân bé trong vòng vài giờ sau khi thực hiện phương pháp đặt ống thông tim.

Bạn nên uống nhiều nước trong vài giờ sau khi thực hiện phương pháp đặt ống thông tim. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng mất nước và giúp đẩy các chất cản quang  khi thực hiện thông tim ra khỏi cơ thể bạn.

Tùy thuộc vào kết quả mà bạn có thể được về nhà ngay lập tức hoặc sau một thời gian theo dõi ngắn (khoảng 6 giờ) hoặc vào ngày hôm sau. Nếu bạn bị khâu ở tay, bạn có thể quay lại để cắt chỉ trong vòng 5-7 ngày sau. Hãy nhớ đừng tập thể dục nặng và không nhấc bất kì vật nặng nào trong vòng 1 tới 2 ngày đến khi bác sĩ cho phép.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Kết quả sẽ được xem xét bởi bác sĩ tim mạch và có ngay sau khi làm thủ thuật. Bác sĩ sẽ bàn bạc một số kết với bạn.

Kết quả sẽ cho biết:

  • Động mạch vành của bạn bình thường hay bị tắc nghẽn;
  • Khả năng bơm máu của tim và áp suất bên trong buồng tim và mạch máu bình thường hay không;
  • Các van tim đang hoạt động bình thường hay không.

Nhiều yếu tố sẽ có thể ảnh hưởng đến kết quả của phương pháp thông tim. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về bất kỳ kết quả bất thường mà bạn có.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo