Suy tim là một tình trạng nghiêm trọng trong đó tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu cơ thể như bình thường. Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim là điều cần thiết nhằm giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng như mệt mỏi, kiệt sức và khó thở, đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Làm sao để chăm sóc bệnh nhân suy tim hiệu quả và cần lưu ý những gì để hỗ trợ bệnh nhân được tốt nhất? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá nhé!
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim cần thiết như thế nào?
Người bị suy tim có thể gặp phải các triệu chứng như ho, mệt mỏi, khó thở, phù nề và thậm chí là đau đớn. Người thân và bác sĩ điều trị có thể hỗ trợ bệnh nhân bằng cách lên kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim nhằm giúp kiểm soát các triệu chứng, nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài tuổi thọ trong tương lai.
Ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, suy tim có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Bệnh nhân có thể trải qua những cảm xúc khác nhau, bao gồm lo lắng về các triệu chứng, buồn bã hoặc thậm chí là sốc khi tình trạng bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Lúc này, bệnh nhân rất cần nhận được sự động viên và chăm sóc của những người xung quanh. Việc đồng hành và lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim mang ý nghĩa vô cùng to lớn, chẳng những giúp bệnh nhân cảm thấy lạc quan, có cái nhìn tích cực mà còn giúp họ sống khỏe mạnh hơn.
Những lưu ý khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim
Theo sát lịch trình uống thuốc của bệnh nhân
Một trong những điều quan trọng nhất trong kế hoạch chăm sóc là theo sát việc bệnh nhân dùng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ. Hãy nắm rõ loại thuốc điều trị suy tim mà người bệnh cần dùng, liều lượng và tần suất nên dùng thuốc mỗi ngày.
Người chăm sóc có thể sử dụng một hộp đựng thuốc và cho vào hộp từng loại thuốc mà bệnh nhân sẽ phải dùng mỗi ngày trong tuần. Ngoài ra, hãy viết và dán lịch dùng thuốc hàng ngày lên tủ lạnh hoặc trong phòng của bệnh nhân, đồng thời nhắc nhở và theo sát lịch trình uống thuốc để tránh việc họ quên uống hoặc uống nhầm thuốc.
Bên cạnh đó, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trong những trường hợp bệnh nhân gặp tác dụng phụ, dùng quá liều hoặc bỏ quên liều thì nên xử trí ra sao.
Quan tâm đến chế độ ăn uống
Trong khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim, người chăm sóc hãy quan tâm đến chế độ ăn hàng ngày của người bệnh. Thực hiện theo một chế độ ăn uống được thiết kế đặc biệt cho những người bị suy tim có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh và giúp họ ngon miệng hơn. Người chăm sóc có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để có thể lựa chọn một thực đơn lành mạnh và phù hợp.
Một số những lưu ý khi trong chế độ ăn uống của người bị suy tim như sau:
- Giảm hàm lượng muối khi nấu ăn: Hạn chế muối vì quá nhiều natri có thể dẫn đến giữ nước, gây phù nề và làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tim. Giảm muối trong chế độ ăn uống của bệnh nhân không có nghĩa là buộc họ phải ăn những món nhạt nhẽo. Hãy nêm các loại thảo mộc, hạt tiêu và gia vị phù hợp thay vì muối.
- Kiểm tra thông tin dinh dưỡng khi mua thực phẩm đóng hộp: Thực phẩm đóng gói thường chứa nhiều natri. Trước khi mua, hãy kiểm tra thông tin dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng natri trong mỗi khẩu phần ăn.
- Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch: Thực phẩm tốt cho tim mạch là những thực phẩm chứa ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường hoặc natri. Tăng cường trái cây và rau quả, sữa ít béo, protein nạc như thịt gà bỏ da và chất béo tốt có trong dầu ô liu, cá và quả bơ.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày: Nếu bệnh nhân mệt mỏi và chán ăn, hãy chủ động chia các bữa ăn trong ngày ra thành nhiều bữa nhỏ.
Khuyến khích người bệnh hoạt động thể chất
Vận động vẫn là một phần không thể thiếu khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim. Tập thể dục nhẹ nhàng với các bài tập phù hợp có thể giúp tim khỏe hơn. Các lợi ích sức khỏe của việc tập thể dục bao gồm giảm cân, giảm mức cholesterol, ổn định huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu.
Vì vậy, người chăm sóc có thể khuyến khích và có thể cùng bệnh nhân tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, làm việc nhà, làm vườn, đi dạo quanh khu phố vào mỗi sáng,.. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những hoạt động mà bệnh nhân có thể tham gia một cách an toàn và mức độ tập thể dục phù hợp.
Cố gắng giảm triệu chứng mệt mỏi và khó thở cho bệnh nhân (nếu có)
Mệt mỏi và khó thở là những triệu chứng phổ biến mà người mắc bệnh suy tim thường gặp phải, nhất là ở giai đoạn muộn của bệnh. Nó khiến họ bị hạn chế trong vận động. Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim, người nhà nên quan tâm đến những triệu chứng này.
Để giảm khó thở, hãy để bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, mặc quần áo rộng rãi thoáng mát. Nếu khó thở xảy ra khi ngủ thì có thể ngủ luôn ở tư thế nửa nằm nửa ngồi này.
Với bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, khả năng vận động bị hạn chế, bệnh nhân hầu như chỉ nằm trên giường nên người nhà có thể hỗ trợ bằng cách:
- Hỗ trợ bệnh nhân làm thông thoáng đường thở: nới rộng quần áo, hút đờm hay rỉ mũi của bệnh nhân nếu có.
- Bố trí phòng nghỉ ngơi thông thoáng cho bệnh nhân.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên cho bệnh nhân vì khó thở có thể gây khô miệng.
Nhắc nhở và đưa bệnh nhân đi tái khám định kỳ
Suy tim là bệnh suốt đời và bệnh nhân phải liên tục tái khám suốt quá trình điều trị bệnh. Bác sĩ sẽ theo dõi tiến triển bệnh, mức độ đáp ứng với thuốc để điều chỉnh nếu cần thiết nhằm giữ cho bệnh không trở nặng và cải thiện triệu chứng một cách tốt nhất. Vì vậy, một việc cần quan tâm khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim là nhắc nhở và đưa bệnh nhân đi tái khám định kỳ.
Nếu có thể, người chăm sóc sẽ thay bệnh nhân chuẩn bị các câu hỏi và thắc mắc cần đặt với bác sĩ trước mỗi lần tái khám. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ về những vấn đề về chuyên môn mà bạn chưa chắc chắn.
Ngoài ra, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc kiểm soát suy tim là theo dõi các triệu chứng, tác dụng phụ của thuốc và các vấn đề khác có thể xảy ra. Hãy ghi lại những thông tin này vào một cuốn sổ và thông báo với bác sĩ khi được hỏi.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim đừng quên chăm sóc sức khỏe tinh thần
Triệu chứng bệnh suy tim sẽ hạn chế khả năng lao động, sức khỏe, thậm chí là một số người còn gặp khó khăn cả khi thực hiện những hoạt động sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, họ dễ rơi vào tâm trạng lo lắng, bất lực và thất vọng vì trở thành gánh nặng cho gia đình, đôi khi bị trầm cảm. Người nhà cần bên cạnh động viên, trò chuyện, giúp họ làm được những điều họ thích. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ hạn chế vận động nào mà bệnh nhân đang mắc phải và tìm cách vượt qua chúng.
Bạn nên khuyến khích bệnh nhân có thêm nhiều hoạt động bổ ích và có lợi cho xã hội, chẳng hạn như đọc sách, đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè, nghe nhạc, làm từ thiện… hay làm một số công việc nhẹ nhàng trong gia đình.
Hy vọng thông qua bài viết này cả bệnh nhân và người nhà sẽ hiểu rõ được việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân suy tim là thực sự cần thiết, cũng như có những lưu ý quan trọng để giúp việc chăm sóc bệnh nhân thêm hiệu quả.
[embed-health-tool-heart-rate]