Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính nguy hiểm, cần điều trị thuốc suốt đời. Ngoài việc phải dùng thuốc để kiểm soát tăng huyết áp, nhiều người có nhu cầu tìm kiếm các giải pháp tự nhiên giúp hỗ trợ điều trị bệnh và tăng cường sức khỏe chung. Đông trùng hạ thảo là một trong số đó. Vậy, huyết áp cao có dùng được đông trùng hạ thảo không?
Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây nhé!
Huyết áp cao là gì?
Trước khi đi tìm lời giải đáp cho vấn đề “Huyết áp cao có dùng được đông trùng hạ thảo?” thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu bệnh lý huyết áp cao là gì và công dụng của loại dược liệu này ra sao nhé!
Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch. Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Phần lớn, các bệnh nhân bị tăng huyết áp vô căn – không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định. Khoảng 10-20% là trường hợp tăng huyết áp thứ phát mà nguyên nhân bao gồm các bệnh lý như bệnh lý viêm cầu thận, hẹp động mạch thận, cushing, cường giáp, hở van van động mạch chủ,…
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài. Đôi khi, người bệnh có thể thấy đau đầu, đau ngực, khó thở khi có cơn tăng huyết áp. Hoặc những triệu chứng của tổn thương cơ quan đích: nhìn mờ, đau ngực dữ dội, tiểu máu, liệt nửa người (đột quỵ não)…nhưng khi có những triệu chứng này tiên lượng thường không tốt.
Để điều trị tăng huyết áp, ngoài tuân thủ chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần chú ý thay đổi chế độ sinh hoạt và lối sống bao gồm:
- Chế độ ăn: giảm muối, nhiều rau xanh, ít mỡ động vật thay bằng dầu thực vật. Hạn chế thịt đỏ như heo, bò thay thế bằng thịt trắng như cá, gà.
- Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào
- Giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-22,9 kg/m2
- Duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ
- Hạn chế uống rượu bia
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, thư giãn nghỉ ngơi hợp lý.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên sử dụng thêm các thảo dược từ Y học cổ truyền nhằm hỗ trợ ổn định huyết áp, giảm thiểu nguy cơ gây ra các biến chứng.
Huyết áp cao có dùng được đông trùng hạ thảo không?
Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý hiếm được biết đến với nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe. Đây là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Đông trùng hạ thảo tự nhiên có giá rất đắt đỏ và chỉ phát hiện được vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3500 đến 5000m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam…
Hiện tại, trên thị trường tồn tại 3 dạng Đông trùng hạ thảo là tự nhiên, bán tự nhiên và nhân tạo. Hàm lượng dược chất và giá thành giữa 3 loại này rất khác nhau.
Theo Đông y, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ấm, quy vào hai kinh phế và thận, mang đến tác dụng ích khí, chủ huyết và trừ đờm.
Theo y học hiện đại, đông trùng hạ thảo có chứa 17 loại axit amin, nhiều vitamin, các nguyên tố vi lượng và các khoáng chất cần thiết khác. Lợi ích cho sức khỏe có thể kể đến như:
- Bồi bổ cơ thể suy nhược, gầy yếu
- Tăng cường trao đổi chất, giảm mệt mỏi
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Giảm mỡ trong máu
- Cân bằng nội tiết tố, cải thiện chức năng sinh lý ở cả nam và nữ
- Kiểm soát lượng đường trong máu
- Cải thiện chức năng thận và tốt cho tim, phổi
- Hỗ trợ ngăn ngừa tiến triển của bệnh ung thư
- Chống lão hóa và làm đẹp da.
Vậy, huyết áp cao có dùng được đông trùng hạ thảo? Câu trả lời là ĐƯỢC. Ngoài những công dụng tuyệt vời vừa nêu trên, đông trùng hạ thảo cũng là một loại dược liệu rất tốt cho tim mạch, đặc biệt là tốt cho sức khỏe của người bị cao huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đông trùng hạ thảo có lợi cho sức khỏe tim mạch theo nhiều cách:
- Làm giảm huyết áp cao thông qua tác dụng giãn mạch máu trực tiếp hoặc gián tiếp qua thụ thể M-cholinergic, dẫn đến cải thiện tuần hoàn động mạch vành và tuần hoàn máu não.
- Khắc phục tình trạng rối loạn nhịp tim
- Tăng cung lượng tim lên đến 60% cho bệnh nhân suy tim mạn tính
- Giảm độ nhớt của máu và mức độ fibrinogen, từ đó giảm huyết áp và ngăn ngừa nhồi máu cơ tim
- Nghiên cứu trên động vật cho thấy sản phẩm lên men từ đông trùng hạ thảo còn chống thiếu oxy cho cơ tim; ngăn ngừa sự kết tập tiểu cầu, hỗ trợ phòng ngừa tình trạng huyết khối, từ đó phòng ngừa nhiều biến cố tim mạch.
Cách dùng đông trùng hạ thảo cho người huyết áp cao
Huyết áp cao có dùng được đông trùng hạ thảo không còn tùy thuộc vào cách dùng có đúng hay không. Đông trùng hạ thảo được chế biến và dùng theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Thông thường, người bị cao huyết áp nên chọn 1 trong 3 cách sau để dùng:
- Ăn trực tiếp: Bạn rửa sạch rồi ngâm đông trùng hạ thảo khô với nước 30 độ trong khoảng 10 phút, sau đó ngâm nước ấm 70 độ C trong khoảng 5 phút. Bạn lấy ra nhai trực tiếp để hấp thụ tối đa dưỡng chất. Mỗi ngày nên dùng từ 1 – 2 gram Đông Trùng Hạ Thảo khô. Bạn nhớ rằng không hãm Đông trùng trong nước nóng 100 độ C bởi nhiệt độ cao có thể phá hủy enzym có trong dược liệu.
- Chế biến thành các món ăn: Dùng đông trùng hạ thảo để nấu cháo, hầm gà, nấu với sườn heo, hầm chim bồ câu, tiềm thuốc bắc…
- Ngâm mật ong: Dùng 10-20 gram đông trùng khô ngâm cùng 0.5 lít mật ong. Sau 7 ngày là có thể sử dụng. Mỗi ngày dùng 2-3 thìa trước bữa ăn. Cách sử dụng này áp dụng được cho cả nam, nữ, người già và trẻ nhỏ.
- Hãm trà: Lấy khoảng 3 gram với đông trùng khô hoặc 5 gram với loại tươi cho vào bình trà. Cho thêm vào khoảng 500 ml nước nóng 70 độ vào hãm trong 5 – 7 phút. Sử dụng uống vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều.
Những lưu ý khi dùng đông trùng hạ thảo cho người cao huyết áp
Ngoài việc quan tâm vấn đề đông trùng hạ thảo có dùng được cho người cao huyết áp không, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau đây khi dùng đông trùng hạ thảo cho người cao huyết áp:
- Huyết áp cao có dùng được đông trùng hạ thảo ngâm rượu không? Không nên dùng đông trùng hạ thảo ngâm rượu bởi rượu có thể tác động tiêu cực đến chỉ số huyết áp, khiến huyết áp tăng cao bất thường.
- Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng liều lượng 3 – 4.5g đông trùng hạ thảo mỗi ngày là đủ. Chưa xác minh được liều độc của dược liệu này.
- Một số nghiên cứu đã ghi nhận các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa của đông trùng hạ thảo như khô miệng, buồn nôn, tiêu chảy,… Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên ngừng sử dụng và báo cho bác sĩ.
- Ở một số bệnh nhân xảy ra tình trạng dị ứng. Vì vậy, những người có bệnh tự miễn gồm viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống và bệnh đa xơ cứng được khuyên không dùng đông trùng hạ thảo.
- Dù chưa có nghiên cứu trên phụ nữ có thai và cho con bú nhưng nghiên cứu trên động vật cho thấy đông trùng hạ thảo có ảnh hưởng đến nồng độ testosterone huyết tương.
- Đã có một số báo cáo về tình trạng ngộ độc chì ở người dùng đông trùng hạ thảo để điều trị. Sau khi ngừng dùng, nồng độ chì trong máu trở lại bình thường.
- Thận trọng khi dùng dược liệu này cho người đang dùng thuốc chống virus, thuốc tiểu đường vì đông trùng hạ thảo có thể ảnh hưởng tới liều lượng các thuốc này.
- Không tự ý thay thế bất kỳ loại thuốc điều trị cao huyết áp nào bằng đông trùng hạ thảo mà không hỏi ý kiến bác sĩ vì thể trạng và tình hình sức khỏe tổng thể của mỗi người là khác nhau và cần có sự chú ý đặc biệt để xác định phương pháp điều trị nào là tốt nhất để tuân theo từng tình trạng riêng biệt.
Hi vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc huyết áp cao có dùng được đông trùng hạ thảo không, cách dùng và những lưu ý khi dùng. Bệnh nhân cao huyết áp nên đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt để mức huyết áp luôn trong phạm vi an toàn.
[embed-health-tool-heart-rate]