backup og meta

5 yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được

5 yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được

Trái tim không chỉ là biểu tượng của tình yêu mà còn là cơ quan đại diện cho sự sống, liệu bạn đã biết cách bảo vệ mình tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh? Hãy lưu ý đến những yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim để duy trì sức khỏe của bạn nhé!

Đừng chỉ thụ động để bệnh tim tiến tới và tấn công bạn. Bạn hoàn toàn có quyền lấy lại thế chủ động cho mình bằng cách áp dụng các phương pháp điều trị, ăn uống và duy trì sức khỏe lành mạnh hơn. Phòng ngừa luôn tốt hơn chữa bệnh, do đó, bạn có thể kiểm soát 5 yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim sau đây.

1. Hàm lượng cholesterol trong máu cao là yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim

cholesterol bệnh tim

Cholesterol là một chất béo có trong máu. Quá nhiều cholesterol “có hại” có thể là một trong những yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim mạch. Cholesterol có thể tạo ra mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch, cản trở lưu thông lượng máu cần thiết đến tim hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Nếu một mảng xơ vữa bị vỡ ra, một cục máu đông có thể hình thành, chặn việc cung cấp máu đến tim (gây ra cơn đau tim) hoặc tới não (gây ra đột quỵ).

Cách xác định hàm lượng cholesterol 

Cholesterol được xác định thông qua cholesterol HDL (có lợi) và cholesterol LDL (có hại). Cholesterol LDL nên thấp hơn 4mmol/L (mmol trên mỗi lít máu) và tổng lượng cholesterol không được cao hơn 5 mmol/L.

Bạn nên khám sức khỏe để kiểm tra hàm lượng cholesterol trong máu, đây là cách xác định bạn có bị cholesterol cao hay không. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, bạn sẽ phải kiểm tra cholesterol định kỳ.

Làm cách nào để giảm cholesterol?

Bạn có thể điều chỉnh và làm giảm cholesterol trong máu bằng cách:

• Cắt giảm lượng chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn (bơ, phô mai, sữa và thịt).

• Thay thế bằng các loại chất béo không bão hòa như: các loại hạt có dầu, cá béo, dầu ô liu, hạt cải dầu hoặc dầu hướng dương.

• Thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.

• Dùng statin nếu bạn có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Nghiên cứu BHF chỉ ra rằng, statin giúp giảm mức cholesterol và qua đó giúp giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Nếu bạn đã bị bệnh tim mạch, dùng statin sẽ giảm nguy cơ xảy ra các biến cố khác sau này, kể cả khi mức cholesterol hiện tại của bạn khá thấp.

2. Trọng lượng và kích thước vòng eo

thừa cân bệnh tim
Thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim

Thừa cân hoặc béo phì là yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim và các bệnh lý khác bao gồm bệnh tiểu đường tuýp 2.

Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) là một cách để nhận biết liệu bạn có thừa cân hay béo phì hay không. Thông thường, chỉ số BMI từ 25 trở lên có nghĩa là bạn có thể bị thừa cân và chỉ số BMI từ 30 trở lên có nghĩa là bạn đang bị béo phì.

Vóc dáng, đặc biệt là vòng eo to, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và đột quỵ. Nam giới vòng eo trên 94 và nữ giới vòng eo trên 80 có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Làm sao để giảm nguy cơ mắc bệnh tim?

Nếu bạn đang thừa cân hoặc có một kích thước vòng eo nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm cân sẽ giúp ích rất nhiều. Hãy nỗ lực tạo ra những thay đổi nhỏ, dài hạn, chẳng hạn như giảm vòng eo và hoạt động thể chất tích cực hơn.

Cố gắng theo dõi cân nặng của bạn và lắng nghe lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng về cách giảm cân phù hợp.

3. Bệnh tiểu đường tuýp 2: Yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim

tiểu đường bệnh tim

Việt Nam có 3,5 triệu người trưởng thành mắc bệnh đái tháo đường, tương đương 6% dân số, trong đó có 70% người bị tiểu đường chưa được chẩn đoán. Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng lượng glucose trong máu của bạn quá cao và có thể là một trong những yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim mạch do đường huyết cao sẽ dễ làm tổn thương mạch máu.

Tiểu đường tuýp 2 là dạng tiểu đường phổ biến nhất, còn gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (NIDDM). Một trong những nguy cơ chủ yếu gây ra tiểu đường tuýp 2 là tình trạng thừa cân.

Bạn nên làm gì nếu bị tiểu đường?

Nếu bạn bị tiểu đường, kiểm soát lượng đường huyết, huyết áp và cholesterol là rất quan trọng. Ăn uống lành mạnh, tích cực vận động và kiểm soát cân nặng tốt hơn là những cách giúp bạn điều chỉnh những chỉ số này và góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 và lượng mỡ trong cơ thể có mối liên hệ với nhau, vì vậy nếu bạn giảm đủ cân, bạn sẽ ít gặp phải các triệu chứng của bệnh hơn. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể trở lại, đặc biệt là khi cân nặng của bạn có dấu hiệu tăng lên.

4. Huyết áp cao

huyết áp cao bệnh tim

Huyết áp là lực tác dụng của máu lên thành động mạch khi máu lưu thông khắp cơ thể. Huyết áp cao (hypertension) có nghĩa là huyết áp của bạn bằng hoặc cao hơn mức khuyến cáo (140/90mmHg).

Huyết áp cao ảnh hưởng đến 25% người trưởng thành ở Việt Nam. Nguy cơ mắc huyết áp cao cũng tăng khi bạn già đi và đây là yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim mà bạn cần lưu ý.

Cách xác định bạn bị huyết áp cao

Bạn thường khó có thể nhận thấy mình bị huyết áp cao, nhưng bệnh này có thể làm tổn thương các động mạch, qua đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Theo thời gian, nếu không được điều trị, tim có thể trở nên lớn bất thường và hoạt động bơm của tim sẽ kém hiệu quả hơn, có thể dẫn đến suy tim.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, thì bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên định kỳ.

Bạn nên làm gì để giảm huyết áp?

Để hạ huyết áp, bạn cần:

  • Giữ cân nặng hợp lý
  • Cắt giảm muối và rượu
  • Duy trì hoạt động thể chất tích cực
  • Uống thuốc được bác sĩ chỉ định, kê đơn

5. Hút thuốc lá: Yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim

yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim là hút thuốc lá
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với người bình thường

Nếu bạn hút thuốc, bỏ thuốc là việc thiết thực và có lợi nhất cho tim. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim gần như cao gấp đôi so với người chưa từng hút thuốc.

Các hóa chất trong khói thuốc phá hủy động mạch, làm cho tim phải làm việc quá sức và làm cho máu dễ bị đông (tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ). Nguy cơ đối với sức khỏe sẽ giảm rất nhanh chóng ngay sau khi bạn bỏ thuốc, vì vậy không bao giờ là quá muộn.

Với những yếu tố nguy hiểm gây ra bệnh tim mà Hello Bacsi đã liệt kê trên đây, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát chúng để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hơn nữa, nếu kiểm soát tốt các chỉ số này, bạn có thể giảm được nhiều nguy cơ mắc các bệnh khác cũng như cải thiện sức khỏe tổng quát. Hãy chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình ngay từ bây giờ nhé!

[embed-health-tool-heart-rate]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5 risk factors for heart disease and how you can control them. https://www.bhf.org.uk/heart-matters-magazine/medical/risk-factors. Ngày truy cập: 07/05/2018

Heart Disease and Stroke. https://www.cdc.gov/chronicdisease/resources/publications/factsheets/heart-disease-stroke.htm#:~:text=Leading%20risk%20factors%20for%20heart,unhealthy%20diet%2C%20and%20physical%20inactivity. Ngày truy cập: 05/08/2022

Know Your Risk for Heart Disease. https://www.cdc.gov/heartdisease/risk_factors.htm. Ngày truy cập: 05/08/2022

Heart Disease Risk Factors. https://www.texasheart.org/heart-health/heart-information-center/topics/heart-disease-risk-factors/. Ngày truy cập: 05/08/2022

Understand Your Risks to Prevent a Heart Attack. https://www.heart.org/en/health-topics/heart-attack/understand-your-risks-to-prevent-a-heart-attack. Ngày truy cập: 05/08/2022

Phiên bản hiện tại

11/12/2024

Tác giả: Hồng Nhung

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: SEO Team


Bài viết liên quan

Bệnh nhồi máu cơ tim nên ăn gì và thay đổi lối sống ra sao?

Kiểm soát tiểu đường dễ dàng với 9 biện pháp tự nhiên


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hồng Nhung · Ngày cập nhật: 2 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo