Việc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng do viêm ruột thừa mãn tính gây ra có thể giúp bạn phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả. Vậy làm sao để nắm rõ? Hello Bacsi sẽ chia sẻ với bạn những thông tin hữu ích về chứng bệnh này trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu chung
Viêm ruột thừa mãn tính là gì?
Viêm ruột thừa mãn tính là một bệnh lý hiếm gặp, khó chẩn đoán vì các triệu chứng xuất hiện nhẹ, tái diễn nhiều lần và nhanh chóng cải thiện. Trong đó, triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng.
Viêm ruột thừa mãn tính thường xảy ra do viêm hoặc tắc nghẽn ruột thừa. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm ruột thừa mãn tính có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng viêm ruột thừa mãn tính là gì?
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa mãn tính là đau bụng, bắt đầu từ phần giữa bụng, cơn đau sau đó di chuyển xuống phần bụng dưới bên phải và thường nặng hơn nếu bạn ho hay di chuyển. Cơn đau có thể từ âm ỉ đến dữ dội, nhưng tình trạng đau âm ỉ sẽ thường gặp hơn.
Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa nhẹ bao gồm:
- Đau bụng
- Sốt
- Sưng vùng bụng
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Buồn nôn hoặc tiêu chảy
Tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng gặp tất cả tình trạng này. Bạn có thể gặp những triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong số những triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tình trạng có thể diễn biến khác nhau đối với cơ địa từng người, do đó, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tự thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra viêm ruột thừa mãn tính?
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa mãn tính đến nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, khi ruột thừa bị viêm hoặc tắc nghẽn, nó có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau bụng âm ỉ do bệnh viêm ruột thừa mãn tính.
Các nguyên nhân khác có thể gây viêm ruột thừa nhẹ bao gồm:
- Tắc nghẽn lòng ruột thừa do sỏi, phân, giun, sán, khối u, cũng có thể do bạch cầu trong máu tăng cao
- Thương tổn do viêm loét ở niêm mạc gây nhiễm khuẩn ở thành ruột thừa.
- Các vi khuẩn gây bệnh thường gặp như E.coli, Bacteroides Fragilis.
Các biến chứng
Nếu không được chữa trị kịp thời, viêm ruột thừa mãn tính có thể phát triển thành các biến chứng như:
- Viêm ruột thừa cấp
- Vỡ ruột thừa
- Hình thành ổ áp xe
- Nhiễm trùng máu
- Viêm phúc mạc
Trong trường hợp ruột thừa bị thủng, bụng trở nên cứng và chướng lên, bạn cần gặp bác sĩ ngay.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa mãn tính?
Bác sĩ sẽ khám lâm sàng để loại trừ các bệnh khác có triệu chứng tương tự bằng cách:
- Xét nghiệm máu
- Khám phụ khoa
- Thử thai
- Phân tích nước tiểu
- Chụp CT
- Siêu âm bụng
- Chụp MRI
- Chụp X-quang
Một số bệnh có triệu chứng tương tự với viêm ruột thừa mãn tính bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa
- Bệnh Crohn
- Viêm đại tràng
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm trùng thận
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- U nang buồng trứng
- Viêm vùng chậu (PID)
Trong một số trường hợp, viêm ruột thừa mãn tính không được phát hiện kịp thời cho đến khi nó trở thành viêm ruột thừa cấp tính.
Những phương pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa mãn tính
Có nhiều phương pháp giúp điều trị viêm ruột thừa mãn tính. Dựa vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị cụ thể.
Đối với tình trạng viêm ruột thừa nhẹ hay có ổ áp xe nhưng chưa vỡ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, thuốc giảm đau và có thể cả thuốc làm mềm phân. Bác sĩ sẽ dẫn lưu ổ áp-xe thông qua da và sẽ phẫu thuật sau khi điều trị nhiễm trùng.
Đối với tình trạng nặng như vỡ áp xe, phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi hoặc mở ổ bụng. Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn hơn và giảm rủi ro biến chứng hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ phải phẫu thuật mở ổ bụng khi bị áp xe hoặc viêm phúc mạc.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa viêm ruột thừa mãn tính?
Viêm ruột thừa mãn tính có thể được hạn chế nếu bạn kịp thời thông báo các triệu chứng cho bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc và chăm sóc vết thương sau khi mổ. Nếu được hẹn tái khám, bạn cần đi khám đúng lịch để bác sĩ theo dõi biến chứng. Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ có thể làm giảm nguy cơ viêm ruột thừa, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-bmr]