TÌm hiểu chung
Hội chứng Dumping là gì?
Hội chứng Dumping là một tình trạng thường gặp sau khi phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày để điều trị giảm cân. Hội chứng Dumping còn được là hội chứng dạ dày rỗng nhanh chóng, nó xảy ra khi thức ăn, đặc biệt là đường, di chuyển từ dạ dày vào ruột non quá nhanh.
Hầu hết những người mắc hội chứng Dumping đều có các dấu hiệu và triệu chứng như đau quặn bụng và tiêu chảy, từ 10-30 phút sau khi ăn. Một số người có triệu chứng từ 1-3 giờ sau khi ăn, một số khác có thể bị sớm hơn hoặc muộn hơn.
Bạn có thể ngăn ngừa hội chứng Dumping bằng cách thay đổi chế độ ăn uống sau khi phẫu thuật. Những thay đổi có thể bao gồm ăn các bữa ăn nhỏ hơn và hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn của hội chứng Dumping, bạn có thể cần uống thuốc hoặc phẫu thuật.
Mức độ phổ biến của hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping phổ biến sau khi phẫu thuật dạ dày. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Dumping
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Dumping thường xảy ra ngay sau khi ăn, đặc biệt là bữa ăn với thức ăn chứa nhiều đường (sucrose) hoặc đường trái cây (fructose). Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng này có thể:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau quặn bụng
- Tiêu chảy
- Đỏ bừng mặt
- Chóng mặt, kém minh mẫn
- Nhịp tim nhanh
Các dấu hiệu và triệu chứng muộn của hội chứng Dumping xảy ra 1-3 giờ sau khi ăn do cơ thể giải phóng một lượng lớn insulin để hấp thụ số lượng lớn các loại đường có trong ruột non sau một bữa ăn có nhiều đường. Kết quả là lượng đường trong máu thấp.
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Dumping muộn có thể bao gồm:
- Đổ mồ hôi
- Đói
- Mệt mỏi
- Chóng mặt, choáng váng
- Yếu
- Nhịp tim nhanh
Một số người có cả các dấu hiệu và triệu chứng sớm và muộn. Một số khác phát triển hội chứng Dumping sau vài năm phẫu thuật.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:
- Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Dumping xuất hiện trong cơ thể ngay cả khi bạn chưa phẫu thuật.
- Các triệu chứng không được kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống.
- Bạn bị sụt cân nhiều do hội chứng Dumping. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn lập kế hoạch ăn uống.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra hội chứng Dumping
Trong hội chứng Dumping, thức ăn và dịch dạ dày từ dạ dày di chuyển đến ruột non không kiểm soát được, nhanh bất thường. Điều này thường liên quan đến những thay đổi trong dạ dày gây ra do phẫu thuật.
Hội chứng Dumping có thể xảy ra sau khi phẫu thuật dạ dày hoặc cắt bỏ thực quản. Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày để giảm cân là nguyên nhân phổ biến nhất hiện nay.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Dumping?
Có nhiều yếu tố nguy cơ mắc hội chứng Dumping như:
- Cắt dạ dày, trong đó một phần hoặc toàn bộ dạ dày được lấy ra.
- Phẫu thuật bắc cầu dạ dày (phẫu thuật Roux-en-Y), được thực hiện để điều trị bệnh béo phì. Phẫu thuật này tạo ra một túi dạ dày nhỏ hơn, nghĩa là bạn không thể ăn nhiều như bạn đã từng ăn. Túi này kết nối với ruột non dưới dạng cắt nối dạ dày-hỗng tràng.
- Cắt thực quản, một phần hoặc toàn bộ ống từ miệng đến dạ dày bị cắt bỏ.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng Dumping?
Bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp sau đây để xác định xem bạn có hội chứng Dumping hay không.
- Bệnh sử của bệnh nhân và đánh giá. Bác sĩ thường có thể chẩn đoán hội chứng Dumping bằng cách thu thập bệnh sử của bạn, đặc biệt nếu bạn đã phẫu thuật dạ dày cùng với đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng của bạn.
- Xét nghiệm đường huyết. Do lượng đường trong máu thấp đôi khi liên quan đến hội chứng Dumping, bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm (kiểm tra dung nạp đường uống) để đo lượng đường trong máu vào thời điểm cao nhất của các triệu chứng và giúp xác định chẩn đoán.
- Chụp rửa dạ dày. Một chất phóng xạ được thêm vào thức ăn để đo lượng thức ăn di chuyển nhanh chóng qua dạ dày.
Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng Dumping?
Hội chứng Dumping sớm có khả năng tự hết trong vòng 3 tháng. Trong thời gian chờ đợi, thay đổi chế độ ăn uống là một giải pháp tốt giúp bạn giảm các triệu chứng. Nếu không, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Thuốc
Đối với những người có dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng không thuyên giảm bởi chế độ ăn uống, bác sĩ sẽ kê đơn octreotide (Sandostatin), đây là những trường hợp hiếm gặp. Bác sĩ sẽ tiêm dưới da của bạn và thuốc này có thể làm chậm quá trình thức ăn đi vào ruột. Các tác dụng phụ có thể bạn sẽ gặp phải bao gồm buồn nôn, nôn và đau bụng.
Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ sử dụng một số thủ thuật phẫu thuật để điều trị các trường hợp khó của hội chứng Dumping, do không có cải thiện với các phương pháp mạnh. Hầu hết các phẫu thuật này là kỹ thuật tái tạo như tái tạo lại lỗ thông với tá tràng hoặc với mục tiêu nhằm đảo ngược phẫu thuật bắc cầu dạ dày.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý hội chứng Dumping?
Chế độ sinh hoạt và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với hội chứng Dumping:
- Có các bữa ăn nhỏ hơn. Bạn hãy thử ăn 5 hoặc 6 bữa ăn nhỏ một ngày thay vì ba bữa ăn chính.
- Tránh uống trong khi ăn. Bạn chỉ nên uống nước giữa các bữa ăn và tránh uống nước 30 phút trước khi ăn và 30 phút sau khi ăn.
- Thay đổi chế độ ăn uống. Bạn nên ăn nhiều protein hơn có trong thịt, bơ đậu phộng kem, cá và các dạng tinh bột phức hợp như bột yến mạch và các loại thực phẩm ngũ cốc khác có nhiều chất xơ. Bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm giàu đường như kẹo, đường, siro, nước ngọt và nước ép trái cây. Đường tự nhiên trong các sản phẩm sữa (lactose) có thể làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng của bạn. Bạn hãy thử lượng nhỏ thức ăn lúc đầu hoặc bỏ chúng nếu bạn nghĩ rằng chúng gây ra vấn đề. Bạn có thể cần gặp một chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn thêm về những gì cần ăn.
- Nhai kỹ. Bạn nên nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt để tốt cho việc tiêu hóa thức ăn.
- Ngồi thẳng sau khi ăn. Bạn không nên nằm trong 30-60 phút sau khi ăn.
- Tăng lượng chất xơ. Các chất xơ như psyllium, guar gum và pectin trong thực phẩm hoặc chất bổ sung có thể làm chậm sự hấp thụ tinh bột trong ruột non.
- Thảo luận ý kiến bác sĩ về việc uống rượu.
- Cung cấp đủ vitamin, chất sắt và canxi cho cơ thể. Những chất này đôi khi có thể bị cạn kiệt sau phẫu thuật dạ dày. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc uống các chất bổ sung nếu cần.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmr]