backup og meta

Chảy máu hậu môn là do đâu? Làm sao để điều trị hiệu quả?

Chảy máu hậu môn là do đâu? Làm sao để điều trị hiệu quả?

Chảy máu hậu môn do bất kỳ nguyên nhân nào, dù mức độ nặng hay nhẹ đều có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh. Đặc biệt khi lần đầu thấy các triệu chứng xuất hiện, người bệnh sẽ khó tránh khỏi cảm giác hoang mang và lo sợ. 

Dấu hiệu dễ nhất để nhận biết hậu môn bị chảy máu chính là đi đại tiện ra máu tươi. Tuy nhiên mức độ chảy máu có thể sẽ rất ít và kín đáo, chỉ biết được khi quan sát thấy một ít máu thấm vào giấy vệ sinh. Đôi khi, tình trạng có thể nặng hơn, lúc này máu chảy ra nhiều thành từng giọt, từng tia đồng thời kèm theo các biểu hiện khác như cảm giác đau tức quanh vùng hậu môn, mót rặn, sờ thấy cục u nhỏ ở rìa hậu môn… 

Chảy máu hậu môn: Khi nào cần đi khám?

Bị chảy máu hậu môn là bệnh gì là thắc mắc rất thường gặp ở những người gặp phải vấn đề này. Hiện tượng bị chảy máu hậu môn có thể do rất nhiều nguyên nhân. Ở một vài trường hợp nhẹ, tình trạng sẽ tự thuyên giảm khi người bệnh thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà. Chẳng hạn như đối với các trường hợp có nguyên nhân do táo bón lâu ngày, phân to cứng gây trầy xước dẫn đến chảy máu hậu môn sau khi đi vệ sinh hoặc do các vết nứt nông ở kẽ hậu môn (nứt kẽ hậu môn). 

Bên cạnh đó, hậu môn bị chảy máu cũng có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề nghiêm trọng hơn ở đường tiêu hóa. Đặc biệt khi cơ thể có các triệu chứng sau đây: 

  • Sốt cao, khó hạ sốt
  • Đau tức dạ dày
  • Chướng bụng, đau quặn bụng dưới
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Tình trạng chảy máu diễn ra liên tục và trầm trọng hơn
  • Giảm cân bất thường, không rõ lý do
  • Thay đổi thói quen đi ngoài, tiểu tiện không tự chủ
  • Tiêu chảy nặng hoặc kéo dài
  • Phân có kích thước nhỏ như bút chì
  • Phân có màu đen, màu hạt dẻ hoặc có lẫn nhầy
  • Chóng mặt, suy nhược hoặc ngất xỉu do mất máu nhiều
  • Đau hoặc chấn thương trực tràng
  • Nôn ra máu hoặc các vùng khác trên cơ thể có hiện tượng chảy máu, bầm tím
  • Khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều

Nếu biểu hiện chảy máu hậu môn đi kèm với một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Việc can thiệp đúng lúc của các bác sĩ có thể giúp phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Tìm hiểu thêm Nhìn phân đoán bệnh: Bí quyết “chẩn bệnh” chính xác chỉ trong vài giây

Điều trị chảy máu hậu môn theo từng nguyên nhân

Nhiều người khi bị chảy máu hậu môn thì rất hoang mang liền tìm cách chữa chảy máu hậu môn tại nhà ngay lập tức hay liên tục thắc mắc chảy máu hậu môn phải làm sao. Thực tế là đối với người bị chảy máu hậu môn, sau khi bác sĩ thăm khám và tìm ra lý do thì việc điều trị hoàn toàn dựa vào nguyên nhân. Vì thông thường, tình trạng hậu môn bị chảy máu thực chất là biểu hiện của bệnh lý khác, do đó, cần phải chữa trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh mới có thể khắc phục được triệu chứng ở hậu môn.

Bệnh trĩ

Trĩ là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu hậu môn, bệnh hình thành khi các đám rối tĩnh mạch xung quanh hậu môn bị phì đại quá mức tạo thành búi trĩ. Bệnh trĩ có thể được ngăn ngừa và cải thiện bằng việc thay đổi lối sống, người bệnh cần uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ để tránh bị táo bón. Nên dùng khăn ướt hoặc giấy vệ sinh ướt để lau sạch hoàn toàn và giảm kích ứng sau khi đi vệ sinh. Hạn chế việc nhịn đi ngoài, cũng như đừng căng thẳng hoặc ép bản thân phải đi ngoài vì áp lực có thể làm cho tình trạng trĩ trở nên tệ hơn.

Bên cạnh đó, việc dùng các thuốc mỡ không kê đơn và thuốc đặt hydrocortisone có thể giúp làm giảm bớt sự khó chịu. Búi trĩ dai dẳng có thể lòi ra ngoài hậu môn, đặc biệt là những người thường xuyên bị táo bón hoặc mót rặn, lúc này hãy rửa bằng nước ấm sau khi đi ngoài để giúp chúng co lại nhanh hơn. Nếu búi trĩ có kích thước lớn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thu nhỏ hoặc cắt bỏ chúng.

điều trị xuất huyết hậu môn

Vết nứt ở hậu môn

Rò hậu môn hay còn gọi là loét hậu môn, là tình trạng xuất hiện những vết rách nhỏ ở niêm mạc khiến hậu môn chảy máu. 

Các vết nứt ở hậu môn thường tự lành mà không cần điều trị hoặc có thể chữa tại nhà bằng các biện pháp sau: uống nhiều nước và bổ sung nhiều chất xơ hơn, chẳng hạn như ăn trái cây và rau quả hoặc có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ cung cấp chất xơ. Tắm bồn để tăng lưu lượng máu đến khu vực này và thư giãn cơ hậu môn.

Có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ (lidocain) để giảm bớt sự khó chịu. Ngoài ra, người bệnh cũng được khuyến khích dùng các thuốc nhuận tràng không kê đơn để kích thích nhu động ruột, giúp dễ dàng đi ngoài.

Nếu sau hai tuần áp dụng các cách chữa chảy máu hậu môn tại nhà mà các triệu chứng không thuyên giảm, hãy đi khám để đảm bảo việc chẩn đoán được chính xác cũng như bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp hơn cho bạn.

Bệnh viêm ruột (IBD)

Đây là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một số bệnh tự miễn về ruột kết, bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Mặc dù không có cách để chữa khỏi hầu hết các loại IBD, tuy nhiên việc điều trị bằng thuốc có thể cải thiện được một số vấn đề, chẳng hạn như dùng thuốc chống viêm giúp làm dịu đường tiêu hóa tránh các kích thích khiến hậu môn chảy máu, thuốc ức chế miễn dịch nhằm ngăn chặn hệ thống miễn dịch tấn công cơ thể hoặc thuốc kháng sinh để tiêu diệt bất kỳ vi khuẩn nào có thể gây ra IBD.

Cách chữa chảy máu hậu môn tại nhà, đối với các trường hợp IBD nghiêm trọng mà thuốc không kiểm soát được, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ các phần bị tổn thương. Nhìn chung, IBD cần sự theo dõi và chăm sóc y tế cẩn thận, duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tránh hút thuốc để giúp phòng tránh và ngăn ngừa tái phát bệnh.

Ung thư đại trực tràng

Ung thư đại trực tràng là tên gọi được dùng chung cho ung thư đại tràngung thư trực tràng. Hầu hết các loại ung thư này đều liên quan đến các khối u nhỏ được gọi là polyp, phát triển trên niêm mạc của ruột kết hoặc trực tràng.

Bệnh nhân bị chảy máu hậu môn do bệnh lý này sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Vì thế, nếu nghi ngờ mắc ung thư đại trực tràng, hãy đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và xác định tình trạng. Việc điều trị được thực hiện càng sớm thì kết quả đạt được sẽ càng tốt. Thông thường, bước đầu tiên là phẫu thuật để loại bỏ các polyp hoặc các vùng bị thương tổn. Sau đó, tùy vào diễn tiến bệnh mà bạn có thể cần phải hóa trị hoặc xạ trị để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại.

Biện pháp điều trị khác tại nhà

điều trị chảy máu hậu môn

Hậu môn chảy máu cho dù là vì nguyên nhân nào cũng có nguy cơ để lại các biến chứng không tốt đối với sức khỏe. Để góp phần đẩy nhanh quá trình điều trị và ngăn ngừa tái phát, ngoài việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp chữa trị tại nhà như sau:

  • Uống 8 đến 10 cốc nước mỗi ngày để tránh táo bón
  • Tắm hàng ngày bằng nước ấm để làm sạch vùng da xung quanh hậu môn
  • Giữ tinh thần thoải mái khi đi ngoài và tránh ngồi bồn cầu trong thời gian quá lâu
  • Tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống bằng cách thêm rau, trái cây, quả mọng, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc, các loại hạt và đậu
  • Có thể chườm túi đá lên vùng bị đau để giảm đau
  • Ngâm mình trong bồn tắm với lượng nước ấm vừa đủ ngập vùng hông và mông, có thể giúp giảm một số triệu chứng ngứa, đau và khó chịu của bệnh trĩ
  • Tránh xa rượu bia vì có thể làm mất nước, một trong những nguyên nhân gây táo bón
  • Tập thể dục và ăn kiêng để kiểm soát cân nặng, đồng thời kích thích thói quen đi ngoài đều đặn.

Chảy máu hậu môn không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thể biết được làm thế nào để điều trị tình trạng này một cách hiệu quả nhất.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Rectal Bleeding https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/14612-rectal-bleeding Ngày truy cập 10/01/2022

Gastrointestinal Bleeding or Blood in the Stool https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/gastrointestinal-bleeding-or-blood-in-the-stool Ngày truy cập 10/01/2022

Bleeding from the bottom (rectal bleeding) https://www.nhs.uk/conditions/bleeding-from-the-bottom-rectal-bleeding/ Ngày truy cập 10/01/2022

Rectal Bleeding. https://www.emedicinehealth.com/rectal_bleeding/article_em.htm#what_is_the_medical_treatment_for_rectal_bleeding. Ngày truy cập 05/01/2021

Why Is There Blood on the Toilet Paper?  https://www.healthline.com/health/blood-when-i-wipe. Ngày truy cập 05/01/2021

Phiên bản hiện tại

10/01/2022

Tác giả: Ngân Châu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

7 loại mụn ở hậu môn mà bạn không nên chủ quan

Ngứa hậu môn dai dẳng, có thể bạn đã bị nấm hậu môn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 10/01/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo