backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều bạn chưa biết về bệnh viêm túi thừa manh tràng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/06/2023

    Những điều bạn chưa biết về bệnh viêm túi thừa manh tràng

    Viêm túi thừa manh tràng là tình trạng viêm nhiễm các túi thừa ở manh tràng. Bệnh lý này tuy không hiếm gặp nhưng có thể gây ra những triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm nên bạn vẫn cần thăm khám và chữa trị sớm. 

    Túi thừa là những túi nhỏ và phồng hình thành trong niêm mạc hệ tiêu hóa, thường xuất hiện ở phần dưới của ruột già (đại tràng). Đây là tình trạng thường gặp, đặc biệt là sau 40 tuổi nhưng ít khi ảnh hưởng tới sức khỏe. Thế nhưng nếu những túi thừa này bị viêm thì có thể gây ra một số triệu chứng như sốt, buồn nôn hay đau bụng và cần can thiệp y tế. Nếu tình trạng viêm túi thừa này xảy ra ở manh tràng thì được gọi là viêm túi thừa manh tràng.

    Chứng viêm túi thừa manh tràng là gì?

    Manh tràng là phần đầu của đại tràng, nối liền đại tràng với hồi tràng (ruột non) và có chức năng chính là tiếp nhận thức ăn đã qua tiêu hóa ở ruột non. Manh tràng sẽ hấp thụ nước, muối khoáng và phân hủy chất cặn bã hoặc chất không thể tiêu hóa thành phân.

    Tình trạng viêm túi thừa manh tràng xảy ra khi một hoặc nhiều túi thừa ở manh tràng bị viêm, sưng hoặc nhiễm trùng. Bệnh lý này chiếm khoảng 10 – 15% các ca viêm túi thừa.

    Viêm túi thường manh tràng là tình trạng thường gặp người trên 40 tuổi với tỷ lệ khoảng 10%. Tỷ lệ mắc bệnh này với người trên 60 tuổi là khoảng 50% và với người trên 80 tuổi là 65%.

    Nguyên nhân gây viêm túi thừa manh tràng

    nguyên nhân viêm túi thừa manh tràng

    Tình trạng viêm túi thừa là do phân hoặc thức ăn đã được tiêu hóa bị kẹt ở các túi thừa, gây tắc nghẽn hệ tiêu hóa và dẫn đến viêm sau một thời gian. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:

    • Tuổi tác: Tuổi càng cao, bạn càng có nhiều nguy cơ bị viêm túi thừa manh tràng hơn. Cụ thể hơn, độ tuổi thường mắc bệnh ở nam giới là 40 – 50 tuổi và ở nữ giới 50 – 70 tuổi.
    • Di truyền: Thống kê cho thấy có khoảng 40 – 50% trường hợp viêm túi thừa manh tràng có liên quan đến yếu tố di truyền.
    • Chế độ ăn thiếu chất xơ: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống ít chất xơ có thể gây táo bón, từ đó ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tình trạng này làm tăng nguy cơ hình thành túi thừa và có thể dẫn đến viêm túi thừa. Ngoài ra, chứng táo bón cũng tạo áp lực lên các túi thừa và khiến các triệu chứng nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
    • Thừa cân: Theo nghiên cứu, những ai có chỉ số cơ thể cao và vòng eo lớn thường có nguy cơ viêm túi thừa manh tràng cao gấp đôi những người khác. Tình trạng thừa cân có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa, từ đó làm tăng nguy cơ viêm túi thừa.
    • Ít vận động: Những người có thói quen ngồi nhiều và ít hoạt động thể chất thường có nguy cơ viêm túi thừa manh tràng cao hơn những người vận động thường xuyên.
    • Một số loại thuốc: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen có thể làm tăng nguy cơ viêm túi thừa manh tràng cũng như khiến các triệu chứng viêm túi thừa nghiêm trọng hơn. Bạn cũng cần lưu ý khi dùng các loại thuốc corticosteroid đường uống và thuốc giảm đau opioid.
    • Thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc (hút thuốc lá thụ động) có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể, bao gồm viêm túi thừa manh tràng. Hơn nữa, thuốc lá cũng có thể tăng nguy cơ gặp các biến chứng như tổn thương mô, áp xe, hình thành lỗ rò, thủng ruột… Theo nghiên cứu thì người hút trên 10 điếu thuốc mỗi ngày có nguy cơ viêm túi thừa cao nhất. 

    Dấu hiệu chứng viêm túi thừa manh tràng

    dấu hiệu viêm túi thừa manh tràng

    Chứng viêm túi thừa manh tràng thường không có triệu chứng nhận biết cụ thể. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị chảy máu trực tràng hoặc đi đại tiện ra máu. Đôi khi, tình trạng viêm nhiễm còn có thể gây đau đột ngột và kéo dài. Một số triệu chứng khác có thể kể đến là đầy hơi, sưng bụng hoặc táo bón.

    Đối với các trường hợp nghiêm trọng, bạn cũng có thể bị đau hoặc nhạy cảm ở vùng bụng bên trái. Cơn đau ban đầu có thể nhẹ rồi đột ngột nặng hơn và kéo dài trong vài ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như:

    • Sốt hoặc ớn lạnh
    • Buồn nôn hoặc nôn
    • Quặn thắt ở phần bụng dưới
    • Chảy máu trực tràng hoặc phân lẫn máu
    • Táo bón hoặc tiêu chảy (triệu chứng tiêu chảy ít gặp hơn)

    Những dấu hiệu bệnh viêm túi thừa manh tràng khá tương tự các bệnh lý đường tiêu hóa khác như viêm ruột, viêm đại tràng, viêm loét dạ dày tràng, viêm ruột thừa, hội chứng ruột kích ứng hay sỏi mật. Vậy nên, bạn cần đi khám ngay khi có triệu chứng để có chuẩn đoán chính xác và chữa trị phù hợp.

    Chẩn đoán viêm túi thừa manh tràng

    chẩn đoán viêm túi thừa

    Khi thăm khám, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra triệu chứng, tiền sử bệnh lý và các loại thuốc bạn đang dùng để chẩn đoán bệnh viêm túi thừa manh tràng. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra vùng bụng để xác định cơn đau hoặc khám trực tràng để xác định lượng máu, khối u, cơn đau hoặc các vấn đề khác. Ngoài ra, để loại trừ các bệnh lý khác và xác định mức độ viêm nhiễm của túi thừa, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn thực hiện một số xét nghiệm như:

    • Kiểm tra hình ảnh: Để có thể quan sát hệ tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện siêu âm, chụp MRI, chụp CT hoặc chụp X-quang ổ bụng.
    • Nội soi đại tràng: Phương pháp nội soi giúp bác sĩ kiểm tra bên trong đường tiêu hóa và xác định được vị trí chính xác của túi thừa.
    • Xét nghiệm phân hoặc nước tiểu: Xét nghiệm này nhằm kiểm tra xem bạn có mắc các tình trạng nhiễm trùng khác như nhiễm trùng Clostridium Difficile không.
    • Xét nghiệm máu: Kiểm tra máu giúp xác định các vấn đề viêm nhiễm, thiếu máu hoặc các tình trạng liên quan đến thận và gan.
    • Khám phụ khoa và khám thai đối với nữ: Điều này giúp bác sĩ loại trừ trường hợp bạn mắc bệnh phụ khoa hoặc mang thai.

    Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn mắc viêm túi thừa manh tràng, các xét nghiệm này có thể giúp xác định mức độ viêm của túi thừa manh tràng và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

    Biến chứng của viêm túi thừa manh tràng

    biến chứng viêm túi thừa manh tràng

    Các biến chứng của bệnh viêm túi thừa manh tràng có thể rất nghiêm trọng, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị. Một số biến chứng có thể kể đến là:

    • Chảy máu trực tràng: Túi thừa manh tràng khi bị viêm có thể gây chảy máu từ trực tràng hay chảy máu khi đi đại tiện do mạch máu bị vỡ. Tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng nếu bạn chảy máu quá nhiều thì cần can thiệp y tế sớm.
    • Áp xe: Tình trạng nhiễm trùng ở túi thừa nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến áp xe. Đối với trường hợp áp xe nhỏ có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng các ổ áp xe lớn có thể phải điều trị bằng cách dẫn lưu thông qua kim tiêm.
    • Thủng thường tiêu hóa: Nếu tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, bạn có thể gặp biến chứng thủng đường tiêu hóa. Lỗ thủng nếu quá lớn có thể gây tích tụ mủ, máu bên trong khoang bụng và dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc.
    • Hình thành đường rò: Đường rò là đường nối bất thường giữa hai bộ phận trong cơ thể hoặc một bộ phận trong cơ thể và da hình thành khi có ổ áp xe chứa mủ bị vỡ và lan sang vùng khác. Chứng viêm túi thừa manh tràng có thể hình thành đường rò giữa manh tràng và da, đại tràng và ruột non hoặc đại tràng và bàng quang.
    • Tắc nghẽn ruột: Túi thừa manh tràng khi bị viêm nhiễm có thể gây ra mô sẹo. Các mô sẹo này nếu quá nhiều có thể khiến ruột bị tắc một phần hoặc hoàn toàn. Khi này, phân không thể đào thải nên bạn cần điều trị sớm để tránh nguy hiểm tới sức khỏe.

    Cách điều trị viêm túi thừa manh tràng

    điều trị viêm túi thừa manh tràng

    Phương pháp điều trị viêm túi thừa manh tràng sẽ tùy theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, biến chứng và tình trạng sức khỏe của bạn. Nếu không có biến chứng, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn các cách điều trị viêm túi thừa tại nhà như điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và dùng kháng sinh theo hướng dẫn. Trong trường hợp bệnh đã nghiêm trọng, bạn có thể cần nhập viện để truyền chất lỏng, thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch hoặc phẫu thuật để tránh rủi ro. Nhìn chung, các cách chữa trị có thể kể đến là:

    1. Điều chỉnh chế độ ăn uống 

    Bạn thường sẽ cần ưu tiên ăn thức ăn lỏng, tránh thức ăn đặc và uống nhiều nước trong vài ngày để hệ tiêu hóa không quá tải và manh tràng nhanh hồi phục hơn. Khi các triệu chứng đã cải thiện, bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm ít chất xơ như thịt gia cầm, trứng, sữa, bánh mì nguyên cám để cân bằng dinh dưỡng. 

    Sau khi hệ tiêu hóa bình phục hoàn toàn, bạn nên xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ để phòng ngừa các triệu chứng viêm túi thừa tái phát. Các loại thực phẩm giàu chất xơ bạn có thể tham khảo là các loại rau xanh và củ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, các loại đậu… Ngoài ra, bạn cũng nên tránh các món nhiều dầu mỡ hoặc có thể gây kích ứng để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa.

    2. Dùng thuốc theo chỉ định

    Nếu bạn bị đau quá nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê các loại kháng sinh điều trị viêm nhiễm cho bạn như Moxifloxacin, Metronidazole hay Amoxicillin.

    Bạn cần sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian chỉ định của bác sĩ ngay cả khi nhận thấy các triệu chứng đã cải thiện. Việc ngưng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh và khiến các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

    3. Dẫn lưu bằng kim

    Bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm đưa vào ổ bụng để dẫn lưu mủ ra khỏi túi thừa, từ đó giúp cải thiện tình trạng viêm.

    4. Phẫu thuật

    Đối với trường hợp viêm túi thừa manh tràng nghiêm trọng, kéo dài hoặc hay tái phát, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để điều trị triệu chứng và ngừa biến chứng. Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần manh tràng bị nhiễm trùng, sau đó nối các đoạn ruột khỏe mạnh lại với nhau. Nếu phần ruột phải cắt quá nhiều khiến bác sĩ không thể nối đại tràng và trực tràng, bác sĩ sẽ nối phần ruột lành với một lỗ hở trên bụng để thoát phân. Sau khi tình trạng nhiễm trùng đã lành, bác sĩ sẽ nối các đoạn ruột lại với nhau.

    Phòng ngừa viêm túi thừa manh tràng

    Bạn có thể phòng ngừa chứng viêm túi thừa manh tràng bằng cách xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn. Một số cách sinh hoạt và ăn uống lành mạnh bạn có thể tham khảo là:

    • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vào bữa ăn hằng ngày
    • Luôn uống đủ nước
    • Tránh các loại thực phẩm đã qua tinh chế
    • Tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ cho sức khỏe hệ tiêu hóa. Vận động thường xuyên cũng có thể giúp tránh táo bón và một số vấn đề liên quan.

    Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã hiểu rõ về tình trạng viêm túi thừa manh tràng và biết cách chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa tốt hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo