Bệnh sán dải chó thường gặp ở những vùng nông thôn có chăn nuôi chó và cừu, khu vực kém phát triển. Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này trong bài viết sau đây!
Tìm hiểu chung
Bệnh sán dải chó là gì?
Bệnh sán dải chó (hay bệnh dải dây chó) là tình trạng cơ thể người bị nhiễm kí sinh trùng do trứng của sán dải nhỏ thuộc chi Echinococcus gây ra. Tên khoa học của nó là Echinococcus granulosus, dài khoảng 2-7mm. Sán dải nhỏ thường sinh sống trong vật chủ là chó và cừu. Con người có thể mắc bệnh nếu vô tình ăn hoặc uống bất kì thứ gì bị nhiễm sán.
Sán dải chó tạo ra các u nang chứa đầy chất lỏng ở trong gan hoặc các cơ quan khác trong cơ thể.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh sán dải chó
Sán dải chó có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Đến khi, u nang sán phát triển trong gan, phổi hoặc các cơ quan khác, người bệnh sẽ có biểu hiện:
- Phổi: Ho kéo dài, đau ngực, khó thở, hụt hơi
- Gan: Vàng da, buồn nôn, nôn, đau bụng
- Dấu hiệu không đặc hiệu: Có máu trong phân, khối u gây sưng to ở vùng giữa của cơ thể, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, nổi mề đay hoặc phát ban trên da, tiêu chảy.
Bệnh sán dải chó có nguy hiểm không?
Nếu u nang sán phát triển đủ lớn, nó có thể chèn ép và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, thậm chí làm những cơ quan này ngừng hoạt động hoàn toàn. Những u nang này cũng có nguy cơ vỡ ra, dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.
Dấu hiệu u nang sán bị vỡ có thể bao gồm:
- Sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần cấp cứu ngay
- Đau bụng nặng
- Đột tử.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nhiễm sán dải chó là gì?
Sán dải chó sống kí sinh trong cừu – vật chủ chính. Khi chó ăn thịt cừu nhiễm bệnh sẽ bị nhiễm sán dải. Một người có thể bị bệnh sán dải chó nếu tiếp xúc với phân của chó chứa sán hoặc trứng sán. Khi ăn uống phải kí sinh trùng, nó sẽ xâm nhập qua thành ruột rồi đi vào hệ tuần hoàn và phát triển thành u nang. Sự lây nhiễm xuất phát từ việc:
- Uống nước bị ô nhiễm
- Ăn đất bị nhiễm bệnh còn sót lại trên rau xanh hoặc trái cây
- Vuốt ve, tiếp xúc với chó bị bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh sán dải chó sẽ tăng lên nếu bạn:
- Tẩy giun cho chó hoặc xử lý con chó nhiễm bệnh tại nhà
- Ăn uống hoặc ở chung với chó nhiễm bệnh
- Sinh sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh
- Giết mổ cừu hoặc một số vật nuôi khác làm thức ăn.
Bệnh sán dải chó có lây không?
Loại sán này không lây lan qua việc tiếp xúc giữa người với người. Vì vậy, bạn sẽ không nhiễm bệnh khi chạm hoặc ở gần với người mắc bệnh. Bạn chỉ mắc bệnh khi ăn phải trứng sán dải hoặc sán.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách chẩn đoán bệnh sán dải chó
Xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm máu là những cách phổ biến nhất để chẩn đoán bệnh sán dải chó.
- Xét nghiệm hình ảnh cho thấy kích thước, hình dạng và vị trí của u nang. Bác sĩ sẽ sử dụng chụp X-quang, chụp CT hoặc siêu âm. Đặc điểm đặc trưng của u nang sán là bị xẹp bên trong, thành có nhiều lớp, thành nang dày hoặc bị vôi hóa.
- Xét nghiệm máu cho thấy kháng thể đối với nhiễm trùng sán dải cao.
Những phương pháp điều trị sán dải chó
Phương pháp điều trị sán dải chó phụ thuộc vào kích thước và vị trí của u nang. Những cách phổ biến nhất là:
- Dùng thuốc: Các u nang nhỏ và nông, ở một vị trí có thể đáp ứng tốt với thuốc chống ký sinh trùng tên là benzimidazole. Thuốc này tiêu diệt sán và thu nhỏ u nang. Bác sĩ có thể kết hợp thuốc với chọc hút hoặc phẫu thuật nang sán.
- Kỹ thuật PAIR (chọc thủng u nang – dẫn lưu, tiêm hóa chất – dẫn lưu lại): Kỹ thuật này sử dụng kim hoặc ống thông để dẫn lưu u nang. Bác sĩ sẽ tiêm một hóa chất chống lại sán dải vào u nang rồi dẫn lưu. Họ có thể lặp lại quy trình này cho đến khi u nang đã sạch hoàn toàn.
- Phẫu thuật: Những u nang lớn và sâu đòi hỏi phải cắt bỏ hoàn toàn thông qua phẫu thuật. Quá trình này có thể loại bỏ một phần hoặc toàn bộ nang sán, hoặc thậm chí một phần lá gan. Vì phẫu thuật có rủi ro sẽ làm sán tràn vào trong khoang bụng nên chỉ những bác sĩ giàu kinh nghiệm mới thực hiện được.
Với bệnh này, tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật trung bình là khoảng 2.2%, tỷ lệ tái phát sau điều trị là 6.5%. Do đó, người bệnh cần được theo dõi và có thời gian phục hồi kéo dài.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh sán dải chó?
Cách duy nhất để kiểm soát bệnh sán dải chó là ngăn chặn sự lây lan của sán dải. Những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh nên:
- Tránh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì có thể đã tiếp xúc với phân chó
- Đưa chó đến bác sĩ thú y để tẩy giun, không nên tự tẩy giun cho chó ở nhà
- Không tiếp xúc với chó có khả năng bị nhiễm bệnh
- Không giết mổ cừu hoặc vật nuôi khác tại nhà
- Không để chó ăn thịt cừu bị nhiễm bệnh
- Rửa thật sạch trái cây và rau quả trước khi ăn
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc sau khi tiếp xúc với chó.
Tóm tắt về bệnh sán dây chó
[embed-health-tool-bmr]