Nắm bắt được những kiến thức về túi mật sẽ giúp bạn phòng ngừa được rủi ro cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của cơ quan này.
Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu những thông tin cơ bản về túi mật, triệu chứng, bệnh lý liên quan đến túi mật và hướng điều trị nhé!
Túi mật nằm ở đâu?
Túi mật là một cơ quan hình quả lê dài khoảng từ 6 – 8cm được tìm thấy bên dưới gan ở vùng trên bên phải của bụng. Chức năng của túi mật là dự trữ mật – một hợp chất do gan sản xuất để tiêu hóa chất béo, giúp cơ thể hấp thụ các vitamin và chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo.
Khi thức ăn đi vào ruột non sẽ giải phóng loại hormone gọi là cholecystokinin, báo hiệu túi mật co lại và tiết ra mật vào ruột non thông qua ống mật thông thường. Mật giúp quá trình tiêu hóa bằng cách phá vỡ chất béo và dẫn lưu chất thải từ gan vào tá tràng – một phần của ruột non.
Các triệu chứng cảnh báo bạn đang gặp bệnh túi mật bao gồm:
• Đau phần giữa hoặc đau phía trên bên phải của bụng: Cơn đau do các vấn đề về túi mật dao động từ mức độ nhẹ, không đều đến mức độ nghiêm trọng cao và đau thường xuyên hơn. Tình trạng đau thường xuất hiện ở ngực và lưng.
• Buồn nôn hoặc nôn: Bất kỳ vấn đề về túi mật có thể gây buồn nôn hoặc nôn. Các tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hóa lâu dài, gây ra buồn nôn thường xuyên.
• Sốt hoặc ớn lạnh: Điều này báo hiệu tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Nếu bạn bị nhiễm trùng, bạn cần điều trị trước khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Nhiễm trùng có thể trở nên đe dọa tính mạng nếu nó lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
• Thay đổi nhu động ruột: Các vấn đề về túi mật thường gây ảnh hưởng đến khả năng đại tiện. Tình trạng tiêu chảy thường xuyên, không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh mãn tính. Phân sáng màu có thể là dấu hiệu vấn đề về ống dẫn mật.
• Nước tiểu sẫm màu: Người bệnh bị các vấn đề về túi mật nước tiểu có thể sẫm hơn bình thường, tình trạng này có liên quan đến ống dẫn mật.
• Vàng da: Vàng da xảy ra khi mật gan không đến được vùng ruột để sử dụng, điều này thường xảy ra do vấn đề về gan hoặc do tắc nghẽn trong các ống dẫn mật do sỏi mật.
Bệnh lý về túi mật
Các bệnh lý về túi mật bạn có thể gặp phải bao gồm:
1. Viêm túi mật
Viêm túi mật được gọi là cholecystitis, có thể xảy ra cấp tính (ngắn hạn) hoặc mãn tính (dài hạn). Tình trạng viêm mãn tính là hậu quả của các đợt xuất hiện viêm cấp tính kéo dài. Đợt viêm cuối cùng có thể làm tổn thương cơ quan này, làm mất khả năng hoạt động chính xác.
2. Sỏi mật
Sỏi mật là những cặn nhỏ, cứng lại hình thành trong túi mật. Các yếu tố này có thể tích tụ, phát triển và không bị phát hiện trong nhiều năm. Trên thực tế, nhiều người bị sỏi mật và không phát hiện ra cho đến khi gây ra vấn đề, bao gồm viêm, nhiễm trùng và đau. Sỏi mật thường gây các cơn viêm cấp tính.
Sỏi mật thường có kích thước nhỏ, rộng không quá vài mm. Tuy nhiên, theo thời gian, sỏi có thể phát triển đến vài cm. Có người chỉ bị một viên, có những người lại bị nhiều hơn. Khi sỏi mật phát triển đến đủ kích thước sẽ bắt đầu chặn các kênh dẫn ra khỏi túi chứa.
Sỏi mật thường hình thành do sự dư thừa cholesterol hoặc muối mật. Bên cạnh đó còn một loại sỏi mật khác được hình thành từ canxi bilirubine – chất hóa học được sản xuất khi cơ thể phá vỡ các tế bào hồng cầu.
3. Sỏi ống mật chủ
Sỏi ống mật chủ là tình trạng sỏi mật xảy ra trong ống dẫn mật chung. Viên sỏi có thể được hình thành từ các sắc tố mật hoặc canxi và muối cholesterol.
4. Viêm túi mật không do sỏi
Tình trạng viêm túi mật không do sỏi có thể xảy ra do căng thẳng, chấn thương nặng, bỏng hoặc đại phẫu. Đây cũng có thể là biến chứng của viêm gan A, nhiễm khuẩn, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và nhịn đói kéo dài.
5. Nhiễm trùng ống mật chung
Tình trạng nhiễm trùng có thể xuất hiện khi ống mật chung bị tắc nghẽn. Nếu không điều trị sớm tình trạng này, nhiễm trùng có thể lan rộng và gây tử vong.
6. Áp xe túi mật
Tình trạng này là kết quả của viêm túi mật kéo dài mà không được điều trị hay điều trị không hiệu quả, hay còn được gọi là empyema. Mủ trong cơ quan này là sự kết hợp của các tế bào bạch cầu, vi khuẩn và mô chết. Sự phát triển của mủ, còn được gọi là áp xe có thể gây ra cơn đau bụng dữ dội. Nếu áp xe túi mật không được chẩn đoán và điều trị, có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng khi nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
7. Vỡ túi mật
Vỡ túi mật là biến chứng hiếm gặp của viêm túi mật và sỏi mật. Đây là một tình trạng đe dọa tính mạng. Nếu vết thủng không được phát hiện sớm có thể gây viêm phúc mạc và nhiễm trùng vùng bụng.
8. Polyp túi mật
Polyp là sự tăng trưởng mô bất thường. Những tăng trưởng này thường là lành tính hoặc không gây ung thư. Hầu hết polyp túi mật nhỏ không cần phải loại bỏ và ít gây ra những rủi ro tiềm ẩn.
Tuy nhiên, ở những polyp lớn hơn có thể cần phải được phẫu thuật cắt bỏ trước khi phát triển thành ung thư hoặc gây ra các vấn đề khác.
9. Túi mật sứ
Thành túi mật theo thời gian có thể xuất hiện sự tích tụ canxi do quá trình viêm mạn tính kéo dài. Bộ phận này khi dày lên sẽ mất đi sự đàn hồi, chức năng co bóp tống xuất dịch mật giảm làm rối loạn chức năng tiêu hóa. Nếu gặp tình trạng này, bạn có nguy cơ cao bị ung thư túi mật.
10. Ung thư túi mật
Ung thư túi mật là một bệnh tương đối hiếm gặp. Nếu không được phát hiện và điều trị, bệnh có thể có thể lan từ các thành bên trong đến các lớp bên ngoài gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán vấn đề túi mật
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề về cơ quan này, họ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm bao gồm:
• Xét nghiệm hình ảnh của túi mật: Siêu âm và CT scan thường được sử dụng để chụp ảnh cơ quan và kiểm tra sỏi mật.
• Xét nghiệm kiểm tra các ống dẫn mật: Các xét nghiệm này sử dụng thuốc nhuộm để cho biết liệu sỏi mật có gây tắc nghẽn trong các ống mật hay không. Các xét nghiệm này bao gồm chụp MRI, xạ hình gan mật (HIDA scan) và nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP).
• Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm máu để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm ống dẫn mật, viêm tụy hoặc các biến chứng khác do sỏi mật gây ra.
Điều trị vấn đề túi mật
Dưới đây là 3 hướng điều trị túi mật bạn có thể áp dụng:
1. Điều trị y tế
Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng các phương pháp như:
- Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), chẳng hạn như ibuprofen
- Nội soi tán sỏi ngoài cơ thể (Extracorporeal Shockwave Lithotripsy) – Phương pháp sử dụng sóng xung kích để phá vỡ sỏi mật và các khối khác
- Phẫu thuật loại bỏ sỏi mật hoặc cắt bỏ toàn bộ túi mật
Không phải tất cả các trường hợp đều cần phải điều trị y tế. Điều quan trọng là bạn cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn điều trị rõ ràng, tránh tự ý dùng thuốc hay nén đau không khám bệnh.
2. Chế độ ăn uống
Nếu bạn gặp vấn đề về cơ quan này, chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng đến khả năng hồi phục bệnh.
Thay vào đó, bạn hãy cố gắng xây dựng chế độ ăn uống bao gồm:
- Chất xơ: Những thực phẩm này gồm trái cây và rau quả
- Canxi: Bạn có thể chọn sữa ít béo và rau xanh đậm
- Vitamin C: Bạn có thể ăn những loại trái cây như cam, quýt, bưởi…
- Protein: Thực phẩm có thể đến từ động vật như gà, cá hay từ thực vật như các loại đậu
- Chất béo lành mạnh: chẳng hạn như các loại cá biển, cá béo hoặc các loại hạt
- Cà phê: Việc tiêu thụ ở mức độ vừa phải giúp làm giảm nguy cơ sỏi mật và các bệnh liên quan khác.
Những thực phẩm bạn nên tránh khi mắc bệnh bao gồm:
- Thực phẩm nhiều chất béo xấu như đồ chiên, dầu mỡ
- Thực phẩm đã chế biến như thức ăn đóng hộp
- Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như bánh mì trắng và đường
3. Thực hiện phòng ngừa
Mặc dù việc ngăn chặn hoàn toàn các vấn đề về túi mật là không thể, tuy nhiên bạn có thể thực hiện các bước để giảm nguy cơ phát triển sỏi mật hoặc tình trạng nhiễm trùng khác.
Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia (NIDDK) cho biết những nhóm người có nguy cơ cao bị sỏi mật bao gồm:
- Phụ nữ
- Người béo phì
- Người trên 40 tuổi
- Người có tiền sử gia đình sỏi mật
Nếu bạn là người khỏe mạnh hay đặc biệt ở trong nhóm có nguy cơ cao bị sỏi mật, bạn nên hạn chế:
- Giảm cân đột ngột
- Tăng cân quá mức
- Chế độ ăn nhiều calo nhưng ít chất xơ
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn những thông tin cơ bản về túi mật, triệu chứng, bệnh lý liên quan đến cơ quan này và hướng điều trị. Sức khoẻ túi mật rất quan trọng, do đó bạn hãy trang bị kiến thức thật kỹ để cơ quan này không bị tổn hại nhé!
Hoàng Trí HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmr]