backup og meta

Thuốc điều trị sỏi mật: Những lưu ý an toàn cần nắm

Thuốc điều trị sỏi mật: Những lưu ý an toàn cần nắm

Bên cạnh sự can thiệp phẫu thuật, thuốc điều trị sỏi mật cũng đóng vai trò quan trọng giúp tan sỏi, giảm đau và ngăn ngừa biến chứng. Vì thế, bạn cần biết khi nào cần sử dụng thuốc và dùng loại nào cho phù hợp với từng kích thước sỏi.

Các nhóm thuốc chữa trị sỏi mật tập trung vào ba mục tiêu chính là cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và làm tan sỏi mật. Trong bài viết sau, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các loại thuốc điều trị sỏi mật này nhé.

Thuốc điều trị giảm đau và cải thiện triệu chứng sỏi mật

Có khoảng 20% các trường hợp sỏi mật sẽ gây đau hạ sườn phải. Điều này thường xảy ra trong các trường hợp:

  • Sỏi di chuyển, cọ xát vào thành túi mật, ống mật
  • Sỏi làm tắc đường mật gây ứ mật dẫn tới đau do căng giãn
  • Sau khi dùng các bữa ăn thịnh soạn với nhiều thức ăn dầu mỡ

Cơn đau do sỏi có thể đi kèm với hiện tượng buồn nôn, nôn ói hoặc sốt. Để giảm cơn đau này, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn dùng thuốc giảm đau tạm thời, thuốc chống co thắt cơ trơn… Mỗi loại thuốc sẽ phù hợp với một mức độ đau khác nhau từ nhẹ đến nặng. Do đó, bạn cần dùng theo đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ.

Thuốc điều trị sỏi mật

Sỏi mật hiếm khi gây ra biến chứng, tuy nhiên nếu có thì những biến chứng này thường khá nặng và người bệnh cần nhập viện gấp để điều trị. Các biến chứng nguy hiểm có thể bao gồm:

  • Viêm túi mật
  • Viêm tụy do sỏi mật
  • Nhiễm trùng đường mật
  • Áp xe gan – đường mật

Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc kháng sinh, thuốc lợi mật, thuốc chống viêm, phù nề… để làm giảm triệu chứng, sau đó tiến hành phẫu thuật nếu cần thiết. 

Một số loại thuốc điều trị sỏi mật bác sĩ có thể chỉ định bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) như ibuprofen, aspirin…
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc sử dụng khi có nhiễm khuẩn, thường là kháng sinh phổ rộng như cephalosporin thế hệ 3 và 4, aminoglycoside…
  • Thuốc chống co thắt cơ trơn đường mật: Công dụng của thuốc là để giảm đau cho người bị cơn đau quặn mật như atropin, papaverin…

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Sỏi túi mật uống thuốc gì mới giảm đau và tan sỏi?

Thuốc làm tan sỏi acid mật cholesterol

Thuốc điều trị làm tan sỏi gồm hai nhóm chính là thuốc tan sỏi với bản chất là acid mật và thuốc tan sỏi từ hỗn hợp tinh dầu.

Thuốc tan sỏi với bản chất là acid mật

Bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc làm tan sỏi acid mật cholesterol

Đại diện của nhóm thuốc tan sỏi với bản chất là acid mật bao gồm urodeoxycholic acid (Actigall) và chenodeoxycholic acid (Chenodal). Những loại thuốc tan sỏi với bản chất là acid mật có khả năng hòa tan sỏi cholesterol từ từ, đồng thời ức chế sản xuất cholesterol ở gan và ngăn ngừa hấp thu ở ruột.

Thuốc tan sỏi với bản chất là acid mật sẽ có hiệu quả tốt với sỏi cholesterol (sỏi túi mật). Tuy nhiên, các thuốc này vẫn còn gây ra một số nhược điểm như:

  • Tỷ lệ tái phát sỏi cao: Tỷ lệ tái phát sỏi lên đến trên 50% do thuốc không giải quyết được các nguyên nhân gây sỏi.
  • Thời gian dùng thuốc không cố định: Thời gian sử dụng thuốc có thể từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào kích thước sỏi và đáp ứng cơ thể.
  • Hiệu quả điều trị giới hạn: Thuốc chỉ hiệu quả nếu kích thước sỏi nhỏ hơn 2cm, chưa bị canxi hóa, chưa gây biến chứng và túi mật còn hoạt động tốt.
  • Xuất hiện tác dụng phụ: Thuốc dùng dài ngày có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, hoặc viêm gan, viêm loét dạ dày – tá tràng…

Thuốc điều trị sỏi mật từ hỗn hợp tinh dầu

Thuốc chữa trị sỏi mật từ hỗn hợp tinh dầu

Thuốc làm tan sỏi mật có thành phần từ tinh dầu điển hình là Rowachol, có khả năng lợi mật, giảm bão hòa cholesterol dịch mật và giảm nguy cơ hình thành sỏi mới. Thuốc còn có tác dụng giảm cơn co thắt ống mật, từ đó giảm triệu chứng đau hạ sườn phải, đầy trướng. Tuy nhiên, thuốc Rowachol cũng chỉ có hiệu quả với sỏi cholesterol và thường phải kết hợp với acid chenodeoxycholic để nâng cao hiệu quả làm tan sỏi mật.

Thời gian sử dụng thuốc Rowachol thường kéo dài từ 6 tháng – 2 năm. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc là táo bón, khô miệng, viêm loét miệng do nóng, ợ hơi…

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Điều trị sỏi mật: Dễ hay khó là do chính bạn! 

Hy vọng những thông tin về các loại thuốc điều trị sỏi mật vừa rồi sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh tình tốt hơn. Bên cạnh dùng thuốc, bạn cũng cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tiến hành thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Are There Natural Ways to Treat Gallstones?
https://www.healthline.com/health/how-to-get-rid-of-gallstones
Ngày truy cập: 08/04/2019

Understanding Gallstones — Diagnosis and Treatment
https://www.webmd.com/digestive-disorders/understanding-gallstones-treatment#1
Ngày truy cập: 08/04/2019

Gallstones (Cholelithiasis) Medication
https://emedicine.medscape.com/article/175667-medication
Ngày truy cập: 08/04/2019

Phiên bản hiện tại

10/12/2020

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

Cách chữa sỏi mật bằng Đông y không cần phẫu thuật


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 10/12/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo