Ngộ độc thực phẩm (hay trúng thực) là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra do ăn hoặc uống phải các loại thực phẩm bị ô nhiễm do vi sinh vật hay thực phẩm có chứa chất độc hại (độc tố, hóa chất). Sơ cứu ngộ độc thực phẩm là một kỹ năng cơ bản, cần thiết cho mọi người để nhanh chóng giúp đỡ nhưng ai không may mắc phải tình trạng này.
Cùng tìm hiểu các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nguy hiểm và cách sơ cứu cho người mắc phải tình trạng này thông qua bài viết sau.
Triệu chứng ngộ độc thực phẩm cho thấy cần sơ cứu ngay
Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm thường không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác. Bạn cần tiến hành sơ cứu ngộ độc thực phẩm nếu có các triệu chứng sau:
- Các dấu hiệu trên đường tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,…
- Biểu hiện mất nước: khát nước, khô môi, khô da, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu,…
- Nếu tác nhân gây ngộ độc là do vi khuẩn có thể có dấu hiệu nhiễm trùng: sốt, lưỡi bẩn,…
- Nếu ngộ độc nghiêm trọng sẽ có các triệu chứng:
- Trên hệ thần kinh: rối loạn cảm giác, yếu, liệt, cứng cơ, nhìn mờ, co giật, lẫn lộn, lơ mơ, hôn mê,…
- Trên hệ tim mạch, hô hấp: đau ngực, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở,…
- Trên hệ tiêu hóa: đau bụng liên tục, tiêu chảy nhiều, phân có máu,…
Các biểu hiện trên có thể xảy ra ngay sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, hoặc thậm chí sau đến vài giờ hoặc vài ngày.
Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm nên làm gì? Thông thường, triệu chứng ngộ độc thức ăn sẽ tự khỏi trong vòng 48 giờ. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi và thực hiện các cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà như bù nước và chất điện giải, bổ sung men vi sinh, dùng các loại thảo dược tốt cho tiêu hóa (gừng, thì là, húng quế, lá ổi, cỏ sữa, rau sam,…), ăn thức ăn lỏng và dễ tiêu.
Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất, đồng thời thực hiện các biện pháp sơ cứu sau ngay lập tức:
1. Cách đầu tiên để sơ cứu ngộ độc thực phẩm là gây nôn
Nếu phát hiện mới ăn hoặc uống phải thực phẩm bị ô nhiễm mà người bệnh còn tỉnh táo, chưa có các triệu chứng ngộ độc, cần kích thích để giúp họ nôn hết thực phẩm gây độc trong dạ dày ra ngoài. Đây là cách trị ngộ độc thực phẩm nhanh nhất và giúp hạn chế chất độc ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.
Cách thực hiện: Cho người bệnh uống 1 ly nước muối pha loãng rồi dùng ngón tay sạch móc, ngoáy vào vị trí góc cuống lưỡi gần họng (móc họng) để kích thích nôn.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Không phải trường hợp nào cũng nên thực hiện sơ cứu ngộ độc thực phẩm bằng cách gây nôn. Ví dụ, nếu chất độc gây ăn mòn, việc gây nôn có thể làm bỏng cổ họng.
- Với trường hợp người bệnh lờ đờ, hôn mê, co giật hoặc khó thở thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
- Trong lúc tiến hành gây nôn, hãy đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu kê hơi cao để chất nôn không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ tử vong do sặc hoặc ngạt thở.
- Trong trường hợp trẻ em bị ngộ độc, cần hết sức cẩn thận khi thực hiện vì có thể gây trầy xước cổ họng và gây sặc cho trẻ.
- Nếu thấy người bệnh thở khó, nghẹt thở thì dùng tay sạch kéo lưỡi người bệnh ra ngoài, không để lưỡi tụt vào trong họng để giúp người bệnh dễ thở hơn.
- Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì cần được đặt nằm nghiêng sang một bên và không cho bất cứ vật gì vào miệng.
2. Nghỉ ngơi và bù nước
Nếu tình trạng nôn ói, tiêu chảy do ngộ độc diễn ra nhiều lần, người bệnh có thể bị mất nước. Mất nước là tình trạng rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến sốc giảm thể tích và trụy tuần hoàn. Do đó, điều quan trọng là bù nước và chất điện giải cho người bệnh.
Hãy cho người bệnh uống từng ngụm nước nhỏ. Nếu người bệnh vẫn còn tỉnh táo và có khả năng uống, hãy cho họ dùng dung dịch Oresol để bù nước. Tuy nhiên, hãy đọc kỹ hướng dẫn để pha nước đúng tỷ lệ và nên pha với nước đun sôi để nguội. Không đun sôi dung dịch và không dùng dung dịch đã pha quá 24 giờ. Ngoài ra, hãy bổ sung thêm nước hoa quả, nước cháo loãng, nước canh…
3. Sơ cứu ngộ độc thực phẩm cần theo dõi thường xuyên
Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm nhẹ? Nếu các biểu hiện nhẹ, sau khi sơ cứu, bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà nhưng cần theo dõi người bệnh thường xuyên. Đừng vội chủ quan khi thấy người bệnh tỉnh táo, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra tình trạng sức khỏe và điều trị theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết.
Nếu có các triệu chứng bất thường như suy hô hấp, rối loạn ý thức, co giật, không thể gây nôn; triệu chứng kéo dài hơn 2-3 ngày; đi tiêu ra máu trong vòng 24 giờ thì hãy ngay lập tức gọi 115 và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong lúc đó, theo dõi nhịp thở, nhịp tim, huyết áp,… Nếu có thể, hãy giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ bị ô nhiễm, kể cả mẫu bệnh phẩm mà người bệnh nôn ra để mang đến cơ sở y tế. Điều này cũng giúp ích cho việc xác định nguyên nhân gây ra ngộ độc và có hướng điều trị phù hợp.
Những điều nên làm và nên tránh trong quá trình hồi phục sau ngộ độc thực phẩm
Bên cạnh việc nắm các cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm, bạn cũng nên lưu ý những điều sau đây trong quá trình hồi phục:
Nên làm
- Ăn uống từ từ trở lại với thức ăn nhạt, dễ tiêu như bánh mì, cơm, thịt gà, chuối,…
- Nếu vẫn buồn nôn thì không nên cố ăn.
- Bổ sung probiotic (men vi sinh) giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tái khởi động lại hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Nên tránh
- Không nên tự ý dùng thuốc chống nôn ói hay thuốc cầm tiêu chảy. Đây là những phản ứng tự nhiên giúp cơ thể loại bỏ chất độc ra ngoài.
- Không nên chủ quan với bất kỳ biểu hiện nào.
- Không tự ý điều trị theo các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng hiệu quả.
- Sau khi có thể ăn uống lại, hãy tránh các loại thực phẩm sau:
- Các thực phẩm gây khó tiêu, dễ kích thích gây buồn nôn như đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ,…
- Sữa và thực phẩm chế biến từ sữa động vật như bơ, phô mai,… Hạn chế nhóm này trong vài ngày vì lúc này cơ thể bệnh nhân không dung nạp được lactose, có thể gây đầy bụng và khó tiêu.
- Đồ uống có gas, có cồn vì chúng chứa các chất kích thích và gây lợi tiểu, làm nặng thêm tình trạng mất nước.
- Đồ tái, còn sống, chưa qua chế biến.
- Đồ ngọt như bánh, kẹo,…
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách thực hiện sơ cứu ngộ độc thực phẩm nếu chẳng may gặp phải tình huống này. Tốt nhất, bạn vẫn nên chủ động phòng tránh ngộ độc bằng cách ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo quản thực phẩm đúng cách và giữ vệ sinh cá nhân.
[embed-health-tool-bmr]