Phẫu thuật hậu môn nhân tạo (colostomy) là thủ thuật giúp đưa một đầu của ruột già ra ngoài qua thành bụng để tạo lỗ thải (stoma). Đây là nơi túi trữ phân được gắn vào.
Vậy có bao nhiêu loại túi hậu môn nhân tạo và đâu là cách chăm sóc hậu môn nhân tạo đúng cách? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trước và sau khi thực hiện thủ thuật này.
Khi nào cần làm hậu môn nhân tạo?
Thủ thuật này được thực hiện ở những người gặp vấn đề về ruột dưới và cần tạm thời chuyển phân ra khỏi ruột. Đây là lúc túi hậu môn nhân tạo được sử dụng để giữ phân ở bên ngoài ruột già.
Ở người có bệnh lý đại tràng như ung thư đại tràng, người bệnh có thể làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn sau khi cắt bỏ hoàn toàn đại tràng.
Những tình trạng sức khỏe có thể cần thực hiện hậu môn nhân tạo vĩnh viễn gồm:
- Tắc ruột, chấn thương ruột
- Bệnh Crohn
- Ung thư đại trực tràng
- Polyp đại tràng
- Viêm túi thừa
- Dị tật bẩm sinh vùng hậu môn
- Hội chứng ruột kích thích
- Viêm loét đại tràng
Những rủi ro của thủ thuật
Tương tự như bất kỳ loại phẫu thuật nào, người làm hậu môn nhân tạo cũng có thể phải đối mặt với những nguy cơ phản ứng dị ứng với thuốc gây mê và chảy máu quá nhiều.
Ngoài ra, thủ thuật này cũng mang những rủi ro tiềm ẩn khác như:
- Tắc nghẽn đại tràng
- Tổn thương các cơ quan khác
- Thoát vị
- Nhiễm trùng
- Xuất huyết nội
- Các vấn đề từ mô sẹo
- Sa hậu môn nhân tạo
- Miệng vết mổ bị hở
Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật?
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu, khám sức khỏe và xem xét toàn bộ bệnh sử của người bệnh. Trong những lần thăm khám này, hãy báo cho bác sĩ nếu bạn đã từng trải qua bất kỳ cuộc phẫu thuật nào trước đây, mọi loại thuốc bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc không kê đơn hay thực phẩm chức năng.
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn ít nhất 12 giờ trước khi phẫu thuật và uống thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ vào đêm trước khi phẫu thuật để giúp làm sạch ruột.
Bạn cũng nên chuẩn bị cho giai đoạn hậu phẫu từ 3-7 ngày. Hãy soạn các vật dụng cần thiết và phù hợp để ở lại bệnh viện và dành thời gian nghỉ làm. Nếu có con hoặc thú cưng, đừng quên sắp xếp người chăm sóc.
Các loại hậu môn nhân tạo hiện nay
Những loại hậu môn nhân tạo (HMNT) thường dùng trong thủ thuật này là:
- HMNT đại tràng sigma (phổ biến nhất). Đại tràng sigma nằm gần cuối của đại tràng, ngay trước trực tràng. Đặt HMNT ở vị trí này giúp tạo phân cứng hơn, tương tự như phân bình thường.
- HMNT đại tràng ngang. Đây là vùng phía trên vùng thượng vị, hấp thu nước ít hơn đoạn thấp của đại tràng nên phân ở đại tràng ngang thường mềm hơn. Tại đây có 3 kiểu mở HMNT.
- Kiểu đầu tận: Có tính chất vĩnh viễn, được làm sau phẫu thuật cắt đại trực tràng.
- Kiểu quai: Thực hiện nhanh hơn kiểu đầu tận và thường mang tính chất tạm thời nhưng dễ có nguy cơ thoát vị cạnh HMNT.
- Kiểu nòng súng: Cũng thực hiện nhanh hơn kiểu đầu tận và thường mang tính chất tạm thời, được thực hiện đóng hậu môn nhân tạo ở thì sau.
- HMNT đại tràng xuống. Được mở ở phần bên trái của ổ bụng, thực hiện ở những ca ung thư trực tràng. Phân từ kiểu hậu môn này thường rắn do đã đi qua gần hết toàn bộ khung đại tràng.
- HMNT đại tràng lên. Chỉ có một phần của đại tràng thực hiện chức năng tiêu hóa, hấp thu dẫn đến chất thải vẫn còn tỉ lệ nước cao, phân tiết ra ngoài thường lỏng, gây khó khăn cho việc chăm sóc. Đây là loại ít được thực hiện.
Quy trình thực hiện phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, người bệnh được gắn truyền dịch và thuốc gây mê toàn thân. Khi đã được làm sạch và sát khuẩn vùng mổ, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường trên bụng người bệnh.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ xác định vị trí lý tưởng của ruột già để mở lỗ stoma và cắt đoạn ruột ở khu vực thích hợp, đưa qua thành bụng. Sau đó, họ cấy một chiếc vòng vào thành bụng người bệnh. Vòng này có tác dụng giữ cố định phần cuối của ruột, có thể đặt vĩnh viễn hoặc tạm thời để giúp làm lành vùng da xung quanh phần ruột bị hở.
Sau khi ổn định, bác sĩ tiến hành khâu vết thương và đưa người bệnh vào phòng hồi sức, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn quan trọng để đảm bảo thành công cho ca mổ.
Chăm sóc hậu môn nhân tạo
Bước đầu sau phẫu thuật, người bệnh cần làm quen dần lại với thức ăn, từ nước đến các món lỏng và sau cùng là thức ăn mềm nhằm tránh xảy ra vấn đề về tiêu hóa.
Lượng phân hay khí từ đường tiêu hóa đi vào trong túi sẽ phụ thuộc vào loại hậu môn nhân tạo và chế độ ăn uống.
Một số điểm cần lưu ý:
- Khi hồi phục sau phẫu thuật, người bệnh không nên để túi hậu môn đầy quá một nửa nhưng cũng tránh lấy túi ra nhiều hơn 1 lần trong ngày trừ khi có vấn đề.
- Phần da xung quanh lỗ stoma cần được vệ sinh sạch sẽ, giữ khô để tránh nhiễm trùng. Viền lỗ mở hậu môn luôn có màu đỏ hồng, đôi khi có thể bị rỉ chút máu, điều đó là thường gặp và không kéo dài nhưng có thể tái diễn nhiều lần.
- Người bệnh có thể lựa chọn trang phục bình thường. Túi hậu môn nhân tạo được thiết kế có thể nằm gọn dưới lớp quần áo và có màn chắn khí chống mùi hôi. Mùi hôi chỉ thoát ra khi người bệnh tháo túi để làm sạch.
- Người bệnh vẫn có thể tiến hành các hoạt động thường nhật như đi làm, chơi thể thao. Tuy nhiên, cần vận động hợp lý để không gây tổn thương.
- Nếu tắm, người bệnh có thể lấy túi ra nhưng điều này là không cần thiết và thường không được khuyến khích vì sẽ không kiểm soát được trường hợp thải phân.
Các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh cụ thể hơn về cách sử dụng túi hậu môn nhân tạo cũng như tư vấn chế độ ăn uống, mức độ hoạt động. Điều quan trọng là người bệnh không nên bỏ qua những kỳ tái khám với bác sĩ để kiểm tra tình trạng túi hậu môn, không để túi rò rỉ hoặc để vùng da ở vị trí lỗ stoma bị kích ứng trong thời gian dài.
[embed-health-tool-bmr]