backup og meta

Mách bạn cách pha chế các loại trà thảo mộc giúp giảm đầy bụng

Mách bạn cách pha chế các loại trà thảo mộc giúp giảm đầy bụng

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy một số loại trà thảo mộc có thể giúp giảm đầy bụng. Thực tế có khoảng  20 – 30% người từng trải qua tình trạng cảm thấy khó chịu khi bị đầy hơi. 

Từ xưa đến nay, người Việt Nam ta vẫn thích sử dụng các phương pháp từ thiên nhiên để giảm đầy hơi, và một trong số đó là uống trà thảo mộc. Bạn hãy học cách pha chế trà thảo mộc để có thể tận hưởng chúng ngay tại nhà bạn vào bất cứ lúc nào.

Đầy bụng là một trong những tình trạng rất thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây đầy bụng, có thể kể đến như: không dung nạp thực phẩm, khí tích tụ trong ruột, sự mất cân bằng các vi khuẩn đường ruột, viêm loét, táo bón và nhiễm ký sinh trùng. Dù ảnh hưởng ít hay nhiều lên đường tiêu hóa thì các nguyên nhân này đều khiến bụng của bạn cảm thấy khó chịu.

Có nhiều loại trả thảo mộc có công dụng làm dịu các triệu chứng đầy hơi và khó tiêu. Dưới đây là cách pha chế 8 loại trà thảo dược giúp đẩy lùi tình trạng khó chịu khi bị đầy hơi một cách dễ dàng.

1. Trà bạc hà

Trong y học cổ truyền, bạc hà (Mentha piperita) được biết như một loại thảo mộc giúp làm dịu các vấn đề về tiêu hóa. Ngoài ra, vì có hương vị the mát nên bạc hà có công dụng giúp sảng khoái tinh thần.

Một số nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cho thấy các hợp chất flavonoid có trong bạc hà có thể ức chế hoạt động của tế bào mast (hay còn gọi là dưỡng bào). Đây là những tế bào tồn tại trong hệ miễn dịch, xuất hiện nhiều trong ruột và là một trong những nguyên nhân gây đầy hơi. Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy bạc hà làm thư giãn ruột, có thể làm giảm co thắt ruột cũng như những cơn đau và đầy hơi đi kèm.

Ngoài ra, viên nang dầu bạc hà có thể làm giảm đau bụng, đầy hơi và các tình trạng về tiêu hóa khác. Tuy nhiên, một gói trà bạc hà có thể cung cấp tinh dầu nhiều gấp 6 lần viên nang dầu bạc hà. Do đó, trà bạc hà có thể sẽ hữu hiệu trong việc giảm bớt triệu chứng đầy hơi.

Bạn có thể mua trà bạc hà hoặc tự pha chế tại nhà để đẩy lùi cảm giác khó chịu ở bụng.

Cách pha trà bạc hà 

Để pha trà, cho 1 muỗng canh (1,5g) lá bạc hà khô, 1 túi trà bạc hà hoặc 3 muỗng canh (17g) lá bạc hà tươi vào 1 cốc nước sôi (240 ml), ngâm trong khoảng 10 phút. Thế là bạn đã có một ly trà bạc hà nóng rồi.

2. Trà tía tô đất

Pha chế các loại trà thảo mộc 2

Tía tô đất (Melissa officinalis) có mùi chanh nhẹ nhàng và vị man mát giống bạc hà, vì loài cây này cũng thuộc họ bạc hà.

Dựa vào cách dùng dân gian của nó, Cơ quan Quản lý thuốchâu Âu cho rằng trà tía tô đất có thể giúp làm giảm các vấn đề tiêu hóa nhẹ như đầy hơi và khó tiêu.

Cách pha trà tía tô đất

Để có một tách trà tía tô đất, bạn chỉ cần cho 1 muỗng canh (3g) lá tía tô đất khô hoặc 1 túi trà tía tô đất vào trong 1 ly nước sôi (240ml), để yên trong khoảng 10 phút và thưởng thức.

3. Trà ngải đắng

Pha chế các loại trà thảo mộc 5

Ngải đắng (Artemisia absinthium) là một loại thảo mộc thường được dùng làm trà đắng. Đây là một loại thảo mộc có vị rất đắng, tuy nhiên bạn có thể làm dịu vị đắng này bằng chanh và mật ong.

Nhờ vị đắng đặc trưng, ngải đắng đôi khi được sử dụng trong thuốc hỗ trợ tiêu hóa. Nguyên do là vì các loại gia vị và thảo mộc có vị đắng thường giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa rất tốt.

Các nghiên cứu ở người cho thấy viên nang ngải đắng có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm chứng đầy hơi và khó chịu ở vùng bụng trên. Loại thảo dược này giúp tăng tiết dịch tiêu hóa, có thể giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và giảm đầy bụng. Các nghiên cứu trên động vật và trong phòng thí nghiệm cho thấy cây ngải đắng cũng có thể tiêu diệt các ký sinh trùng, một trong những “thủ phạm” gây khó tiêu.

Lưu ý là bạn không nên uống trà ngải đắng khi mang thai, vì trong thành phần loại trà này có chứa thujone, một hợp chất có thể gây co bóp tử cung.

Cách pha trà ngải đắng

Để pha trà ngải đắng, hãy ngâm 1 muỗng cà phê (1,5g) thảo mộc khô vào 240 ml nước đun sôi trong 5 phút.

4. Trà gừng

Trà gừng là trà được pha chế từ củ của cây gừng và được sử dụng để điều trị các tình trạng liên quan đến dạ dày kể từ xa xưa.

Các nghiên cứu ở người cho thấy uống viên nang gừng từ 1 – 1,5g mỗi ngày với liều chia nhỏ có thể làm giảm buồn nôn. Thêm vào đó, việc uống trà gừng có thể giúp tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, giảm khó chịu đường tiêu hóa, giảm co thắt ruột cũng như chướng bụng đầy hơi.

Người ta thường nghiên cứu về chiết xuất của gừng chứ không nghiên cứu nhiều về trà gừng. Tuy nghiên, các hợp chất có lợi cho đường tiêu hóa (chẳng hạn như gingerols) trong chiết xuất gừng cũng có mặt trong trà.

Cách pha trà gừng 

Công thức để pha trà gừng: Cho từ ¼ – 1/2 muỗng cà phê (0,5 – 1g) bột gừng, rễ gừng khô hoặc 1 túi lọc trà gừng vào 1 cốc (240ml) nước đun sôi. Ngâm trà trong khoảng 5 phút và  thưởng thức.

Không chỉ gừng khô, các bạn cũng có thể pha trà bằng gừng tươi. Cho một cốc nước (khoảng 240ml) vào nồi, sau đó thêm khoảng 6g gừng đã thái lát vào, đun trong khoảng 10 phút. Trà gừng có vị cay, bạn có thể dùng mật ong và chanh để làm dịu vị cay.

5. Trà thì là

Hạt của cây thì là (Foeniculum vulgare) được dùng để pha trà và có vị tương tự như cam thảo. Theo dân gian, thì là được sử dụng để điều trị các rối loạn tiêu hóa, bao gồm: đau bụng, chướng bụng, đầy hơi và táo bón.

Các nghiên cứu ở chuột cho thấy, phương pháp điều trị bằng chiết xuất cây thì là giúp bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi nguy cơ bị viêm loét. Viêm loét là một nguyên nhân gây nên đầy bụng, vì vậy việc ngăn ngừa tình trạng này sẽ giúp giảm nguy cơ bị đầy hơi.

Táo bón cũng được xem là một nguyên nhân góp phần gây nên chứng đầy hơi. Thì là giúp làm tăng khả năng co bóp của dạ dày ở động vật và làm giảm thời gian vận chuyển thức ăn trong hệ tiêu hóa. Vì vậy, thì là có tác động rất tốt lên táo bón cũng như đầy hơi.

Một nghiên cứu trên những người lớn tuổi bị táo bón kinh niên ở viện dưỡng lão cho thấy rằng, trong 28 ngày, những người uống trà hạt thì là đi tiêu nhiều hơn gấp 4 lần so với những người uống giả dược.

Cách pha trà thì là 

Nếu không muốn sử dụng trà túi lọc, bạn có thể mua hạt cây thì là và nghiền nhỏ chúng ra để pha trà uống. Cho 1 – 2 muỗng cà phê (2 – 5g) hạt thì là vào 1 cốc (240ml) nước sôi rồi để yên trong khoảng 10 – 15 phút.

6. Trà từ rễ cây long đởm

Pha chế các loại trà thảo mộc 3

Cây long đởm (Gentiana lutea) hay còn gọi là cây gentiana vàng, là một cây có hoa màu vàng, có phần rễ rất dày.

Khi uống trà từ rễ cây long đởm, ban đầu bạn có thể cảm thấy vị ngọt nhưng sau đó lại vương lại vị đắng trên đầu lưỡi. Một số người thích dùng chung trà long đởm với trà hoa cúc và mật ong.

Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cây long đởm từ lâu đã được sử dụng làm thuốc và trà thảo dược giúp giảm đầy hơi, trướng bụng và các vấn đề tiêu hóa khác. Ngoài ra, chiết xuất từ rễ loại cây này có thể được sử dụng để điều chế thuốc tiêu hóa.

Trong thành phần của long đởm chứa các hợp chất thường gặp trong những loại thực vật có vị đắng, đó là iridoids và flavonoid. Những hợp chất này kích thích quá trình tiết dịch tiêu hóa, giúp nghiền nát thức ăn và có thể làm giảm đầy hơi.

Tuy nhiên, không nên uống trà từ rễ cây long đởm nếu bạn bị viêm loét, vì nó có thể làm tăng độ axit dạ dày. Hiện nay, tác dụng thật sự của trà long đởm vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng, vì vậy bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Cách pha trà long đởm 

Để pha trà long đởm, hãy cho khoảng ¼ – ½ muỗng cà phê (1-2 gram) rễ khô vào cốc chứa 240ml nứớc nóng, để yên trong khoảng 10 phút.

7. Trà hoa cúc La Mã

Cúc La Mã (Chamomillae romanae) là một loài cây thuộc họ cúc. Cúc La Mã là loài cây thân thảo nhỏ, hoa màu trắng, nhìn giống như cúc tỉ muội. Trong y học dân gian, cúc La Mã thường được dùng để điều trị khó tiêu, đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn và viêm loét.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật đã chứng minh rằng cúc La Mã có thể giúp phòng ngừa vi khuẩn Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn có thể gây viêm loét dạ dày kèm theo đầy hơi.

Trong các bộ phận của cây cúc La Mã, hoa là bộ phận chứa nhiều các hợp chất có lợi nhất, đặc biệt phải kể đến các loại flavonoid. Vì vậy, việc uống trà hoa cúc La Mã sẽ mang lại tác dụng tốt hơn trà từ các phần khác của cây.

Cách pha trà hoa cúc La Mã

Để có một ly trà hoa cúc La Mã, bạn chỉ cần ch0 khoảng 1 muỗng canh hoa cúc khô (2 – 3g) hoặc 1 túi lọc trà hoa cúc, để yên trong vòng 10 phút. Đợi trà nguội và thưởng thức để cảm nhận hương vị cũng như lợi ích tuyệt vời của nó.

8. Trà rễ cây bạch chỉ

Pha chế các loại trà thảo mộc 1

Loại trà này được làm từ rễ của cây bạch chỉ cảnh (Angelica archangelica), một loại cây thuộc họ hoa tán. Loại thảo mộc này có vị đắng nhưng nếu kết hợp với tía tô đất và dùng pha trà uống sẽ ngon hơn.

Các loại thảo mộc có vị đắng thường giúp kích thích sản xuất nhiều dịch tiêu hóa hơn, từ đó giúp quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn. Thêm vào đó, các nghiên cứu cho thấy rằng rễ cây bạch chỉ giúp làm giảm táo bón, một nguyên nhân quen thuộc gây nên tình trạng đầy bụng.

Các mẹ bầu không nên uống trà từ rễ cây bạch chỉ khi đang mang thai vì chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh về tính an toàn của nó đối với thai phụ và thai nhi.

Cách pha trà rễ cây bạch chỉ 

Bạn chỉ cần thêm 1 muỗng cà phê (2.5g) rễ cây bạch chỉ khô vào 240ml nước sôi, để yên trong vòng 5 phút là đã có ngay một tách trà bạch chỉ rồi.

Trà thảo dược là một phương thuốc tự nhiên đơn giản mà bạn có thể áp dụng khi gặp các vấn đề về tiêu hóa như trướng bụng và đầy hơi. Từ xa xưa, người ta đã sử dụng các loại trà thảo dược này để giúp cải thiện các vấn đề về tiêu hóa. Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú, trước khi uống trà thảo mộc cần hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho bé.

Khi bạn cảm thấy khó chịu, hãy thử áp dụng những cách pha chế các loại trà thảo mộc này để cảm thấy khỏe hơn nhé.

Phương Quỳnh/HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

 

Bloating 101: Why You Feel Bloated

https://www.webmd.com/digestive-disorders/features/bloated-bloating#1

Ngày truy cập: 10/04/2019

Drink These 7 Teas the Next Time You’re Bloated

https://www.mydomaine.com/teas-for-bloating

Ngày truy cập: 10/04/2019

8 Herbal Teas to Help Reduce Bloating

https://www.healthline.com/nutrition/tea-for-bloating#section9

Ngày truy cập: 10/04/2019

Phiên bản hiện tại

21/04/2019

Tác giả: Phương Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Các tác dụng phụ của thuốc NSAIDs trên đường tiêu hoá trong điều trị viêm khớp

13 Thực phẩm khó tiêu, gây đầy bụng bạn nên lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 21/04/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo