Mặc dù, tình trạng đau bụng dưới từng cơn không quá phổ biến, nhưng vẫn có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng mà bạn không nên bỏ qua.
Vùng bụng dưới là vùng bụng được tính từ ngang rốn trở xuống, bao gồm các cơ quan như ruột già, ruột non, đường tiết niệu và cơ quan sinh sản. Các cơn đau ở vị trí này thường đau quặn theo từng cơn và kéo dài âm ỉ trong một thời gian. Trong bài viết bên dưới, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về 6 nguyên nhân đau bụng dưới từng cơn.
1. Viêm túi thừa gây đau bụng dưới từng cơn
Đây là tình trạng nhiễm trùng ở các túi thừa, túi phồng nhô ra từ ruột già hoặc ruột kết. Đa số các tình trạng viêm túi thừa đều nhẹ và không gây nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như thủng ruột. Khi túi thừa bị viêm, người bệnh sẽ cảm giác đau bụng dưới quặn từng cơn ở bên trái và một số triệu chứng khác kèm theo như:
- Buồn nôn và ói mửa
- Sốt
- Ớn lạnh
- Táo bón
- Có máu đỏ trong phân
- Chuột rút
Khi được chẩn đoán viêm túi thừa, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nghỉ ngơi và ăn các món lỏng đến khi hồi phục. Ngoài ra, một số trường hợp sẽ được kê toa kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc sử dụng thuốc acetaminophen để giảm đau.
2. Viêm ruột thừa
Ruột thừa là một ống có kích thước bằng ngón tay nằm ở vị trí kết nối giữa ruột non và ruột già. Chức năng của ruột thừa còn nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn, nhưng nếu bị viêm thì có thể gây ra bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, đôi khi tử vong.
Khi bị viêm ruột thừa, người bệnh cần được cấp cứu để cắt bỏ phần ruột thừa và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Sau đây là một số triệu chứng viêm ruột thừa gồm:
- Quặn đau bụng dưới theo cơn dữ dội ở bên phải – nơi chứa ruột thừa, đây cũng là dấu hiệu chính của bệnh viêm ruột thừa
- Bắt đầu, cơn đau ở vùng rốn và di chuyển xuống vùng bụng dưới
- Đau bụng từng cơn và đau quặn khi ho, hắt hơi, hít vào hoặc cử động
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Chán ăn (không cảm thấy đói dù đã vận động liên tục)
- Sốt nhẹ (dưới 38 độ C)
- Buồn nôn và nôn.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân đau bụng dưới từng cơn
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ thống tiết niệu gồm niệu đạo, niệu quản, bàng quang và thận. Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến gây đau bụng dưới từng cơn ở nữ và cả nam giới.
Con gái và phụ nữ dễ gặp tình trạng này hơn do niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể) ở phụ nữ ngắn hơn, lại gần hậu môn hơn, nên vi sinh vật dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng. Một số triệu chứng chính bao gồm:
- Đau ở bên (mạn sườn), vùng bụng bàng quang hoặc vùng xương chậu
- Áp lực ở khung xương chậu dưới
- Thường xuyên cần đi tiểu, nhất là đi tiểu đêm, tiểu gấp và không kiểm soát (bị rò rỉ nước tiểu)
- Đi tiểu buốt và tiểu ra máu
- Màu nước tiểu bất thường (nước tiểu đục) và nước tiểu có mùi hôi nồng nặc
- Đau khi quan hệ tình dục…
4. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Triệu chứng đau quặn bụng dưới từng cơn có thể liên quan đến hội chứng ruột kích thích. Đây là một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, được phân loại dựa theo sự bất thường của nhu động ruột:
- IBS kèm theo táo bón (IBS-C): Người bệnh sẽ bị đau bụng dưới từng cơn, kèm theo khó đi tiêu do phân bị cứng và vón cục.
- IBS kèm theo tiêu chảy (IBS-D): Người bệnh sẽ bị đau bụng dưới dữ dội và đi tiêu phân lỏng, có nước.
- IBS với thói quen đại tiện hỗn hợp (IBS-M): Bên cạnh đau bụng dưới, tình trạng này khiến người bệnh bị tiêu chảy và táo bón luân phiên.
Hội chứng ruột kích thích khiến cơ ruột kết có xu hướng co lại nhiều hơn, gây ra chuột rút và đau đớn cho người bệnh. Khi đó, những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày sẽ giúp điều trị thuyên giảm hội chứng này, cụ thể như sau:
- Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống hoặc thử ăn theo thực đơn có chế độ FODMAP thấp
- Tăng cường các thực phẩm có chứa nhiều probiotics, những “vi khuẩn tốt” này có thể giúp cải thiện các triệu chứng.
- Uống nhiều nước lọc và hạn chế các thức uống có tính chất kích thích đường ruột như trà hay cà phê
- Tập thể dục thường xuyên hoặc tập luyện các kỹ thuật giúp thư giãn
- Chia nhỏ các bữa ăn để dễ tiêu hóa hơn.
5. Đau bụng dưới từng cơn do hành kinh
Đau bụng dưới âm ỉ từng cơn hoặc đau bụng dưới lúc đau lúc không là một triệu chứng phổ biến ở phụ nữ trong những ngày hành kinh. Đặc biệt, khi con gái đau bụng dưới có thể nghĩ ngay đến nguyên nhân này trước.
Trước kỳ kinh, nồng độ hormon prostaglandin sẽ tăng dần, đây là hormone kích hoạt các cơn co thắt trong tử cung để đẩy lớp niêm mạc đã bị bong ra thoát ra ngoài. Những cơn co thắt này là nguyên nhân chính gây đau bụng.
Tuy nhiên, các chị em phụ nữ nên lưu ý là nếu cường độ các cơn đau tăng dần và không có dấu hiệu thuyên giảm thì nên đến bác sĩ kiểm tra, vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn như:
- Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): Xảy ra trong khoảng 1 hoặc 2 tuần trước khi kinh nguyệt xuất hiện do cơ thể thay đổi nội tiết tố.
- Lạc nội mạc tử cung: Xảy ra khi những tế bào từ niêm mạc tử cung phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể như trên ống dẫn trứng, buồng trứng hoặc mô lót trong khung chậu.
- U xơ trong tử cung: U xơ là những khối u không phải ung thư, có thể gây áp lực lên tử cung hoặc gây ra kinh nguyệt bất thường.
- Bệnh viêm vùng chậu (PID): Một bệnh nhiễm trùng ở tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục gây ra. Bệnh lý này có thể gây viêm và đau cơ quan sinh sản.
- Hẹp cổ tử cung: Đây là một tình trạng hiếm gặp, trong đó cổ tử cung quá nhỏ hoặc hẹp khiến kinh nguyệt lưu thông chậm lại, gia tăng áp lực bên trong tử cung và gây đau bụng phía bụng dưới.
Trường hợp đau bụng dưới từng cơn do kinh nguyệt gây ra, một số biện pháp sau đây sẽ giúp giảm nhẹ cơn đau như:
- Sử dụng một miếng đệm nóng chườm lên vùng xương chậu hoặc lưng
- Tắm nước ấm và kết hợp với massage nhẹ vùng bụng
- Tập thể dục thường xuyên
- Ăn các bữa ăn nhẹ, bổ dưỡng
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn hoặc yoga
- Dùng thuốc chống viêm như ibuprofen vài ngày trước khi có kinh
- Uống vitamin và các chất bổ sung như: vitamin B6, vitamin B1, vitamin E, axit béo omega-3.
6. Nguyên nhân đau bụng dưới do táo bón
Táo bón làm khô phân, khiến phân trở nên cứng và khó tống xuất ra khỏi cơ thể. Bất kỳ ai cũng sẽ có nguy cơ bị táo bón, nhưng một số đối tượng sau sẽ có nguy cơ cao hơn gồm:
- Những người lớn tuổi thường ít vận động hơn, trao đổi chất chậm hơn và sức co bóp cơ dọc đường tiêu hóa kém hơn so với người trẻ.
- Phụ nữ, nhất là những ai đang mang thai hoặc vừa sinh em bé. Nguyên nhân do sự thay đổi nội tiết tố hoặc em bé trong bụng chèn ép ruột và làm chậm quá trình di chuyển của phân.
- Không ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ. Việc tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ giúp cho thức ăn di chuyển qua hệ tiêu hóa.
- Đang dùng một số loại thuốc.
- Mắc một số bệnh về thần kinh (bệnh não và tủy sống) hoặc rối loạn tiêu hóa.
Hello Bacsi hy vọng rằng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về các nguyên nhân gây đau bụng dưới từng cơn.
[embed-health-tool-bmr]