Việc nhận diện đúng các giai đoạn của bệnh trĩ sẽ giúp bạn có hướng chăm sóc, điều trị thích hợp để nhanh khỏi bệnh.
Bệnh trĩ có thể dễ dàng chữa khỏi mà không cần tiểu phẫu nếu phát hiện sớm. Do đó, việc hiểu rõ về các giai đoạn tiến triển của bệnh sẽ giúp bạn có cơ hội điều trị và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
Bạn biết gì về bệnh trĩ?
Bệnh trĩ còn có tên gọi dân gian là bệnh lòi dom. Đây là tình trạng các đám rối tĩnh mạch nằm ngay dưới lớp niêm mạc trong thành trực tràng hoặc hậu môn bị phình to, dần dần tạo thành búi trĩ. Bệnh trĩ thường được phát hiện khi đại tiện bị chảy máu. Nặng hơn nếu búi trĩ sa ra ngoài dễ bị nghẹt, cọ xát gây đau đớn, viêm nhiễm và các biến chứng khác. Khi được phát hiện và quan tâm điều trị sớm, bệnh trĩ dễ dàng được chữa khỏi.
Dựa vào vị trí búi trĩ mà chia thành trĩ ngoại và trĩ nội.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết trĩ ngoại vì chúng hình thành từ đám rối tĩnh mạch trực tràng ngoài nằm ở mặt trong của rìa hậu môn.
Trong khi đó bệnh trĩ nội là sự phình to đám rối tĩnh mạch trực tràng trong, nằm ở vùng lược (nối trực tràng với hậu môn). So với trĩ ngoại, trĩ nội đáng lo ngại hơn vì thường được phát hiện muộn hơn. Các giai đoạn của bệnh trĩ thường được dùng để nói về trĩ nội.
Các giai đoạn (cấp độ) của bệnh trĩ
1. Các giai đoạn của bệnh trĩ nội
Dựa vào tình trạng búi trĩ mà người ta chia bệnh trĩ thành 4 giai đoạn hay cấp độ, cụ thể như sau:
Trĩ cấp độ 1
Là giai đoạn trĩ mới hình thành, ít gây ảnh hưởng đến người bệnh. Búi trĩ nhỏ nên bạn không cảm nhận được. Khi đại tiện phân cứng, búi trĩ có thể bị trầy xước, dẫn đến việc đi tiêu phân có lẫn máu hoặc máu dính trên giấy vệ sinh. Trường hợp nhận thấy dấu hiệu đi tiêu có máu, bạn có thể nghĩ đến trĩ nếu bị chảy máu mà không phải do rách hậu môn. Với bệnh trĩ cấp độ 1, bạn không có cảm giác đau nhưng có thể có cảm giác ngứa ngáy nhẹ ở hậu môn.
Trĩ cấp độ 2
Giai đoạn này bệnh trĩ được nhận biết rõ ràng là cục thịt nhỏ lồi ra ngoài ống hậu môn khi bạn rặn trong lúc đi đại tiện, nhưng dễ dàng thu ngược vào sau đó. Tình trạng chảy máu khi đi đại tiện xảy ra thường xuyên hơn, máu nhiều và tươi hơn.
Trĩ cấp độ 3
Đây là giai đoạn bệnh trĩ bắt đầu nặng và diễn tiến nhanh. Ở giai đoạn này, búi trĩ bị đẩy ra ngoài khi rặn nhưng không tự co vào mà phải dùng tay ấn trở vào trong hậu môn. Máu tích tụ nhiều trong búi trĩ có thể phun mạnh khi đại tiện. Búi trĩ bị các mẩu phân li ti và dịch nhầy hậu môn bám vào gây ngứa, khó chịu, việc lau liên tục để giảm ngứa càng làm trầm trọng vấn đề. Đau, khó chịu tăng, thậm chí là người bệnh có cảm giác đau ngay khi đứng, ngồi quá lâu hay vận động mạnh…
Trĩ cấp độ 4
Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh trĩ. Búi trĩ sa hoàn toàn ra ngoài và không thể đẩy vào. Người bệnh luôn cảm thấy đau đớn. Búi trĩ liên tục bị cọ xát, dễ dàng chảy máu dù chỉ đứng hoặc ngồi, dẫn đến viêm nhiễm. Trĩ cấp độ 4 rất có nguy cơ gây biến chứng nếu không được điều trị đúng.
2. Các giai đoạn của bệnh trĩ ngoại
Đối với trĩ ngoại, biểu hiện các giai đoạn của bệnh trĩ có nhiều khác biệt do vị trí dễ nhận thấy:
- Trĩ cấp độ 1: Búi trĩ bằng hạt đậu. Có thể thấy cộm, đau nhẹ khi ngồi. Đôi khi chảy máu lượng ít lúc đại tiện.
- Trĩ cấp độ 2: Búi trĩ lớn thêm. Đau rát tăng, ngứa ngáy hậu môn. Có thể gây cảm giác vướng víu kể cả khi đứng hoặc ngồi.
- Trĩ cấp độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn, rất dễ chảy máu khi đại tiện hoặc cọ xát vào quần. Máu tích tụ trong búi trĩ có thể hình thành huyết khối, khiến búi trĩ bị sưng, có màu xanh tím. Khi huyết khối tan thường để lại mẩu da thừa.
- Cấp độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài hoàn toàn. Cảm giác đau khó mà chịu đựng được, dễ biến chứng thành các viêm nhiễm nghiêm trọng.
Giải đáp thắc mắc: Mắc bệnh trĩ nên làm gì?
Trĩ cấp độ 1 và 2
Nếu bị bệnh trĩ cấp độ 1 hay 2, bạn cần tập trung vào điều trị nguyên nhân gây trĩ, búi trĩ có thể từ từ biến mất. Búi trĩ hình thành do áp lực lên tĩnh mạch trực tràng, hậu môn, gây ra bởi tình trạng lặp lại của táo bón, rặn quá mạnh, đứng nhiều, ngồi lâu liên tục, hoạt động nặng cần gồng ổ bụng, thừa cân, mang thai. Tiêu chảy mạn tính, thói quen ngồi lâu trên bồn vệ sinh cũng có thể gây bệnh trĩ.
Do đó, khi mới phát hiện bệnh, bạn có thể thử thay đổi những thói quen kể trên. Nên cải thiện bệnh táo bón, làm mềm phân bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau xanh (tốt hơn dùng chất xơ bổ sung), uống đủ nước, đi vệ sinh ngay khi thấy có nhu cầu.
Nếu tình trạng vẫn không cải thiện hoặc có thêm bất thường, cần gặp bác sĩ để loại trừ những căn bệnh nguy hiểm như chảy máu trong ruột, polyp trực tràng, ung thư trực tràng…
Trĩ cấp độ 3 và 4
Ở cấp độ nặng hơn, búi trĩ thường xuyên bị cọ xát gây kích ứng, viêm, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc uống, đôi khi kết hợp với kem bôi ngoài, chủ yếu để giảm đau, kháng viêm. Việc ngâm hậu môn trong nước ấm từ 10 – 15 phút mỗi ngày cũng giúp cải thiện triệu chứng rất tốt. Cần chú ý giữ vệ sinh hậu môn, có thể dùng nước, xà phòng để rửa và dùng khăn hay giấy mềm thấm khô ráo. Tránh lau xát mạnh khiến tình trạng thêm nghiêm trọng.
Trĩ giai đoạn nặng không thể tự biến mất mà cần đến các biện pháp can thiệp ngoại khoa như chích xơ mạch máu, khâu triệt mạch bằng siêu âm Doppler (THD), thắt dây thun, phương pháp Longo… Không giống các cách truyền thống tác động trực tiếp vào búi trĩ, những phương pháp này ít xâm lấn hơn, hạn chế gây đau và giúp vết thương mau lành.
Mong rằng bạn đã có được những thông tin hữu ích về các giai đoạn của bệnh trĩ qua bài viết trên. Bệnh trĩ phát triển theo thời gian. Do đó, để phòng ngừa và điều trị trĩ luôn cần chế độ ăn uống lành mạnh, giữ thói quen đại tiện hợp lý và vận động thể dục điều độ.
[embed-health-tool-bmr]