backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Nguyên nhân bị trĩ là gì? Liệu bạn đã biết tại sao bị trĩ chưa?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 19/02/2024

Nguyên nhân bị trĩ là gì? Liệu bạn đã biết tại sao bị trĩ chưa?

Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch ở trực tràng và/hoặc hậu môn bị sưng lên, tương tự như bệnh suy giãn tĩnh mạch. Bệnh này gây nhiều bất tiện, khó chịu cũng như đau đớn cho người bệnh. Trĩ xuất phát từ đâu? Nếu biết được nguyên nhân bị trĩ, bạn sẽ có biện pháp để phòng ngừa bệnh xảy ra và ngăn bệnh tiến triển nặng. Vậy, tại sao bị trĩ? Cùng Hello Bacsi đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Nguyên nhân bị trĩ là gì?

Bệnh trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng, gọi là bệnh trĩ nội. Bệnh cũng có thể hình thành bên dưới vùng da xung quanh hậu môn, được gọi là bệnh trĩ ngoại. Không có sự khác nhau giữa nguyên nhân bị trĩ ngoại và nguyên nhân bị trĩ nội.

Các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn đều có xu hướng căng ra khi chịu áp lực, sau đó có thể sưng lên. Nguyên nhân bệnh trĩ là do áp lực tăng lên ở phần dưới của trực tràng và hậu môn. Bất kỳ hình thức nào làm gia tăng áp lực lên vùng bụng hoặc chi dưới đều có thể khiến các tĩnh mạch hậu môn và trực tràng bị sưng và viêm. Bệnh trĩ có thể phát triển do:

  • Rặn khi đi đại tiện
  • Ngồi lâu trong thời gian dài
  • Bị tiêu chảy mạn tính hoặc táo bón
  • Thừa cân, béo phì
  • Mang thai
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
  • Chế độ ăn ít chất xơ
  • Thường xuyên nâng vật nặng.

nguyên nhân bị trĩ là gì?

Các yếu tố nguy cơ có thể là một phần nguyên nhân gây bệnh trĩ

Ngoài biết nguyên nhân bị trĩ là gì thì bạn cũng cần biết thêm các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy mắc mắc bệnh. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh trĩ, ngay cả thanh thiếu niên. Tuy nhiên, vì bệnh trĩ cần một thời gian dài để phát triển nên chúng không phổ biến ở trẻ em.

Bạn có thể dễ bị trĩ hơn khi:

  • Lớn tuổi. Nguy cơ mắc bệnh trĩ tăng dần lên theo tuổi tác, đặc biệt là trong độ tuổi từ 45 đến 65. Điều này là do các mô hỗ trợ tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn dần suy yếu và căng ra do lão hóa.
  • Mang thai. Tình trạng suy yếu mô hỗ trợ còn thường xuyên xảy ra khi mang thai vì thai nhi đè nén gây áp lực lên vùng hậu môn.

Biết nguyên nhân bị trĩ để có cách phòng ngừa

nguyên nhân bị trĩ và cách phòng ngừa

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, từ đó đi qua trực tràng – hậu môn một cách dễ dàng. Để làm được điều này, bạn nên:

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Bạn hãy ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn này giúp làm mềm phân và tăng khối lượng của phân. Như vậy, bạn có thể tránh được tình trạng rặn khi đi vệ sinh – là một nguyên nhân bị trĩ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thêm chất xơ vào chế độ ăn uống một cách từ từ để tránh các vấn đề về đầy hơi.
  • Uống nhiều nước: Uống 6 đến 8 ly nước và các chất lỏng khác mỗi ngày để giúp làm phân mềm hơn. 
  • Tránh uống rượu: Vì rượu gây mất nước. 
  • Cân nhắc bổ sung chất xơ: Hầu hết mọi người không nhận đủ chất xơ trong chế độ ăn uống hằng ngày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các chất xơ bổ sung không kê đơn có thể mua dễ dàng ở các nhà thuốc, chẳng hạn như psyllium hoặc methylcellulose, có thể làm giảm chảy máu và các triệu chứng của bệnh trĩ. Nếu bạn sử dụng chất xơ bổ sung, hãy nhớ uống ít nhất 8 ly nước hoặc chất lỏng khác mỗi ngày để hạn chế nguy cơ gây táo bón hoặc làm bệnh nặng hơn. Thông thường, phụ nữ nên bổ sung 25 gam, trong khi nam giới nên bổ sung 35 gam chất xơ mỗi ngày.
  • Không rặn khi đại tiện: Rặn và nín thở khi cố gắng đi đại tiện sẽ tạo ra áp lực lớn hơn trong các tĩnh mạch ở phần dưới trực tràng.
  • Vận động thể chất: Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên để giúp làm tăng nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch. Tập thể dục cũng có thể giúp bạn giảm cân lành mạnh – một nguyên nhân bị trĩ hoặc làm cho bệnh nặng hơn. 
  • Tránh ngồi lâu: Ngồi quá lâu, đặc biệt là khi đi vệ sinh, có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn.
  • Không nhịn đi cầu.
  • Dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ: Dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc nếu bị táo bón. Dùng quá nhiều thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ có thể khiến cơ thể bạn khó điều chỉnh cách đi tiêu.

Những lời khuyên trên không chỉ giúp bạn phòng ngừa bệnh trĩ mới mà còn hạn chế bệnh trĩ đang mắc phải có thể tiến triển nặng hơn.

Nguyên nhân bị trĩ

  • Rặn khi đi cầu
  • Ngồi lâu trong thời gian dài
  • Tiêu chảy mạn tính hoặc táo bón
  • Béo phì
  • Mang thai
  • Quan hệ tình dục đường hậu môn
  • Ăn ít chất xơ
  • Thường xuyên nâng vật nặng

Dù nguyên nhân bị trĩ là gì thì việc điều trị cũng rất quan trọng nhằm tránh biến chứng. Bệnh trĩ nhẹ có thể khỏi chỉ bằng thay đổi lối sống và dùng thuốc tại nhà, trĩ nặng cần được can thiệp y tế kịp thời. Bạn nên đi khám ngay nếu nghi ngờ bị trĩ và gặp các triệu chứng đau bụng, táo bón kéo dài hoặc tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn, đau và chảy máu trực tràng nghiêm trọng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 19/02/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo