backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

4 cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không hiệu quả dễ thực hiện

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 17/10/2023

    4 cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không hiệu quả dễ thực hiện

    Bệnh trĩ dễ điều trị khi được phát hiện sớm. Cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không là một kinh nghiệm dân gian có cơ sở khoa học mà bạn có thể áp dụng để tự điều trị khi bệnh trĩ còn nhẹ.

    Làm thế nào để áp dụng phương pháp này một cách an toàn và đạt kết quả? Hãy tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau! 

    Tác dụng của lá trầu không đối với bệnh trĩ 

    Lá trầu không (Piper betle) thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae). Họ này cũng bao gồm những thảo dược quen thuộc như tiêu, lá lốt… được ưa chuộng rộng rãi nhờ vị cay nồng và mùi thơm đặc trưng.

    Trong Đông y, lá trầu không (thược tương) là một vị thuốc có tính ấm, vị cay nồng, mùi thơm và công dụng sát khuẩn cũng như cầm máu rất tốt.

    Các nghiên cứu hiện đại cho thấy tinh dầu chiếm từ 0.8 – 1.8%, có khi đến 2.4% trong lá, chứa nhiều phenolic với hoạt tính sinh học đặc biệt như betel phenol, chavicol, chavibetol… Những thành phần này cho kết quả đáng chú ý trong các thí nghiệm về khả năng cầm máu sau nhổ răng, khả năng chống viêm loét dạ dày do tác dụng phụ của một số thuốc và ngăn ngừa khuẩn Staphylococcus aureus phát triển trong bệnh viêm kết mạc.

    Bạn có thể áp dụng cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không để hạn chế sưng viêm, nhiễm trùng và kích thích búi trĩ nhanh co lại. Phương pháp này an toàn và hiệu quả với bệnh trĩ cấp độ 1 và 2, khi búi trĩ chưa bị tổn thương hoặc chỉ tổn thương nhẹ.

    Tìm hiểu thêm Tìm hiểu các giai đoạn của bệnh trĩ và cách điều trị phù hợp

    Những cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không mang lại hiệu quả

    cách chauwx bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không

    Cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không hay điều trị bệnh trĩ bằng la trầu không là làm thế nào? Để trị bệnh trĩ bằng lá trầu không, bạn hãy thực hiện theo những phương pháp dưới đây. Lưu ý là trước khi áp dụng các phương pháp này, bạn nên đi vệ sinh trước và rửa hậu môn với xà phòng dịu nhẹ. Chọn một phương pháp và thực hiện 1 – 2 lần/ngày, đều đặn liên tục mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.

    Trong cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không nên chọn những lá không non nhưng cũng không quá già và lá còn nguyên vẹn. Cùng tham khảo 4 cách chữa được gọi ý dưới đây: 

    1. Đắp lá trầu không chữa bệnh trĩ

    Với cách dùng lá trầu không để chữa bệnh trĩ tại nhà này, tinh chất lá trầu không tác động trực tiếp, sát khuẩn và mang lại cảm giác dễ chịu cho búi trĩ và vùng da xung quanh.

    Thực hiện:

    • Lá trầu không rửa sạch, ngâm nước muối loãng trong 10 phút rồi vớt ra để ráo
    • Giã nát lá trầu không
    • Dùng bông gòn thấm phần nước cốt của lá trầu bôi lên búi trĩ
    • Có thể dùng vải mùng hoặc giấy lọc bọc phần bã, đắp lên hậu môn khoảng 20 phút
    • Rửa qua hậu môn với nước và lau khô nhẹ nhàng để hoàn tất.

    2. Cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không: ngâm nước lá trầu không

    Nhiều người thường thắc mắc ngâm lá gì để co búi trĩ? Trong bài viết này , Hello Bacsi hướng dẫn bạn cách ngâm lá trầu không để chữa bệnh trĩ.

    Nước ngâm chứa tinh dầu và các hoạt chất từ lá trầu không dễ dàng len sâu, tác động vào búi trĩ. Nước ấm còn có tác dụng kích thích lưu thông mạch máu bên trong các búi trĩ, làm co trĩ.

    Thực hiện:

    • Nấu một nắm lá trầu không đã được rửa sạch cùng với một lượng nước vừa đủ để ngâm trong nồi đậy nắp, lửa vừa
    • Khi nước lá trầu không sôi, giảm lửa đun thêm khoảng 10 phút để phần tinh dầu và các hoạt chất có thể ra hết. Tắt bếp, mở nắp, cho nước mau nguội. 
    • Khi nước còn ấm, đổ lấy phần nước ra chậu và ngâm hậu môn đến khi nước nguội
    • Kết thúc chỉ cần dùng khăn tắm sạch lau khô sơ qua là được.

    3. Chữa bệnh trĩ tại nhà bằng cách xông nước lá trầu không

    Bạn đang băn khoăn với việc bị trĩ có nên xông lá trầu không hay xông lá trầu trị trĩ có hiệu quả không? Câu trả lời là hơi nước ấm nóng chứa tinh dầu lá trầu không không chỉ có tác dụng sát khuẩn, xoa dịu các tổn thương nhẹ mà còn giúp làm co búi trĩ và mang lại cảm giác thư giãn.

    Thực hiện:

    • Nấu nước lá trầu không để xông tương tự như nấu nước để ngâm
    • Sau khi nhắc xuống, mở nắp nồi đợi một lát cho tỏa bớt hơi nóng
    • Đặt nồi / chậu nước lá trầu không bên dưới, ngồi trên ghế xông hoặc bệ để xông vùng hậu môn cho đến khi nước nguội
    • Chú ý khoảng cách với nồi nước xông để tránh bị phỏng.

    4. Cách chữa bệnh trĩ tại nhà: Bài thuốc lá trầu không kết hợp các thảo dược

    Bồ kết, hạt gấc và cau đều là những vị thuốc có tính sát trùng, giảm đau và chống ứ, kết hợp với lá trầu không sẽ làm tăng hiệu quả chữa bệnh trĩ.

    Chuẩn bị:

    • 10 lá trầu không
    • 5 quả bồ kết khô cỡ vừa
    • 5 hạt gấc
    • 1 quả cau

    Thực hiện:

    • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu, dùng chày đập cho vỡ hạt gấc, cau bổ thành 4 miếng
    • Đun bồ kết, hạt gấc và cau trong một lượng nước đủ để ngâm với lửa vừa
    • Khi nước sôi thì cho lá trầu không vào, giảm lửa khi nước sôi lại và tiếp tục đun trong 15 phút
    • Nhắc xuống, mở nắp cho tỏa bớt hơi nóng và ngồi xông
    • Khi nước còn ấm, có thể tận dụng ngâm hậu môn cho đến khi nước nguội.

    Những lưu ý khi áp dụng cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không

    cách chauwx bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không

    Việc áp dụng các bài thuốc từ lá trầu không để chữa bệnh trĩ tại nhà là những biện pháp mang tính hỗ trợ. Để đạt hiệu quả khi điều trị trĩ tại nhà, bạn không thể bỏ qua những việc sau:

    • Có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đảm bảo ăn đủ thực phẩm giàu chất xơ và uống đủ nước để tránh táo bón
    • Vận động thường xuyên, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ
    • Không rặn mạnh hoặc ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh
    • Hạn chế mang vác quá sức, thể dục vừa sức để luyện tập phân bố áp lực đều vào các cơ
    • Điều trị tiêu chảy mạn tính (nếu có)

    Viẹc áp dụng các cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không là một cách làm an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên nếu các triệu chứng của bệnh trĩ không được cải thiện sau khi đã áp dụng những chăm sóc cần thiết kể trên, bạn cần sớm đi khám để được điều trị trước khi bệnh chuyển sang mức độ nặng hơn, cũng như để chắc chắn không phải một bệnh lý nghiêm trọng nào khác đang âm thầm tiến triển.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 17/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo