Chữa bệnh trĩ bằng lá lốt là một bài thuốc dân gian được lưu truyền rộng rãi. Vậy thực chất cách chữa bệnh trĩ này dựa vào cơ sở khoa học nào và thực hiện ra sao?
Mời bạn cùng tìm hiểu những cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá lốt an toàn và hiệu quả được Hello Bacsi lựa chọn và tổng hợp lại trong bài viết sau đây nhé.
Ích lợi của lá lốt trong điều trị bệnh trĩ
Lá lốt (tên khoa học Piper lolot C. DC., thuộc họ hồ tiêu) là một loại rau gia vị quen thuộc, gia tăng hương vị đặc trưng cho nhiều món ăn, được trồng và sử dụng rộng rãi ở mọi địa phương của nước ta.
Y học cổ truyền xếp lá lốt vào nhóm thảo dược tính ấm, vị cay nồng, có tác dụng ôn trung (làm ấm), tán hàn (trừ lạnh), tiêu thũng (giảm sưng viêm) và chỉ thống (giảm đau). Từ lâu dân gian đã áp dụng những bài thuốc từ lá lốt để trừ phong tê thấp, đổ mồ hôi tay chân, mụn nhọt.
Y học hiện đại tìm thấy trong lá lốt nhiều chất xơ, protein, canxi, phốt pho, sắt và vitamin C. Lá lốt cũng chứa lượng lớn các flavonoid như beta-caryophyllene và các hợp chất gốc benzyl có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng viêm.
Kinh nghiệm cho thấy sử dụng lá lốt trong hỗ trợ điều trị bệnh trĩ giúp giảm bớt cảm giác ngứa ngáy, đau rát cho hậu môn cũng như kháng khuẩn, tiêu viêm và kích thích búi trĩ nhanh co lại.
Bạn có thể quan tâm Lá lốt chữa đau nhức xương khớp và những lưu ý khi áp dụng
Chữa bệnh trĩ bằng lá lốt như thế nào?
1. Xông hơi chữa bệnh trĩ bằng lá lốt
Xông hơi để chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá lốt hiệu quả đối với trĩ ngoại và trĩ nội sa. Phương pháp này vẫn an toàn với mức độ trĩ có tổn thương tương đối, dễ chảy máu. Các hoạt chất từ lá lốt giúp bảo vệ búi trĩ khỏi viêm nhiễm, kết hợp hơi nước ấm nóng mang lại cảm giác thư giãn, giảm nhẹ khó chịu do trĩ.
Thực hiện:
- 1 nắm lá lốt rửa sạch, ngâm nước nước muối loãng cho sạch khuẩn, để ráo
- Nấu lá lốt với nước, khi sôi giảm lửa đợi thêm 10 phút thì tắt bếp
- Để bớt hơi nóng rồi xông hậu môn khoảng 10 – 15 phút
- Vệ sinh lại bằng cách lau khô nhẹ nhàng với khăn sạch
2. Chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá lốt và muối biển
Muối có tính thẩm thấu, kết hợp với cách chữa bệnh trĩ bằng lá lốt để tăng thêm công dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giải tỏa cảm giác khó chịu và kích thích máu lưu thông. Muối biển giữ lại được các thành phần kẽm, sắt, kali, magie và mang lại hiệu quả trị liệu cao. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể thay thế muối biển bằng các loại muối ăn thông dụng.
Thực hiện:
- Rửa sạch lá lốt và ngâm với nước muối loãng trong 5 phút, để ráo
- Đun lá lốt với nước, khi sôi được 10 phút thì gạn lấy phần nước đổ ra chậu
- Hòa tan vào chậu 1 thìa cà phê muối biển
- Đợi nước còn ấm, ngâm hậu môn 10 – 15 phút
Ngâm búi trĩ trực tiếp trong nước ấm giúp kích thích mạch máu bị ứ lưu thông và làm co búi trĩ, hiệu quả với cả trĩ ngoại và trĩ nội.
3. Củ nghệ trong bài thuốc chữa bệnh trĩ bằng lá lốt
Nghệ vàng là một vị thuốc quen thuộc có tác dụng điều hòa lưu thông máu, giảm đau, tiêu mủ, kích thích lên da non, tăng độ bền thành mạch máu. Kết hợp với nghệ để chữa bệnh trĩ bằng lá lốt là một bài thuốc hiệu quả mà vẫn an toàn.
Thực hiện:
- Chuẩn bị 1 củ nghệ tươi cỡ vừa và 1 nắm lá lốt
- Rửa sạch 2 nguyên liệu, củ nghệ thái thành lát vừa
- Đun 2 nguyên liệu với nước
- Khi nước sôi đợi thêm 10 phút thì tắt bếp
- Đợi cho bớt hơi nóng rồi xông hậu môn từ 10 – 15 phút
- Rửa lại hậu môn nhẹ nhàng với hỗn hợp nước này và lau khô.
4. Chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá lốt và ngải cứu
Ngải cứu được sử dụng rộng rãi cả trong Đông y và Tây y với tác dụng điều kinh, an thai, làm ấm bụng, trị suy nhược cơ thể, kích thích tuần hoàn, sơ cứu vết thương, trị mụn nhọt, mẩn ngứa… Dân gian đã vận dụng khả năng kháng khuẩn, cầm máu và giảm đau của lá ngải cứu vào bài thuốc chữa bệnh trĩ bằng lá lốt như sau:
Thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm lá ngải cứu, 1 nắm lá lốt, rửa sạch
- Đun sôi 2 loại dược liệu với nước, sau khi sôi 10 phút thì tắt bếp
- Cho nước bớt hơi nóng, xông hậu môn 10 – 15 phút
- Khi hết hơi nóng, rửa hậu môn bằng nước này rồi dùng khăn sạch lau khô.
5. Chữa bệnh trĩ bằng lá lốt và lá trầu không
Là một cây thuốc có họ hàng gần gũi, có thể kết hợp lá trầu không vào bài thuốc chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá lốt để tăng dược tính sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau và kích thích lưu thông các mạch máu bên trong búi trĩ.
Thực hiện:
- Chuẩn bị 1 nắm lá lốt, 1 nắm lá trầu không, rửa sạch
- Đun hỗn hợp lá với nước, để sôi thêm 10 phút thì tắt bếp
- Mở nắp cho bớt hơi nóng rồi ngồi xông khoảng 10 – 15 phút
- Hoặc: đợi nước ấm và ngâm hậu môn khoảng 10 – 15 phút.
- Lau khô nhẹ nhàng.
Tìm hiểu thêm 4 cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá trầu không hiệu quả có thể bạn chưa biết
6. Ăn lá lốt có lợi cho người bị bệnh trĩ không?
Đây không hẳn là một cách chữa bệnh trĩ bằng lá lốt. Tuy nhiên, như những loại rau khác, chất xơ, protein, canxi, phốt pho, sắt và vitamin C trong lá lốt đều có lợi cho hệ tiêu hóa, nhất là khi bị bệnh trĩ. Bạn có thể bổ sung đa dạng thành phần dinh dưỡng vào bữa ăn với các món quen thuộc từ lá lốt như:
- Bò nướng lá lốt
- Lá lốt cuộn thịt chiên
- Hến xào lá lốt
- Canh lá lốt…
Không nên ăn lá lốt quá 2 lần/tuần vì loại rau này có tính ấm, có thể gây nóng trong và kích thích dạ dày, đường ruột. Nếu bạn đang bị sốt, nhiệt miệng, táo bón, môi khô, mụn nhọt… thì ăn lá lốt cũng không phù hợp do nóng.
Cần lưu ý gì để cách chữa bệnh trĩ bằng lá lốt mang lại hiệu quả?
Khi thực hiện cách chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá lốt, bạn nên tuân thủ các lưu ý sau:
- Không đắp hay bôi nước lá lốt tươi trực tiếp lên hậu môn và búi trĩ để tránh kích ứng do vị cay nóng của lá lốt.
- Bạn nên lựa chọn lá lốt không quá già hay quá non, không bị sâu bệnh để mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong bài thuốc chữa bệnh trĩ tại nhà này, lá lốt nên được trồng tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo an toàn.
- Để bài thuốc chữa bệnh trĩ tại nhà bằng lá lốt có hiệu quả, bạn cần kiên trì thực hiện đều đặn 1 – 2 lần/ngày liên tiếp từ 10 ngày đến 2 tuần. Nên thực hiện vào những lúc nghỉ ngơi, thư giãn, sau khi đã đại tiện làm trống trực tràng và vệ sinh hậu môn sạch với xà phòng dịu nhẹ.
Phương pháp chữa bệnh trĩ bằng lá lốt là một liệu pháp hỗ trợ, phù hợp với bệnh trĩ nội và ngoại giai đoạn đầu. Phương pháp điều trị chính tập trung vào các điều chỉnh về lối sống để hạn chế táo bón và áp lực lên mạch máu hậu môn, nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ, bao gồm:
- Đảm bảo chế độ ăn giàu chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác, uống đủ nước
- Siêng năng vận động thể dục
- Hạn chế ngồi hoặc đứng lâu một chỗ, mang vác quá sức
- Nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng, hạn chế các chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá
- Giảm cân nếu bị béo phì, điều trị tiêu chảy mạn tính nếu có.
Nếu búi trĩ dễ bị chảy máu, bạn cần đi khám để tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng cách chữa bệnh trĩ bằng lá lốt để được hướng dẫn cách tự chăm sóc và điều trị sao cho hiệu quả.
[embed-health-tool-bmr]