backup og meta

Viêm gan do nhiễm độc

Viêm gan do nhiễm độc

Tìm hiểu chung

Viêm gan do nhiễm độc là gì?

Viêm gan do nhiễm độc là tình trạng viêm của gan để phản ứng với một số chất mà bạn tiếp xúc. Viêm gan do nhiễm độc có thể do rượu, hóa chất, thuốc hoặc các loại dinh dưỡng bổ sung.

Trong một số trường hợp, viêm gan do nhiễm độc tiến triển trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiếp xúc với chất độc. Trong các trường hợp khác, nó có thể mất vài tháng sử dụng thường xuyên trước khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện.

Các triệu chứng của viêm gan do nhiễm độc thường biến mất khi ngừng tiếp xúc với chất độc. Tuy nhiên, viêm gan do nhiễm độc có thể làm tổn thương gan lâu dài, dẫn đến không thể đảo ngược quá trình sẹo hóa mô gan (xơ gan) và trong một số trường hợp dẫn đến suy gan, có thể đe dọa tính mạng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gan do nhiễm độc là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm gan do nhiễm độc bao gồm:

  • Vàng da, một tình trạng gây vàng mắt, vàng da
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Nhức đầu
  • Đau bụng
  • Nước tiểu sậm màu
  • Tiêu chảy
  • Phân màu trắng hoặc màu đất sét

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng làm bạn lo lắng.

Sử dụng quá liều một số loại thuốc như acetaminophen (Tylenol, những biệt dược khác) có thể dẫn đến suy gan. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nghĩ một người lớn hoặc một em bé đã dùng quá liều acetaminophen. Các dấu hiệu và triệu chứng quá liều acetaminophen có thể bao gồm:

  • Chán ăn
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng trên
  • Hôn mê

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra viêm gan do nhiễm độc?

Hít phải một số hóa chất vô tình hay cố ý có thể gây hại cho gan. Các hóa chất này là các loại thuốc, dung môi công nghiệp và các chất ô nhiễm. Hầu như tất cả các loại thuốc được coi là nguyên nhân gây ra nhiễm độc gan. Các độc tố đôi khi gây ra bệnh gan mãn tính và thậm chí xơ gan nếu việc tiếp xúc với các chất độc kéo dài.

Các độc tố có thể làm tổn thương gan được chia thành hai nhóm:

  • Các độc tố có thể dự đoán, những chất này được biết là nguyên nhân gây ra viêm gan nhiễm độc và tổn thương gan khi tiếp xúc đủ với một hoặc nhiều chất này. Ví dụ như các hóa chất được tìm thấy trong nhóm này gồm chất làm sạch dung môi, carbon tetrachloride và thuốc giảm đau acetaminophen.
  • Các độc tố không thể dự đoán, những độc tố này gây tổn thương gan dù chỉ tiếp xúc với một lượng rất nhỏ. Chấn thương không thể dự đoán gây ra bởi hầu hết các loại thuốc này chưa được hiểu rõ, nhưng những dữ liệu gần đây cho thấy một phản ứng độc tố với một loại thuốc có thể phụ thuộc vào loại enzyme chuyển hóa thuốc đó.

Gan dễ bị tổn thương bởi hóa chất vì nó đóng vai trò cơ bản trong quá trình chuyển hóa các chất. Công việc đặc biệt nhất của gan là chuyển hóa hầu hết các hóa chất và thuốc lưu thông trong máu, đồng thời loại bỏ các hóa chất khó bài tiết qua thận. Gan biến các hóa chất này thành các sản phẩm có thể thải ra khỏi cơ thể thông qua đường mật hoặc nước tiểu. Tuy nhiên, quá trình hóa học trong gan còn sản xuất ra các sản phẩm phụ không ổn định có độc tính cao; những sản phẩm phụ có độc tính cao có thể tấn công và làm tổn thương gan.

Tiêu thụ rượu thường xuyên có khả năng tăng cường độc tính của thuốc, đặc biệt với acetaminophen. Vì vậy, bạn không nên uống rượu khi sử dụng thuốc.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm gan do nhiễm độc?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc viêm gan do nhiễm độc như:

  • Uống các thuốc giảm đau không cần toa hoặc theo toa. Dùng các thuốc giảm đau không cần toa hoặc theo toa làm tăng nguy cơ tổn thương gan và nhiễm độc tố gan. Đặc biệt, nếu bạn sử dụng nhiều loại thuốc hoặc dùng liều cao hơn liều quy định.
  • Bị bệnh gan. Có một rối loạn gan nghiêm trọng như xơ gan hoặc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, làm gan dễ bị tác động bởi chất độc.
  • Bị viêm gan. Nhiễm trùng mãn tính với viêm gan do virus (viêm gan B, viêm gan C hoặc một trong những loại viêm gan cực kỳ hiếm do virus khác – viêm gan do virus tồn tại dai dẳng trong cơ thể) làm cho gan dễ bị tổn thương hơn.
  • Lão hóa. Khi có tuổi, gan chuyển hóa các chất có hại chậm hơn. Điều này có nghĩa là các độc tố và các sản phẩm phụ của chúng ở lại trong cơ thể lâu hơn.
  • Uống rượu. Uống rượu trong khi dùng thuốc hoặc một số thảo dược bổ sung nhất định làm tăng nguy cơ ngộ độc.
  • Nữ giới. Phụ nữ dường như có quá trình chuyển hóa một số độc tố nhất định chậm hơn so với nam giới. Gan của họ tiếp xúc với nồng độ các chất có hại trong máu cao hơn và trong thời gian lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ viêm gan do nhiễm độc.
  • Có một số đột biến di truyền nhất định. Thừa hưởng những đột biến gen nhất định có ảnh hưởng đến việc sản xuất và hoạt động của các enzyme chuyển hóa độc tố của gan, do đó làm tăng nguy cơ viêm gan do nhiễm độc.
  • Làm việc với các chất độc công nghiệp. Làm việc với một số hóa chất công nghiệp nhất định làm bạn tăng nguy cơ nhiễm độc tố cho gan.

Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm gan do nhiễm độc?

Để chẩn đoán viêm gan do nhiễm độc, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, bao gồm thông tin chi tiết về việc sử dụng các loại thuốc, các loại thảo mộc hoặc thực phẩm chức năng không cần toa và lượng rượu tiêu thụ. Bác sĩ cũng sẽ khám lâm sàng chi tiết để xác định sự hiện diện của bệnh gan mãn tính nghiêm trọng.

Các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để đánh giá sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của tổn thương gan:

  • Xét nghiệm chức năng gan bao gồm một loạt các xét nghiệm máu đặc biệt giúp đánh giá hoạt động của gan. Những xét nghiệm này hỗ trợ trong việc xác định mức độ và loại tổn thương gan.
  • Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và các hệ thống trong cơ thể. Siêu âm có thể được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết của gan.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp cắt lớp vi tính, còn được gọi là CT scan, để có được hình ảnh hai chiều của gan. CT là kỹ thuật X-quang tạo ra hình ảnh chi tiết hơn của cơ quan nội tạng so với chụp X-quang truyền thống. Công nghệ này sử dụng máy cảm biến X-quang, xoay xung quanh cơ thể, kết nối với một máy tính lớn để tạo ra các hình ảnh cắt ngang bên trong cơ thể.
  • Sinh thiết gan: Sinh thiết có thể được thực hiện sau xét nghiệm máu và chụp X-quang nếu bác sĩ còn nghi ngờ về thể loại và mức độ nghiêm trọng của vấn đề ở gan. Sinh thiết là dùng một cây kim mỏng lấy mẫu nhỏ của mô gan. Các mẫu mô được chuẩn bị, nhuộm màu trong phòng thí nghiệm và kiểm tra dưới kính hiển vi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm gan do nhiễm độc?

Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị viêm gan do nhiễm độc là xác định và loại bỏ các chất gây nhiễm độc như các loại thuốc, thảo dược hoặc rượu. Trong trường hợp tổn thương gan liên quan đến rượu, bạn có thể tham gia chương trình điều trị như chương trình cai nghiện rượu giấu mặt. Nghiện rượu là chứng nghiện nghiêm trọng, nếu không có mạng lưới điều trị và hỗ trợ thích hợp, nhiều người sẽ bị tái phát và nghiện trở lại.

Ghép gan

Ghép gan khẩn cấp cần được cân nhắc cho những bệnh nhân bị tổn thương gan đe dọa tính mạng do thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng.

Bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối do rượu có thể được xem xét cấy ghép gan. Tuy nhiên, họ chỉ được chấp nhận cấy ghép gan khi đã hoàn toàn kiêng rượu và theo chương trình điều trị tối thiểu sáu tháng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý viêm gan do nhiễm độc?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn tránh viêm gan do nhiễm độc:

  • Hạn chế dùng thuốc. Sử dụng các thuốc theo toa và không theo toa chỉ khi thật cần thiết.
  • Chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thực hiện chính xác theo các hướng dẫn của bất kỳ loại thuốc bạn dùng. Không vượt quá liều quy định, ngay cả khi các triệu chứng dường như không được cải thiện. Do tác dụng của các thuốc giảm đau không cần toa giảm đi một cách nhanh chóng, nên rất dễ sử dụng quá nhiều.
  • Hãy thận trọng với các loại thảo dược và dinh dưỡng bổ sung. Đừng cho rằng một sản phẩm tự nhiên là không có hại. Thảo luận về những lợi ích và rủi ro với bác sĩ trước khi bạn dùng các loại thảo dược và thực phẩm chức năng.
  • Không trộn lẫn rượu và các loại thuốc. Rượu và thuốc là một sự kết hợp không tốt cho sức khỏe. Nếu bạn đang dùng acetaminophen thì không uống rượu. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về sự tương tác giữa rượu và thuốc theo toa, không theo toa khác mà bạn sử dụng.
  • Các biện pháp phòng ngừa với hóa chất. Nếu bạn làm việc hoặc sử dụng các hóa chất độc hại, thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi bị phơi nhiễm. Nếu bạn tiếp xúc với một chất độc hại, hãy làm theo các hướng dẫn tại nơi làm việc hoặc gọi cấp cứu địa phương hoặc trung tâm kiểm soát chất độc địa phương để được giúp đỡ.
  • Giữ thuốc và hóa chất xa tầm với của trẻ. Cất giữ tất cả các loại thuốc bổ sung vitamin để trẻ không lấy được và sử dụng hộp đựng thuốc an toàn để trẻ không vô tình nuốt chúng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Toxic hepatitis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/toxic-hepatitis/symptoms-causes/syc-20352202. Ngày truy cập 14/12/2017

Toxic Hepatitis. https://www.ucsfhealth.org/conditions/toxic_hepatitis/. Ngày truy cập 14/12/2017

Toxic Hepatitis. https://www.liver.ca/patients-caregivers/liver-diseases/toxic-hepatitis/. Ngày truy cập 14/12/2017

Phiên bản hiện tại

11/05/2020

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Người bị trĩ nhẹ có tự khỏi được không?

Chăm sóc bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần lưu ý gì?


Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 11/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo