Theo thời gian, biến chứng xơ gan có nhiều khả năng xảy ra nếu bạn không có biện pháp kiểm soát tình trạng xơ hóa tại cơ quan này.
Bệnh xơ gan là giai đoạn cuối của tình trạng mô sẹo phát triển ở cơ quan này. Nguyên nhân xơ gan chủ yếu bắt nguồn từ các bệnh về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ…
Lúc này, nếu bạn không có biện pháp can thiệp y tế hiệu quả, biến chứng xơ gan rất dễ phát sinh và đưa bạn vào tình thế hiểm nguy. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu biến chứng xơ gan nguy hiểm ra sao và làm sao để ngăn ngừa biến chứng xơ gan phát sinh nhé!
Biến chứng xơ gan nguy hiểm ra sao?
Tế bào gan chịu thương tổn do xơ hóa sẽ không có khả năng phục hồi như cũ. Tuy nhiên, nếu sớm được chẩn đoán xơ gan cũng như có biện pháp kiểm soát tốt, bạn có thể hạn chế một loạt biến chứng nguy hiểm hơn phát sinh.
Những biến chứng xơ gan thường gặp có thể bao gồm:
1. Tăng áp tĩnh mạch cửa
Tĩnh mạch cửa là mao mạch chính dẫn đến gan. Khi quá nhiều mô sẹo hình thành ở gan, lưu lượng máu đi qua khu vực này có nguy cơ bị chặn lại. Điều này khiến áp lực bơm máu do tim tạo ra tăng lên đáng kể, dẫn đến tăng áp tĩnh mạch cửa.
Đối với biến chứng xơ gan trên, bạn có thể cần dùng đến thuốc chẹn beta giao cảm. Tác dụng của thuốc là hạ huyết áp trong các mao mạch ở khu vực này, từ đó ngăn chặn trường hợp xuất huyết do vỡ mạch máu.
2. Lách to (phì đại lách)
Sau khi phát sinh, tăng áp tĩnh mạch cửa có thể kéo theo tình trạng sưng lá lách, còn gọi là phì đại lách hoặc lách to. Hệ quả của biến chứng xơ gan này là số lượng bạch cầu và tiểu cầu suy giảm đáng kể.
3. Phù nề ở chân và bụng (cổ trướng)
Tăng áp tĩnh mạch cửa còn có khả năng khiến chất lỏng tích tụ ở chân (phù nề) hoặc bụng (cổ trướng). Đôi khi, hai biến chứng xơ gan này còn có thể phát sinh bởi chức năng tổng hợp protein trong máu (ví dụ như albumin) ở gan suy giảm.
Để điều trị chứng phù nề cũng như cổ trướng, bác sĩ thường kê toa cho bạn thuốc lợi tiểu nhằm mục đích loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể. Ngoài ra, trong vài tình huống hy hữu, bạn còn cần dùng thêm kháng sinh để ngăn vi khuẩn và nhiễm trùng tại đây.
4. Xuất huyết tiêu hóa
Các tế bào hồng cầu tắc nghẽn tại tĩnh mạch cửa có thể chuyển hướng sang những mao mạch gần đó, chẳng hạn như mạch máu của thực quản và dạ dày. Lưu lượng máu tăng lên đột ngột có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch hoặc thậm chí là xuất huyết.
Mặt khác, nếu gan mất khả năng tổng hợp yếu tố đông máu, tình trạng xuất huyết có nguy cơ tiếp tục kéo dài. Lúc này, bạn sẽ cần tiếp nhận biện pháp điều trị y tế để cầm máu.
5. Nhiễm trùng
Chức năng của gan suy giảm có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch, từ đó tạo điều kiện cho một loạt vấn đề nhiễm trùng phát sinh.
Ngoài ra, biến chứng xơ gan còn có thể bao gồm viêm phúc mạc do vi khuẩn, phát sinh từ tình trạng cổ trướng. Đôi khi, nhiễm trùng máu và viêm phổi cũng có nguy cơ xảy ra.
6. Suy dinh dưỡng
Một biến chứng xơ gan khác là suy dinh dưỡng. Nguyên do là bởi lúc này, gan không còn khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động, khiến khả năng xử lý và hấp thụ các chất dinh dưỡng kém hơn bình thường.
7. Bệnh não gan
Xơ gan diễn ra đồng nghĩa với việc chức năng lọc thải độc tố trong máu của gan mất hiệu lực. Các độc tố này có thể theo đường máu lên đến não và tổn thương những tế bào ở đây. Trong thời gian này, bạn có nguy cơ:
- Lú lẫn
- Mất trí nhớ
- Khó tập trung
- Đờ đẫn
- Hôn mê
Để giải quyết tình trạng này, bạn sẽ cần dùng đến thuốc để giảm thiểu lượng độc tố tích tụ trong máu.
8. Bệnh xương
Trong vài trường hợp hiếm gặp, xơ gan còn có nguy cơ ảnh hưởng đến xương, làm gia tăng rủi ro phát sinh gãy xương.
9. Ung thư gan
Theo thống kê từ các chuyên gia, tỷ lệ người bệnh ung thư gan bị xơ gan trước đó vô cùng lớn. Do đó, nếu được chẩn đoán xơ gan, bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu hoặc siêu âm định kỳ mỗi 6 – 12 tháng nhằm tầm soát ung thư. Những phương pháp điều trị ung thư gan chủ yếu gồm:
- Phẫu thuật
- Xạ trị
- Hóa trị
10. Suy thận
Một số người bị xơ gan có thể ít đi tiểu hơn lúc trước. Đôi khi, họ còn có nguy cơ không thể tiểu do người bệnh mắc hội chứng gan thận.
Theo bác sĩ, tỷ lệ tử vong của người bệnh sẽ rất cao nếu họ không sớm có biện pháp điều trị vấn đề này hiệu quả.
Làm sao để ngăn ngừa biến chứng xơ gan phát sinh?
Nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh xơ gan cũng như biến chứng của bệnh phát sinh, cách tốt nhất là bạn cải thiện và duy trì sức khỏe của cơ quan này.
Để thực hiện điều này, bạn có thể:
- Hạn chế tiêu thụ thức uống chứa cồn
- Chú trọng vấn đề dinh dưỡng, bao gồm giảm lượng muối ăn, tránh dùng thức ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn…
- Cải thiện và duy trì trọng lượng khỏe mạnh
- Thực hiện những biện pháp phòng ngừa các bệnh về gan, chẳng hạn như chích ngừa viêm gan B
- Rèn luyện thể chất thường xuyên
Các biến chứng xơ gan có nguy cơ trực tiếp đe dọa đến tính mạng của người bệnh khi chúng phát sinh. Tuy nhiên, những vấn đề này hoàn toàn có thể được ngăn ngừa nếu bạn sớm có biện pháp kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của bản thân.
[embed-health-tool-bmr]