Phì đại tuyến tiền liệt là căn bệnh rất phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi. Tuy nhiên, không phải ai mắc bệnh đều xuất hiện triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt. Triệu chứng bệnh chỉ thường xuất hiện khi tuyến tiền liệt phát triển to và chèn ép lên niệu đạo, khiến niệu đạo bị hẹp và tắc nghẽn. Điều này có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn dòng chảy của nước tiểu ra khỏi bàng quang.
Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của phì đại tuyến tiền liệt không phụ thuộc vào kích thước của tuyến tiền liệt. Một số nam giới có tuyến tiền liệt rất to nhưng lại ít triệu chứng, trong khi những người khác có tuyến tiền liệt phì đại ít nhưng lại biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt trong bài viết này!
Các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt bao bọc xung quanh niệu đạo, ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Vì vậy, khi tuyến tiền liệt phát triển, nó có thể bắt đầu chèn ép hoặc đè lên niệu đạo, điều này sẽ dẫn đến một loạt các triệu chứng khó chịu.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ khác nhau ở mỗi bệnh nhân, nhưng các triệu chứng có xu hướng nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
Buồn tiểu khẩn cấp và đi tiểu thường xuyên là triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt dễ nhận biết
Tuyến tiền liệt phì đại có thể ngăn dòng chảy của nước tiểu ra khỏi bàng quang. Điều này khiến bạn không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn sau mỗi lần đi tiểu. Vì vậy bạn sẽ thường xuyên đi đái nhiều lần, đái vội, không nhịn được, có khi đái són. Bên cạnh đó, sau khi đi tiểu vẫn cảm thấy không thoải mái mà vẫn luôn có cảm giác bàng quang chưa hết nước.
Ngoài việc thường xuyên đi tiểu và tiểu gấp vào ban ngày, khi áp lực từ tuyến tiền liệt phì đại đủ lớn có thể kích thích tín hiệu thần kinh vào nửa đêm, dẫn đến việc tăng tần suất đi tiểu vào ban đêm. Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt dễ nhận biết nhất là số lần đi tiểu tăng lên quá 3 – 4 lần vào ban ngày, 1-2 lần vào ban đêm, cũng như khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu thường rất ngắn.
Tiểu khó
Mặc dù có cảm giác muốn đi tiểu nhưng bạn phải đứng một lúc lâu trong nhà vệ sinh thì mới tiểu được và rất khó khăn để bắt đầu dòng nước tiểu.
Ngoài ra, khi niệu đạo bị hẹp, dòng nước tiểu sẽ chảy ra rất chậm với tốc độ yếu hơn bình thường, thậm chí đôi khi dòng nước tiểu sẽ bị gián đoạn. Thay vì chảy mạnh và đều, nước tiểu ở người bị phì đại tuyến tiền liệt có thể chảy nhỏ giọt, rò rỉ, ngắt quãng và rất yếu.
Các triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt nghiêm trọng khác
Nếu phì đại tuyến tiền liệt không được điều trị có thể làm tắc nghẽn niệu đạo và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Chảy nước bọt sau khi tiểu
- Tiểu không kiểm soát
- Tiểu són
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Không thể đi tiểu (bí tiểu)
- Có máu trong nước tiểu
- Đau khi đi tiểu hoặc nước tiểu có máu
- Nước tiểu có màu hoặc mùi bất thường
- Ứ nước hai thận ngược dòng.
Tuy nhiên, một số tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự đã đề cập ở trên như: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, sẹo bàng quang, sỏi bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang,… hoặc các yếu tố khác như thời tiết trở lạnh, căng thẳng tinh thần,…
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Nếu không được điều trị, phì đại tuyến tiền liệt có thể dẫn đến tắc nghẽn đường tiết niệu và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Hãy thăm khám bác sĩ sớm ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường về đường tiết niệu.
Hãy thăm khám ngay lập tức nếu bạn:
- Bí tiểu hoàn toàn, không thể nào đi tiểu được
- Nước tiểu ít hơn bình thường
- Đi tiểu có cảm giác rất đau và rát
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Đau lưng, đau bên hông hoặc đau vùng bụng ngay dưới xương sườn
- Có máu hoặc mủ trong nước tiểu
- Đang dùng các loại thuốc có thể gây ra các vấn đề về tiết niệu, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc an thần.
- Các triệu chứng không được cải thiện sau 2 tháng.
Thay đổi lối sống là cách duy nhất có thể giúp phòng ngừa và kiểm soát bệnh. Chúng có thể bao gồm:
- Hạn chế uống caffeine và rượu bởi chúng có thể gây kích thích bàng quang.
- Hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối, đặc biệt là từ 1-2 giờ trước khi đi ngủ để tránh tiểu đêm.
- Thực hiện các bài tập để tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, điển hình là bài tập Kegel.
- Ăn nhiều chất xơ hơn để giúp ngăn ngừa táo bón.
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng hợp lý.
- Hạn chế tiêu thụ chất béo và thức ăn cay nóng.
- Không sử dụng thuốc thông mũi hoặc thuốc kháng histamin nếu không cần thiết bởi chúng có thể làm thắt chặt các dải cơ xung quanh niệu đạo kiểm soát dòng chảy của nước tiểu, gây khó tiểu tăng nặng.
- Lên lịch đi tiểu vào những thời điểm cụ thể trong ngày để đào tạo lại bàng quang.
- Giữ ấm cơ thể bởi nhiệt độ lạnh hơn có thể gây ra tình trạng giữ nước tiểu và làm tăng cảm giác buồn tiểu.
- Giảm căng thẳng, lo lắng.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn và nhận biết sớm các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt để phòng ngừa và điều trị kịp thời. Phì đại tuyến tiền liệt nếu không điều trị có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ở đường tiết niệu.