backup og meta

Thận trọng những loại thuốc có thể làm hại thận

Thận trọng những loại thuốc có thể làm hại thận

Một số thuốc có thể làm hại thận, gây suy thận, trực tiếp hoặc gián tiếp làm tăng nhiệt độ cơ thể và suy thoái cơ bắp một cách nguy hiểm. Mỗi loại thuốc bạn đưa vào cơ thể đều trôi qua thận. Nếu bạn không dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nếu thuốc không hợp với cơ thể thì thuốc có thể gây tổn thương đến thận.

Thận tổn thương nặng nhất trong giai đoạn đầu khi triệu chứng chưa được nhìn thấy. Khi chứng suy thận phát triển, các triệu chứng sau đây có thể được phát hiện rõ:

  • Chứng thiếu máu, chóng mặt
  • Sưng tay và chân
  • Chán ăn
  • Đau lưng, đau phía dưới xương sườn
  • Sụt cân
  • Nôn và buồn nôn.

Một số thuốc sau có thể ảnh hưởng đến thận vì chúng có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho thận bằng cách làm hẹp mạch máu, gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, trực tiếp gây thương tích cho thận hoặc gây phản ứng dị ứng làm tổn thương đến thận.

Thuốc giảm đau

Dùng lượng lớn thuốc giảm đau không kê toa như aspirin, acetaminophen và ibuprofen có thể gây tổn hại không chỉ cho gan mà còn làm hại cho thận. Bạn không nên dùng thuốc này mỗi ngày hoặc dùng thường xuyên mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước tiên. Nhiều người tự làm tổn thương thận của họ bằng cách dùng những loại thuốc này thường xuyên trong thời gian dài.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng nhiều tylenol và các loại thuốc acetaminophen khác có thể gây suy thận và đồng thời gây hại cho gan. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trung bình dùng một lần thuốc mỗi ngày trong ít nhất một năm sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ suy thận. Đối với hầu hết những người thỉnh thoảng dùng một hoặc hai viên thuốc khi bị nhức đầu thì việc dùng thuốc được cho là an toàn. Một kết luận khác từ nghiên cứu là việc không sử dụng nhiều acetaminophen có thể ngăn ngừa 10% các trường hợp suy thận, là tình trạng đe dọa tính mạng cần phải chạy thận.

Nguy cơ suy thận tăng khoảng 40% ở những người dùng acetaminophen từ mức 2 lần trong một tuần đến một lần trong ngày trong vòng ít nhất một năm so với những người không thường sử dụng thuốc. Nguy cơ trên tăng gấp đôi ở những người dùng thuốc trung bình một lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày trong vòng ít nhất một năm.

Thuốc chống viêm không steroid cũng có liên quan đến việc làm tổn hại cho thận, mặc dù mối quan hệ này ít rõ ràng hơn so với acetaminophen.

Thuốc nhuận tràng kê theo toa

Nhìn chung, thuốc nhuận tràng không kê theo toa thì an toàn cho hầu hết người dùng. Tuy nhiên, một số thuốc nhuận tràng kê theo toa dùng để làm sạch ruột (thường dùng trước khi nội soi đại tràng) có thể gây hại cho thận.

Chất cản quang

Chất cản quang được dùng trong một số xét nghiệm chẩn đoán như MRI. Một số xét nghiệm ảnh yêu cầu dùng loại thuốc nhuộm gọi là “chất cản quang’ để hoàn thành xét nghiệm. Ở những người bị bệnh thận, chất cản quang này có thể gây hại. Chụp CT và MRI là những xét nghiệm cần dùng chất cản quang. Tuy nhiên, không phải tất cả các xét nghiệm ảnh đều dùng chất cản quang.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh như ciprofloxacin, methicillin, vancomycin và sulfonamides cũng có thể nguy hiểm nếu không dùng đúng cách. Những người bị bệnh thận cần dùng lượng nhỏ kháng sinh hơn so với những người có thận khỏe mạnh. Hãy chỉ dùng thuốc do bác sĩ chỉ định cho bạn.

Thuốc bất hợp pháp

Hầu hết các loại ma túy, bao gồm cả heroin, cocaine và thuốc lắc có thể gây tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim và thậm chí tử vong trong một số trường hợp chỉ qua 1 lần sử dụng. Cocaine, heroin và các chất kích thích cũng có thể gây tổn thương cho thận.

Các loại thuốc khác

Các thuốc như chloroquine và hydroxychloroquine được dùng để điều trị bệnh sốt rét, acyclovir được dùng để điều trị nhiễm khuẩn herpes và các loại thuốc HIV như indinavir và tenofovir cũng gây tổn thương cho thận. Một số loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến chức năng thận bao gồm các thuốc thấp khớp (infliximab), thuốc chống co giật hoặc các thuốc bao gồm phenytoin và trimethadione được dùng để điều trị động kinh hoặc thuốc hóa trị bao gồm interferon, cisplatin, cyclosporin và tacrolimus.

Trong mọi trường hợp, nếu bạn mắc bất kỳ tác dụng phụ nào hoặc bạn cảm thấy không khỏe, hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Linda Fugate PhD. Top Ten Drugs That Cause Kidney Damage. http://www.empowher.com/kidney-failure/content/top-ten-drugs-cause-kidney-damage. Ngày truy cập 14/08/2015

Kidney Damage. Medical Consequences of Drug Abuse. http://www.drugabuse.gov/publications/medical-consequences-drug-abuse/kidney-damage. Ngày truy cập 14/08/2015

Which drugs are harmful to your kidney?. https://www.kidney.org/atoz/content/Drugs-Your-Kidneys. Ngày truy cập 14/08/2015

http://www.worldlifeexpectancy.com/cause-of-death/kidney-disease/by-country/. Ngày truy cập 14/08/2015

Study Links Heavy Use of a Pain Reliever to Kidney Failure. http://www.nytimes.com/1994/12/22/us/study-links-heavy-use-of-a-pain-reliever-to-kidney-failure.html. Ngày truy cập 14/08/2015

Are your medications damaging your kidneys?. http://www.thehealthsite.com/diseases-conditions/kidney-damage-due-to-medication-causes-symptoms-prevention/. Ngày truy cập 14/08/2015

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Thương Trần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Nước tiểu thấy nóng báo hiệu bệnh gì?

Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt ảnh hưởng đến đời sống tình dục như thế nào?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo