Thận ứ nước là tình trạng có thể xảy ra ở mọi người thuộc mọi độ tuổi. Nguyên nhân thận ứ nước sẽ khác nhau giữa trẻ em, người lớn bình thường và phụ nữ có thai.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân gây thận ứ nước chi tiết ở từng đối tượng trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân gây thận ứ nước ở người lớn
Một số tình trạng bệnh lý là nguyên nhân gây thận ứ nước ở người lớn, bao gồm:
- Sỏi thận: Những viên sỏi nhỏ hình thành trong thận có thể tích tụ và đôi khi làm tắc nghẽn niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang).
- Phì đại tuyến tiền liệt lành tính: Sự phì đại của tuyến tiền liệt ở nam giới có thể gây chèn ép, làm ống niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể) hẹp lại, tăng nguy cơ mắc bệnh thận ứ nước.
- Huyết khối: Huyết khối (cục máu đông) có thể hình thành và phát triển trong thận hoặc niệu quản gây tắc nghẽn, khiến nước tiểu không thoát được ra ngoài. Tuy nhiên, nguyên nhân thận ứ nước này rất hiếm gặp.
- Hẹp niệu quản: Tình trạng này có thể xảy ra do chấn thương niệu quản, nhiễm trùng, dị tật bẩm sinh hoặc phẫu thuật.
- Các vấn đề về thần kinh hoặc cơ: Tổn thương dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận, bàng quang, chẳng hạn như do bệnh đái tháo đường.
- Bí tiểu: Nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang do không có khả năng làm rỗng bàng quang, có thể chảy ngược vào niệu quản và thận, gây thận ứ nước.
- Trào ngược niệu quản: Đây là tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên thận gây ra thận ứ nước.
- Nang niệu quản: Một u nang nhỏ xuất hiện ở phần cuối niệu quản và ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu ra ngoài. Tình trạng này có thể gặp ở cả người lớn và trẻ sơ sinh.
- Ung thư: Các khối u trong hoặc xung quanh đường tiết niệu chẳng hạn như ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng hoặc các cơ quan khác nằm trong hoặc gần đường tiết niệu có thể gây tắc nghẽn, làm gián đoạn dòng chảy của nước tiểu.
Ở phụ nữ, nguyên nhân thận ứ nước có thể là do:
- Mang thai: Trong thời kỳ mang thai, tử cung mở rộng đôi khi có thể chèn ép lên niệu quản, ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu.
- Sa tử cung: Tử cung bị sa hoặc trượt ra khỏi vị trí bình thường.
- Bàng quang sa xuống: Khi thành giữa bàng quang và âm đạo yếu đi khiến bàng quang sa xuống âm đạo.
- Lạc nội mạc tử cung: Là tình trạng mô hoạt động giống như niêm mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung.
- U nang buồng trứng: Một túi chứa đầy chất lỏng xuất hiện bên trong buồng trứng.
- Niệu quản ngoài tử cung: Một tình trạng hiếm gặp khi niệu quản không kết nối với bàng quang ở vị trí bình thường.
Nguyên nhân thai nhi bị thận ứ nước
Thận ứ nước là một tình trạng ảnh hưởng đến khoảng 1/100 trẻ sơ sinh, có thể được chẩn đoán trước khi sinh hoặc sau khi sinh. Ngay từ khi siêu âm thai, bác sĩ có thể phát hiện được tình trạng này. Một trong số nguyên nhân thường gặp gây thận ứ nước trong thai kỳ là do các bất thường bẩm sinh của đường tiết niệu như thận niệu quản đôi, hẹp miệng nối bể thận – niệu quản, hẹp van niệu đạo sau… Đôi khi, các bác sĩ không rõ nguyên nhân thận ứ nước ở thai nhi.
Thận ứ nước thoáng qua
Khoảng một nửa số thai nhi được chẩn đoán mắc bệnh thận ứ nước có chứng thận ứ nước thoáng qua và tình trạng này sẽ biến mất một cách tự nhiên trước khi trẻ được sinh ra. Nhiều bác sĩ cho rằng hẹp một phần đường tiết niệu trong thời kỳ đầu phát triển có thể gây ra tình trạng này.
Ngoài ra, họ cũng nghi ngờ nguyên nhân thai nhi bị thận ứ nước có thể là do sự gia tăng lượng nước tiểu mà em bé tạo ra trong giai đoạn sau của thai kỳ. Tình trạng này sẽ được giải quyết khi đường tiết niệu trưởng thành.
Ở những trẻ sinh ra mắc bệnh thận ứ nước nhẹ hoặc trung bình, chức năng thận thường không bị ảnh hưởng và tình trạng này cũng có thể tự khỏi sau một khoảng thời gian.
Nguyên nhân thai nhi bị thận ứ nước là do dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu
Dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu có thể là nguyên nhân gây ra thận ứ nước ở trẻ em. Những dị tật bẩm sinh này hoàn toàn có thể được cải thiện khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, những dị tật này có thể gây ra bệnh thận ứ nước nặng hoặc trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Dị tật bẩm sinh đường tiết niệu ở thai nhi có thể gây nên 2 tình trạng sau đây:
- Tắc nghẽn hoặc thu hẹp đường tiết niệu: Sự tắc nghẽn tại điểm thận nối với niệu quản, điểm niệu quản nối với bàng quang (nang niệu quản). Điều này có thể do sự phát triển của các mô thừa, nhưng thường không rõ nguyên nhân.
- Trào ngược niệu quản: Van kiểm soát dòng chảy của nước tiểu giữa bàng quang và niệu quản không hoạt động đúng cách, khiến nước tiểu chảy ngược lên thận.
Trong một vài trường hợp, trẻ em sau sinh có thể cần phải được phẫu thuật để điều trị bệnh thận ứ nước một cách dứt điểm. Rất hiếm khi nguyên nhân là do khối u hoặc sỏi thận gây ra.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân thận ứ nước ở cả người lớn và trẻ em, từ đó có các phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.