U nang thận (nang thận) là những túi chứa đầy chất lỏng hình thành trong hoặc xung quanh thận của bạn, thường gặp hơn ở người lớn tuổi. Mặc dù hầu hết các nang thận là lành tính nhưng đôi khi cũng gây ra biến chứng. Vì vậy, không ít người bệnh đặt ra câu hỏi vậy bị u nang thận có nguy hiểm không?
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về u nang thận, các biến chứng có thể xảy ra và cách để điều trị hiệu quả với các thông tin sau đây nhé!
U nang thận là gì và các loại nang thận?
Trước khi giải đáp u nang thận có nguy hiểm không thì hãy cùng tìm hiểu qua về u nang thận và các loại bệnh nang thận.
Thận đóng vai trò như một “máy lọc máu” của cơ thể, giúp loại bỏ chất thải và dịch dư thừa trong cơ thể ra ngoài, chính là nước tiểu của chúng ta. Tuy nhiên, khi xuất hiện các túi chứa đầy chất lỏng – hay còn được gọi là nang thận, chúng có thể ngăn thận lọc máu và loại bỏ chất thải ra ngoài cơ thể, thậm chí tiến triển thành suy thận.
Có nhiều loại bệnh nang thận, một số là do nguyên nhân đột biến gen di truyền từ bố mẹ sang con cái, hoặc xuất hiện trong suốt cuộc đời với các dạng u nang thận điển hình như:
- Bệnh thận đa nang
- Bệnh thận đa nang tủy thận
- Bệnh thận nephronophthisis.
Hoặc một số tình trạng u nang thận không di truyền khác:
- Nang thận đơn
- Bệnh nang thận mắc phải
- Thận loạn sản đa nang
- Bệnh tủy thận xốp
U nang thận có nguy hiểm không phụ thuộc vào việc bạn mắc phải dạng u nang thận nào. Chẳng hạn như thận đa nang sẽ nguy hiểm hơn, sẽ có những tiến triển cấp như nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn các nang thận gây sốt cao, đau tăng lên, chảy máu (có khi dữ dội và khó điều trị), sỏi axit uric. Trong khi đó, bệnh nang thận mắc phải sẽ tiến triển theo thời gian nhưng sẽ thoái lui sau khi được điều trị; còn nang thận đơn thậm chí không cần điều trị.
Nang thận có nguy hiểm không phụ thuộc vào việc có gặp biến chứng hay không
Nhiều bệnh nhân đặt câu hỏi nang thận có nguy hiểm không vì lo lắng tình trạng này có thể phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, chỉ các nang thận thứ phát (phát triển sau lần đầu bị nang thận) mới có nhiều nguy cơ gây ung thư.
Tuy nhiên, nang thận có nguy hiểm không thì vẫn có, là khi chúng có khả năng phát triển thành các biến chứng sau đây:
- U nang thận bị nhiễm trùng, gây sốt và đau.
- Một khối u nang thận vỡ ra gây đau dữ dội bên hông của bạn.
- Một số nang thận phát triển gây tắc nghẽn đường tiết niệu, dẫn đến thận ứ nước.
- Suy thận.
- Các vấn đề về van tim, phổ biến hơn ở bệnh thận đa nang.
- Nang gan và nang tụy, phổ biến hơn ở bệnh thận đa nang.
- Các vấn đề về tăng trưởng và phát triển ở trẻ sơ sinh.
Nang thận điều trị như thế nào?
Nang thận đôi lúc không cần điều trị
Thông thường nếu u nang thận không gây ra triệu chứng hay không ảnh hưởng đến chức năng thận thì điều trị là không cần thiết. Thay vào đó, bác sĩ sẽ đề nghị bạn siêu âm thận định kỳ hoặc chụp cắt lớp vi tính để kiểm tra xem nang thận có to ra hay không, thuộc type nào và có các biến chứng hay chưa. Họ sẽ đưa ra quyết định điều trị phù hợp tại thời điểm u nang thận có triệu chứng hoặc ảnh hưởng đến chức năng thận. Đôi lúc, một nang thận đơn sẽ tự biến mất theo thời gian.
Phương pháp điều trị u nang thận có triệu chứng
U nang thận có nguy hiểm không được đánh giá dựa trên kích thước và mức độ ảnh hưởng đến chức năng thận. Nếu các u nang thận biểu hiện triệu chứng hay có dấu hiệu mở rộng,… bác sĩ thường đề nghị các phương pháp điều trị sau:
- Chọc hút nang đơn thuần
- Chọc dẫn lưu và tiêm xơ nang thận
- Cắt bỏ chỏm nang bằng mổ mở
- Cắt bỏ chỏm nang qua nội soi
Ngoài ra, các phương pháp điều trị các bệnh u nang phức tạp khác, xảy ra khi đã có biến chứng có thể bao gồm:
- Lọc máu – một thủ thuật được chỉ định khi đã suy thận mạn giai đoạn cuối.
- Ghép thận nếu bệnh nhân đang trong tình trạng suy thận.
- Dùng thuốc và thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp.
Bệnh u nang thận có thể không nguy hiểm nhưng lại không có cách chữa khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị nhằm cải thiện triệu chứng và ngăn chặn u nang thận phát triển. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng vì hầu hết bệnh nhân đều có thể sống chung lành mạnh với bệnh u nang thận khi tuân thủ điều trị, chỉ số ít trường hợp cần lọc máu hay ghép thận.