Dấu hiệu viêm bàng quang ở nữ giới rất dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện do bệnh lý khác gây ra. Vì vậy, để xác định đúng tình trạng và có hướng điều trị phù hợp, bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nghi ngờ bản thân bị viêm bàng quang hoặc khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Có nhu cầu đi tiểu gấp.
- Cảm giác bàng quang vẫn đầy sau khi đi tiểu.
- Tần suất đi tiểu thường xuyên, nhưng chỉ đi một lượng nhỏ.
- Đau nhói, nóng rát hoặc châm chích khi đi tiểu.
- Đau trong bàng quang, khó chịu ở lưng hoặc bụng dưới ngay trên xương mu.
- Nước tiểu sẫm màu, vẩn đục hoặc có mùi hôi.
- Cảm thấy không khỏe, mệt mỏi hoặc sốt.
Ngoài các dấu hiệu kể trên, một số trường hợp viêm bàng quang xuất huyết ở nữ còn tìm thấy vết máu trong nước tiểu. Đôi khi, viêm bàng quang nữ có thể không làm xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
Bên cạnh đó, hãy thận trọng và đi khám ngay nếu bị sốt cao, đau quanh lưng, tiểu ra máu hoặc bạn đã tái phát viêm bàng quang 3 lần trong một năm.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm bàng quang ở nữ giới là gì?
Thống kê cho thấy, nữ giới bị viêm bàng quang thường xuyên hơn nam giới bởi vì ống niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn, không đủ khả năng hình thành rào cản hiệu quả để ngăn chặn vi khuẩn. Đồng thời, khoảng cách giữa niệu đạo, âm đạo và lỗ hậu môn gần nhau chính là điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn dễ dàng lây lan.
Vi khuẩn gây viêm bàng quang nữ thường gặp nhất là Escherichia coli (E. coli), khoảng 95% các trường hợp nhiễm trùng tiết niệu có liên quan đến chúng. Ngoài ra, một số tác nhân gây bệnh khác có thể là: Proteus, Klebsiella, Enterococcus, Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh) và các liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus Group B).

Nguyên nhân khiến vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào niệu đạo dẫn đến nhiễm trùng và viêm bàng quang ở phụ nữ có thể do các vấn đề sau:
- Bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn do quá trình mang thai, thói quen nhịn tiểu hoặc một số tình trạng khác.
- Tổn thương hoặc kích ứng xung quanh niệu đạo: do quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc với hóa chất (tắm bồn xà phòng, các sản phẩm vệ sinh phụ nữ,…)
- Vi khuẩn từ hậu môn di chuyển đến niệu đạo trong khi quan hệ tình dục, hoặc do lau chùi từ sau ra trước mỗi khi đi đại tiện, hoặc sử dụng tampon.
- Sử dụng kháng sinh liều cao kéo dài làm mất cân bằng hệ vi sinh của cơ thể.
- Đặt ống thông tiểu bên trong bàng quang.
- Biến chứng của các bệnh lý khác như đái tháo đường, viêm teo âm đạo,…
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!